Phủ xanh đất rừng

15/04/2021 18:01

Thời gian qua, được sự hỗ trợ của chính quyền và cơ quan chuyên môn, nhiều hộ nhận khoán rừng trong tỉnh đã tích cực trồng, cải tạo rừng. Nhờ đó chất lượng rừng trồng ngày càng cải thiện.


Hằng năm, tỉnh đều khảo sát thực trạng cây rừng để xây dựng kế hoạch trồng rừng thay thế phù hợp

Trồng rừng thay thế

Gia đình anh Nguyễn Văn Thăng ở thôn Bến, xã Lê Lợi (TP Chí Linh) nhận khoán gần 6 ha rừng gần khu di tích Kiếp Bạc gần 30 năm nay. Trước đây, khu rừng nhà anh Thăng nhận chăm sóc phần lớn là cây bạch đàn tái sinh nên còi cọc, chậm phát triển. Nhìn cánh rừng xơ xác, sức sống cạn dần khi màu xanh của cây rừng mất đi theo thời gian khiến anh không khỏi trăn trở. Hơn nữa, diện tích rừng này lại gần khu di tích, làm ảnh hưởng không nhỏ tới cảnh quan chung. Cuối năm 2020, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, diện tích bạch đàn được trồng thay thế bằng cây thông. Anh Thăng hồ hởi nói: "Hơn 6.000 cây thông đang sinh trưởng tốt, chỉ vài năm nữa thôi là những tán thông trưởng thành sẽ phủ xanh vùng đồi trọc này".

Toàn tỉnh có hơn 11.200 ha rừng ở TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn. Đa số diện tích rừng tự nhiên trồng keo, bạch đàn trong tỉnh đã quá thời gian khai thác nên không những không cho giá trị kinh tế mà còn làm suy giảm đa dạng sinh học. Ngoài ra chưa kể đến những khu vực bị thiệt hại do cháy, khai thác trái phép... Mặc dù diện tích này không lớn nhưng cũng cần trồng bổ sung. Trước thực trạng trên, tỉnh đã xây dựng kế hoạch trồng rừng thay thế theo từng năm. Từ năm2019 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ trồng khoảng 30 ha rừng ở phường Phả Lại và xã Lê Lợi (TP Chí Linh). Ngoài hỗ trợ về cây giống, cơ quan chuyên môn cũng phối hợp với chủ nhận khoán chăm sóc trong 3 năm đầu nhằm bảo đảm cây phát triển thuận lợi. Anh Lê Khả Hưng, Trạm trưởng Trạm Quản lý kiểm lâm Côn Sơn cho biết: "Việc trồng rừng thay thế rất cần thiết để nâng cao vai trò của rừng trong môi trường tự nhiên. Chính vì thế, trạm đã tích cực rà soát những diện tích rừng kém chất lượng để đề xuất trồng thay thế bằng những loại cây khác phù hợp và hiệu quả hơn. Ngoài phối hợp trồng và chăm sóc rừng mới trồng, các đơn vị liên quan cũng tích cực tuyên truyền, vận động hộ nhận khoán rừng quan tâm bảo vệ để tránh sự cố có thể xảy ra".

Phát triển rừng sản xuất

Trước kia, khi được giao đất rừng sản xuất, nhiều hộ đã tự ý chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Còn vài năm trở lại đây, các hộ đã nhận thức được việc làm vi phạm này nên chủ động trồng cây rừng theo đúng quy định. Không trông chờ vào hỗ trợ, nhiều hộ còn tự bỏ tiền túi để trồng rừng. Do lợi ích kinh tế được gắn chặt với trồng và khai thác cây rừng nên người dân không còn lơ là chăm sóc và bảo vệ rừng sản xuất. Anh Nguyễn Văn Ngân ở phường Cộng Hòa (TP Chí Linh) được giao khoán 10 ha rừng sản xuất từ năm 1992 đến nay. Trên diện tích này, anh trồng keo, cứ từ 7-10 năm cho khai thác 1 lần. Anh Ngân cho biết trồng rừng chỉ vất vả thời gian đầu khi phải đều đặn phát quang cỏ dại, còn lúc cây đã lớn, có khả năng cạnh tranh dinh dưỡng với tầng thực bì thì ít mất công chăm sóc hơn. Mặt khác, do các hộ nhận khoán đã chú tâm việc bảo vệ rừng hơn nên anh cũng không phải lo lắng nhiều về nguy cơ cháy rừng khi mùa khô đến.

Theo đại diện Ban Quản lý rừng, từ năm 2019 đến nay, các hộ nhận khoán đã trồng hơn 300ha rừng sản xuất, tập trung ở các xã, phường Bắc An, Hoàng Hoa Thám, Bến Tắm, Hoàng Tiến... của TP Chí Linh. Trồng rừng sản xuất là việc làm thường xuyên, nhưng chủ hộ đã không còn trồng tự phát mà thực hiện đồng bộ, bài bản. Vì thế, đất rừng sản xuất của tỉnh được phủ xanh toàn bộ và đồng loạt, không có diện tích bỏ hoang hóa. Điều này cho thấy trách nhiệm của chủ nhận khoán trong gìn giữ và phát triển rừng sản xuất đã được nâng cao.

Trồng rừng thay thế và phát triển rừng sản xuất là một trong những giải pháp thiết thực để duy trì bền vững nguồn tài nguyên rừng của tỉnh. Dù vậy, nếu không chú trọng chăm sóc, bảo vệ thì cách làm trên chỉ gây tốn kém, lãng phí. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, người dân và các đơn vị liên quan trong khôi phục và phát triển rừng. Có như vậy mới có thể giữ được màu xanh của những tán cây rừng.

   PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phủ xanh đất rừng