Bước đầu khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi

05/07/2019 16:37

Mặc dù bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương, nhưng theo cơ quan chức năng của tỉnh, bước đầu bệnh đã được khống chế.


Do tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên đàn lợn còn lại trong trang trại của bà Nguyễn Thị Tươi ở thôn Phượng Hoàng, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) vẫn an toàn

Số lợn phải tiêu hủy giảm

Cuối tháng 5, trang trại của bà Nguyễn Thị Tươi ở thôn Phượng Hoàng, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) phải tiêu hủy 10 con lợn nái do bệnh DTLCP với tổng trọng lượng gần 3 tấn. Sau khi tiêu hủy, cán bộ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã hướng dẫn gia đình bà cách vệ sinh tiêu độc khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh xâm nhập vào các dãy chuồng khác. Bà Tươi tháo rửa và khử trùng toàn bộ các vòi uống nước ở các ô chuồng nuôi lợn nái, cách ly những con lợn có dấu hiệu ốm; định kỳ phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực xung quanh, đường đi 2 lần/ngày thay vì 1 lần/ngày như trước. Máy phun thuốc khử trùng có áp lực lớn để phun được toàn bộ các ngóc ngách của trang trại. Các loài trung gian có thể gây bệnh như ruồi, muỗi, gián, chuột... bị tiêu diệt hoàn toàn. Bà Tươi còn tăng cường khẩu phần dinh dưỡng cho lợn bằng việc bổ sung các loại vitamin, khoáng chất và thuốc bổ. Do thực hiện đúng kỹ thuật nên gần 500 con lợn thịt và 60 con lợn nái của trang trại sau hơn 1 tháng vẫn an toàn.

Bệnh DTLCP đang bùng phát mạnh tại xã Lai Vu (Kim Thành). Do là địa phương sau cùng bùng phát dịch bệnh nên chủ các trang trại, gia trại đã được trang bị nhiều kiến thức phòng bệnh. Tính đến ngày 1.7, lực lượng chức năng của xã đã tiêu hủy 2.040 con lợn của 93 hộ dân với tổng trọng lượng hơn 134 tấn. Nhiều trang trại, gia trại chỉ bị tiêu hủy một phần, số lượng lợn còn lại vẫn an toàn do chủ hộ thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo đúng hướng dẫn của cán bộ thú y xã. Trước khi xảy ra dịch bệnh, Lai Vu có tổng đàn lợn lớn nhất huyện Kim Thành với khoảng 13.000 con.

Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, tính đến hết tháng 6, toàn tỉnh đã tiêu hủy 357.000 con lợn với tổng trọng lượng hơn 21.500 tấn. Ước tính thiệt hại trên 800 tỷ đồng. Theo nhận định của ngành chức năng, hiện bệnh DTLCP lây lan chậm, số lượng lợn phải tiêu hủy giảm nhiều so với các tháng trước đó.

Nhiều địa phương công bố hết dịch

Ông Hoàng Văn Chư, Chủ tịch UBND xã Đức Chính (Cẩm Giàng) cho biết địa phương đã đủ điều kiện để công bố hết dịch vì đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Trước đó, xã tiêu hủy gần 200 con lợn do bệnh DTLCP. Sau khi thực hiện tiêu hủy, xã đã cử người phun tiêu độc, khử trùng tại các ổ dịch và khu vực xung quanh chuồng trại chăn nuôi; đồng thời lập các chốt kiểm dịch để ngăn chặn việc vận chuyển lợn ra, vào vùng dịch. Tuyên truyền cho chủ hộ chăn nuôi các biện pháp phòng chống dịch, không bán tháo lợn bệnh ra bên ngoài. Do tích cực phòng chống dịch bệnh nên đến nay, xã vẫn còn gần 500 con lợn an toàn.

Sau 4 tháng hoành hành ở tỉnh, bệnh DTLCP đã bước vào giai đoạn cuối. Số lượng lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch giảm. Nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt hơn trước. Đến hết ngày 1.7, toàn tỉnh đã có 57 địa phương đủ điều kiện công bố hết dịch. Ở những nơi này hầu như chỉ còn rất ít hoặc không còn lợn, cá biệt còn vài địa phương vẫn giữ được một số đàn lợn lớn.

Ông Vũ Văn Hoạt, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: "Bệnh DTLCP đã được khống chế nhưng chưa thể ngăn chặn do chưa có thuốc đặc trị; việc sản xuất vaccine phòng bệnh mới chỉ thành công ở khâu thử nghiệm. Việc loại bỏ hoàn toàn mầm bệnh DTLCP rất khó". Sau đợt dịch này, người chăn nuôi cần phải chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn với hệ thống trang trại hiện đại và khép kín. Chủ các trang trại phải áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, loại bỏ thói quen tận dụng thức ăn thừa. "Bệnh DTLCP rất có thể sẽ bùng phát mạnh trở lại nếu người dân và cơ quan chức năng lơ là trong phòng chống", ông Hoạt cảnh báo.

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Bước đầu khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi