Khắc phục ô nhiễm môi trường hệ thống Bắc Hưng Hải

21/01/2021 06:56

Nhằm bảo đảm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, những năm qua Hải Dương đã có nhiều giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.


TP Hải Dương đã cải thiện chất lượng nước, cảnh quan kênh T2 và hồ trạm bơm Bình Lâu bằng cách xử lý hóa chất và thả bè thủy sinh

Trước đây, tình trạng ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải (BHH) chủ yếu diễn ra vào mùa khô khi điều tiết nước để phục vụ tưới tiêu. Tuy nhiên, những năm gần đây tình trạng ô nhiễm diễn ra thường xuyên trong năm. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm này.

Ô nhiễm nhiều năm

Hệ thống thuỷ lợi BHH cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp của các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên. Hải Dương là hạ nguồn của hệ thống BHH. Hệ thống này bắt đầu từ Cống Tranh, xã Thúc Kháng (Bình Giang) chảy vào sông Sặt và sông Cửu An, chảy qua các huyện Gia Lộc, Cẩm Giàng, TP Hải Dương, huyện Thanh Miện, huyện Ninh Giang. Đầu ra của hệ thống BHH tại cống Cầu Xe - An Thổ, xã Quang Trung (Tứ Kỳ).

Từ các năm 2014 - 2015, tình trạng ô nhiễm chủ yếu vào mùa khô nhưng những năm gần đây diễn ra thường xuyên trong năm. Hệ thống BHH bị ô nhiễm chủ yếu trên sông Sặt tại thị trấn Sặt (Bình Giang) và sông Cửu An chảy qua các xã Thúc Kháng, Thái Dương (Bình Giang) và nhiều xã ở huyện Thanh Miện. Tuy mức độ ô nhiễm không liên tục nhưng theo từng đợt, các đợt ô nhiễm nước thường có màu đen, mùi khó chịu. Kết quả quan trắc từ năm 2016 đến quý II.2020 cho thấy nước sông Sặt có 5 thông số vượt quá quy chuẩn cho phép từ 1,2 đến nhiều lần, trong đó có những chỉ số xuất hiện thường xuyên và kéo dài nhiều năm.

Theo báo cáo (tháng 9.2020) của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), nguồn gây ô nhiễm nguồn nước hệ thống BHH chủ yếu là nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư tập trung (chiếm gần 60%). Trong đó, nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước hệ thống BHH trên địa bàn tỉnh do sông Sặt và sông Cửu An ở các huyện Bình Giang và Thanh Miện. Tiếp đó là hệ thống BHH tiếp nhận nước sông Cầu Bây đã bị ô nhiễm từ TP Hà Nội chảy qua tỉnh Hưng Yên về Hải Dương. Bên cạnh đó, nguyên nhân gây ô nhiễm cục bộ sông Sặt (sông Kim Sơn) tại cầu Cất (TP Hải Dương) do tiếp nhận nước thải sinh hoạt từ kênh T2 qua trạm bơm Bình Lâu.

Tình trạng ô nhiễm hệ thống BHH kéo dài nhiều năm không chỉ ảnh hưởng tới nông nghiệp mà còn khiến người dân bức xúc, thường xuyên có ý kiến đề nghị cơ quan chức năng tập trung giải quyết.


Khu vực cống Tranh thuộc xã Thúc Kháng (Bình Giang) - nơi bắt đầu hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải vào Hải Dương

Thực hiện nhiều giải pháp khắc phục

Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường hệ thống BHH, thời gian qua, Hải Dương đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp. Sở TNMT đã theo dõi diễn biến và phát hiện kịp thời khi nguồn nước bị ô nhiễm để thông báo cho các địa phương chủ động điều chỉnh hoạt động khai thác, sử dụng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản.

Sở TNMT thường xuyên lấy mẫu phân tích chất lượng nước thuộc hệ thống BHH, đặc biệt là điểm tiếp nhận nước từ tỉnh Hưng Yên chảy vào Hải Dương. Sở đã quan trắc gần 20 điểm trên sông Sặt, Cửu An, Cẩm Giàng, Đình Đào, Tứ Kỳ và Cầu Xe với tần suất 4 lần/năm. Lắp đặt 2 trạm quan trắc liên tục tự động tại sông Sặt thuộc xã Thúc Kháng (Bình Giang) và trên sông Cầu Xe thuộc xã Hà Kỳ (Tứ Kỳ). Phối hợp với các đơn vị rà soát, kiểm tra, xử phạt và kiến nghị xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, xả thải vào hệ thống BHH.

Công tác quản lý, giám sát nguồn thải trực tiếp và gián tiếp từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh xả vào hệ thống BHH qua địa bàn tỉnh được các cơ quan chức năng thực hiện chặt chẽ. Việc quản lý nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư cũng được các địa phương quan tâm.

Theo Phòng TNMT TP Hải Dương, để giảm thiểu ô nhiễm hệ thống BHH do nước thải sinh hoạt của khu dân cư trên kênh T2, thành phố đã và đang cải thiện chất lượng nước, cảnh quan kênh này và hồ trạm bơm Bình Lâu theo phương án xử lý bằng hóa chất kết hợp sử dụng chế phẩm vi sinh vật Sagi Bio2, thả bè thủy sinh. UBND thành phố đang hoàn thiện thiết kế cơ sở dự án xây dựng đường ống thu gom, tách riêng nước thải đô thị về trạm xử lý nước thải khu vực phía tây thành phố trước khi xả ra sông Sặt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đô thị động lực.

Theo ông Trịnh Thế Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi BHH, so với các địa phương khác trong hệ thống thủy lợi BHH thì Hải Dương có ít điểm xả thải gây ô nhiễm kênh mương. Do ở khu vực cuối nguồn nên Hải Dương phải chịu nguồn nước ô nhiễm ở nhiều cụm công nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố khác chảy về. Những năm qua, Hải Dương đã có nhiều giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Chất lượng nguồn nước thuộc hệ thống BHH qua tỉnh ngày càng được cải thiện, bảo đảm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

HIỀN LAN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khắc phục ô nhiễm môi trường hệ thống Bắc Hưng Hải