Tháo gỡ khó khăn trong xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn

05/01/2019 12:29

Việc xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, cần sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành liên quan và doanh nghiệp.


Tháo gỡ vướng mắc trong xử lý rác thải sinh hoạt góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn

Việc xử lý rác thải sinh hoạt (RTSH) nông thôn hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc đòi hỏi các cấp chính quyền cần chủ động tháo gỡ. Cùng với đó là sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp để giải quyết vấn đề RTSH nông thôn đang rất nhức nhối hiện nay.

Vướng mắc

Thực hiện đề án “Thu gom, xử lý RTSH khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2020”, UBND tỉnh đã có chủ trương hỗ trợ kinh phí vận chuyển, xử lý tập trung cho 18 xã ở một số huyện như Cẩm Giàng, Bình Giang, Kim Thành... Dù năm 2018 đã qua nhưng đến nay vẫn chưa có xã nào vận chuyển, xử lý RTSH tập trung tại các nhà máy theo kế hoạch. Ông Nguyễn Văn Lịch, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cẩm Giàng cho biết theo đề án, RTSH của 6 xã ở huyện Cẩm Giàng gồm: Cẩm Đông, Cẩm Đoài, Cẩm Phúc, Cầm Điền, Cao An và Tân Trường sẽ được vận chuyển, xử lý tại Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc (Bình Giang). Mặc dù vậy, do Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc đang tiếp nhận, xử lý RTSH cho một số xã ở huyện Bình Giang và sắp xử lý RTSH cho một số xã trong huyện Thanh Miện nên không còn khả năng xử lý rác thải của huyện Cẩm Giàng. Mặt khác, dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải ở xã Lương Điền vẫn đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, chưa biết đến bao giờ mới có thể tiếp nhận, xử lý rác thải của các địa phương trong huyện. Vì vậy, đến nay, RTSH của các xã trên mới được chôn lấp tạm thời, nguy cơ ô nhiễm môi trường là rất lớn.

Tại huyện Thanh Miện, vận chuyển, xử lý RTSH tập trung theo kế hoạch của đề án vẫn chưa triển khai được. Hiện RTSH của một số xã có lượng rác phát sinh lớn như Đoàn Tùng, Hồng Quang, Ngô Quyền, Lê Hồng, Tứ Cường, Ngũ Hùng… cũng mới chỉ được chôn lấp tạm thời tại các bãi chôn lấp rác thải tập trung. Mặc dù nhiều bãi chôn lấp đã quá tải nhưng việc bố trí quỹ đất, kinh phí xây dựng bãi chôn lấp mới rất khó thực hiện. Việc vận chuyển, xử lý RTSH tập trung tại các nhà máy xử lý rác thải là yêu cầu cấp thiết, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường đã ở mức báo động hiện nay.

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

Vận chuyển, xử lý RTSH tập trung là biện pháp tối ưu nhất góp phần giải quyết triệt để lượng rác thải phát sinh ở khu vực nông thôn. Theo đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Giang, UBND huyện đã ký hợp đồng với Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc để vận chuyển, xử lý RTSH cho 5 xã: Cổ Bì, Hồng Khê, Bình Minh, Vĩnh Tuy và Tân Hồng. Hiện Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc và UBND huyện Bình Giang đã đầu tư, lắp đặt 15 thùng thép, mỗi thùng chứa được 10 m3 rác tại các xã trên để tạo thuận lợi cho hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải. Phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện sẽ giám sát việc cân, vận chuyển rác. Phòng Kế hoạch - Tài chính có trách nhiệm duyệt, thanh toán theo đơn giá quy định của UBND tỉnh. Việc thu gom, vận chuyển RTSH của các xã này sẽ thực hiện từ đầu năm 2019.

Ông Nguyễn Xuân Lịch cho biết thêm do Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc từ chối tiếp nhận RTSH của huyện nên UBND huyện Cẩm Giàng đang xây dựng kế hoạch, phương án thu gom, vận chuyển, dự toán kinh phí xử lý RTSH tại khu xử lý tập trung ở xã Việt Hồng (Thanh Hà). UBND huyện sẽ ký hợp đồng với 1 đơn vị chuyên vận chuyển rác thải về khu xử lý. Việc xử lý lượng rác này sẽ do 1 trong 2 đơn vị là Công ty CP Môi trường Seraphin-APT Hải Dương hoặc Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương đảm nhận theo đơn giá đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Bà Hoàng Thị Nhàn, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Miện cho biết UBND huyện đã làm việc với Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc để vận chuyển, xử lý RTSH của 8 xã trong huyện. Dù vậy, việc vận chuyển, xử lý chưa thể thực hiện sớm do chưa thống nhất được hình thức thu gom cũng như đơn giá vận chuyển, xử lý. “Những khó khăn, vướng mắc này sẽ được UBND huyện cùng Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc tập trung tháo gỡ trong thời gian sớm nhất để giải quyết dứt điểm lượng rác thải phát sinh, góp phần bảo vệ môi trường khu vực nông thôn”, bà Nhàn nói.

Các doanh nghiệp chuyên xử lý RTSH cũng sẵn sàng tiếp nhận, xử lý RTSH cho các địa phương trong tỉnh. Hiện Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương đã hoàn thiện dự án với quy mô công suất xử lý 183 tấn RTSH/ngày đêm. Công ty CP Môi trường Seraphin - APT đã hoàn thành dự án với công suất 200 tấn RTSH/ngày đêm. Như vậy, về quy mô công suất hiện tại, cả 2 nhà máy trên có thể tiếp nhận, xử lý RTSH của các xã trong tỉnh. Ngoài ra, Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc cũng sẵn sàng tiếp nhận, xử lý RTSH của các xã ở 2 huyện Bình Giang, Thanh Miện.

Để xử lý RTSH nông thôn, các cấp, các ngành cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thu hút các doanh nghiệp có năng lực đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung tại những vị trí phù hợp. Bố trí kinh phí hỗ trợ vận chuyển, xử lý RTSH cho các xã còn lại theo đúng quy hoạch đã được duyệt.

VỊ THUỶ


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tháo gỡ khó khăn trong xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn