Thầm lặng nghề "đo nắng, đếm mưa"

23/03/2020 10:54

Bất kể mưa hay nắng, ngày hay đêm, những người làm công tác khí tượng thủy văn vẫn miệt mài thực hiện những công việc "đo nắng, đếm mưa".


Cán bộ Trạm Khí tượng Chí Linh đọc số liệu và truyền tin tức về Đài Khí tượng thủy văn tỉnh  

Họ làm công việc thầm lặng này nhằm thu thập các cơ sở dữ liệu, dự đoán tình hình thời tiết để phục vụ đời sống và sản xuất.

Thu thập dữ liệu liên tục

Trạm Khí tượng Chí Linh nằm riêng biệt ở đỉnh một ngọn đồi của phường Sao Đỏ. Đây là trạm duy nhất có 3 cán bộ đều là nữ. Nếu chỉ nhìn thoáng qua, công việc hằng ngày của những cán bộ, nhân viên ở đây lặng lẽ và tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Những người làm công tác khí tượng ở đây có nhiệm vụ quan trắc và phát báo về những yếu tố thời tiết như gió, mưa, nắng, nhiệt độ, độ ẩm của đất và không khí. Công việc quan trắc, dự báo, truyền tải thông tin của trạm được họ thực hiện liên tục.

Chị Nguyễn Thị Thùy Dung, người trẻ tuổi nhất ở trạm chia sẻ: "Sở dĩ trạm nằm ở đỉnh đồi là để giảm các yếu tố ở mặt đất ảnh hưởng tới số liệu quan trắc khí tượng. Một ca trực kéo trọn 24 giờ". Trước giờ quan trắc 30phút, các nhân viên ở đây phải kiểm tra máy quang ký, thêm nước cho ẩm kế, đồng thời nhận định và dự kiến mã hóa một số hạng mục phải quan trắc bằng mắt thường. Sau đó, lại phải quan trắc gió, trạng thái mặt đất, nhiệt độ mặt đất, độ ẩm không khí. Cứ như vậy, mỗi ngày quan trắc viên phải đi đo các thông số 4 lần vào các khung 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ, 19 giờ.

Nếu như công việc của các trạm khí tượng là nhìn mây, đo gió... thì trạm thủy văn lại làm nhiệm vụ gắn liền với sông nước. Trạm Thủy văn Bá Nha ở xã Hợp Đức (Thanh Hà) là trạm cấp 1, có đông cán bộ, nhân viên nên công việc cũng nhiều hơn những trạm khác. Các số liệu này là cơ sở để dự báo định hướng thời tiết cho cả một vùng và phục vụ việc nghiên cứu cho nhiều năm sau. Vì vậy, tất cả cán bộ đều nỗ lực để đưa những thông tin chính xác nhất về trung tâm. 

Anh Nguyễn Huy Tú, Trạm trưởng Trạm Thủy văn Bá Nha cho biết công việc hằng ngày của trạm là đo mực nước sông, lượng mưa, lưu tốc dòng chảy, hàm lượng chất lơ lửng, độ mặn... Anh Tú kể: "Khu vực này người dân trồng vải nên chúng tôi còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phân tích mẫu nước mưa để đo độ pH, độ mặn, giúp người dân chủ động chăm sóc cây vải". Năm 2015, khu vực xuất hiện mưa a xít. Ngay khi phát hiện ra, đơn vị đã thông báo cho cơ quan chuyên môn của địa phương để cảnh báo, hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc phù hợp. Nhờ cảnh báo sớm nên hầu hết diện tích vải lúc đó không bị ảnh hưởng nhiều. 

Vất vả

Theo chị Vũ Thị Bích Nguyệt, Trạm trưởng Trạm Khí tượng Chí Linh, người đã có 30 năm gắn bó với công việc này thì nghề khí tượng vừa buồn lại vừa khắc nghiệt. Vất vả nhất là những ca làm đêm bởi phải báo cáo về trạm lúc 1 giờ. Một buổi đi đo các thông số, nhanh cũng phải mất 30 phút đến 1 tiếng, nhưng thường bị mất ngủ cả đêm. Dù thời tiết thế nào, sức khỏe ra sao, mùa đông hay mùa hè, đến giờ là cán bộ quan trắc phải lấy sổ sách ra vườn khí tượng ghi số liệu. "Thời tiết thuận lợi không sao, những ngày mưa gió, giá rét thì rất vất vả. Mới đây nhất, đợt Tết vừa rồi xuất hiện thời tiết bất thường nên cả 3 cán bộ của trạm phải túc trực cả Tết. Làm việc nhiều nên quen, chẳng mấy khi được đón giao thừa cùng gia đình", chị Nguyệt chia sẻ. 

Công việc của anh Nguyễn Huy Tú nguy hiểm nhất là vào mùa mưa bão vì phải thực hiện nhiệm vụ quan trắc các số liệu ở sông. Càng mưa lũ lớn thì càng phải ra sông nhiều lần. "Công việc vất vả, nguy hiểm nhưng thu nhập lại thấp, có người mới vào làm còn không bảo đảm cuộc sống", anh Tú nói.

Hiện Đài Khí tượng thủy văn tỉnh có 9 trạm gồm 2 trạm khí tượng và 7 trạm thủy văn. Do đặc thù công việc nên hầu hết các trạm đều tách biệt với khu dân cư. Ông Nguyễn Đức Long, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh cho biết do thời tiết những năm gần đây có nhiều bất thường, sương muối, mưa đá khiến công việc của các quan trắc viên thêm phần vất vả. Đặc thù của công việc là phải bám trạm, khi nào cũng có người canh và đo đạc số liệu. Báo cáo xong cũng không được đi đâu xa, đề phòng trường hợp số liệu có vấn đề sẽ phải đi đo lại. "Muốn dự báo chính xác, cán bộ quan trắc phải nắm được số liệu tổng hợp qua hàng chục năm. Từ các số liệu quan trắc được, cơ sở dự báo sẽ phân tích, đưa ra các cảnh báo kịp thời. Đây là cơ sở quan trọng để làm dữ liệu phòng chống lụt bão, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra", ông Long nói. 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thầm lặng nghề "đo nắng, đếm mưa"