Cẩm Giàng phát triển nông nghiệp hiện đại, an toàn

09/12/2020 07:01

Trong giai đoạn 2021-2025, huyện Cẩm Giàng định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn, bền vững nhằm tạo ra giá trị cao, mang lại lợi ích lâu dài hơn.


Với thế mạnh là vùng chuyên canh cà rốt, HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính (Cẩm Giàng) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn triển khai dự án hỗ trợ cơ sở sơ chế và bảo quản nông sản

Tăng cường liên kết, sản xuất sạch

Mô hình trồng nấm sò của anh Lê Văn Mùa, 30 tuổi ở thôn La B, thị trấn Cẩm Giang cho lãi khoảng 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm thời vụ cho 3-7 người. Nấm được đóng túi chuyển đến các chợ lân cận và các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Sơn La, Bắc Ninh với giá bán 27.000 đồng/kg. Điểm nổi bật của mô hình là nấm được trồng hoàn toàn hữu cơ nên rất an toàn cho người sử dụng. “Nguyên liệu trồng nấm từ những thứ tưởng như bỏ đi như lõi ngô, mùn cưa, bông phế liệu, rơm rạ… Để tạo cho nấm vị ngọt tự nhiên, tôi sử dụng cám ngô trộn với các nguyên liệu, đóng túi, hấp khử trùng, cấy giống sau đó tưới nước sạch chờ thu hoạch", anh Mùa chia sẻ. Do làm từ các nguyên liệu an toàn nên khách hàng của cơ sở ngày càng đông.  

Nhiều năm qua, Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương (Cẩm Văn) là một trong những đơn vị chế biến nông sản lớn nhất huyện Cẩm Giàng với sản lượng mỗi năm từ 20.000-25.000 tấn, trong đó có 10.000 tấn cà rốt, còn lại là hành, mùi, cải bắp, su hào, ớt... Hiện công ty có 11 kho lạnh với hệ thống máy móc liên hoàn để rửa, sấy, sơ chế, đóng gói nông sản trên diện tích 8.500 m2. Tháng 6 vừa qua, công ty đã khởi công dự án “Liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm cà rốt”, tổng kinh phí hơn 9,2 tỷ đồng. Dự án thực hiện từ năm 2020-2022 với nhiều hạng mục như xây dựng hệ thống kho lạnh, kho cấp đông, bến bãi, mô hình ứng dụng công nghệ cao... Đến nay, dự án đã thực hiện được khoảng 50% khối lượng, xây thêm 2 kho lạnh, 1 xưởng rửa nông sản trên diện tích 1.500 m2. Ông Nguyễn Đức Đoàn, Phó Giám đốc công ty cho biết: “Vừa qua Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ thực hiện dự án này với chi phí hơn 3,3 tỷ đồng. Chúng tôi mong sớm được hỗ trợ để mở rộng sản xuất”.


Do làm từ các nguyên liệu an toàn nên mô hình trồng nấm sò của anh Lê Văn Mùa, ở thôn La B, thị trấn Cẩm Giang ngày càng đông khách

Sẽ được đầu tư lớn

Ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết giai đoạn 2016-2020, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún, tập trung vào tăng năng suất, sản lượng, chưa chú trọng chất lượng, sự an toàn của sản phẩm. Để hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, phòng tham mưu xây dựng đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, tạo ra vùng sản xuất quy mô lớn, sản phẩm nông sản an toàn và phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025” thay thế cho đề án “Quy hoạch, phát triển vùng sản xuất tập trung giá trị kinh tế cao giai đoạn 2016-2020”. Mục tiêu chung của đề án nhiệm kỳ này là phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, tập trung tích tụ ruộng đất thành vùng sản xuất quy mô lớn. Xây dựng và phát triển chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, phát triển các mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi chủ lực có lợi thế, giá trị kinh tế cao và phù hợp tiềm năng, thế mạnh của huyện.

Cẩm Giàng đã tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp hiện đại hóa sản xuất, tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ phát triển nông nghiệp của tỉnh, phối hợp thực hiện các dự án hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp. Tham gia Đề án “Phát triển diện tích cấy máy giai đoạn 2020-2025” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện, vụ mùa 2020, toàn huyện có 24 ha trong tổng diện tích 4.000 ha lúa được cấy bằng máy (trước kia mỗi vụ chỉ có từ 2-3 ha), là năm có diện tích cấy máy lớn nhất từ trước đến nay. 

Với thế mạnh là phát triển vùng chuyên canh cà rốt, vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai dự án hỗ trợ cơ sở sơ chế và bảo quản nông sản tại Việt Nam thực hiện từ năm 2019 - 2022 tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính (Cẩm Giàng) và HTX Tân Minh Đức (Gia Lộc) với tổng kinh phí hơn 64 tỷ đồng. Trong đó, HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính được hỗ trợ xây nhà xưởng và trang bị hệ thống sơ chế, kho lạnh lưu trữ rau củ. Anh Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính cho biết tháng 6 vừa qua dự án đã được khởi công với tổng diện tích hơn 2.200 m2, trong đó nhà xưởng có diện tích 1.000 m2 đến nay cơ bản hoàn thành, có 4 kho lạnh và nhà điều hành phục vụ sản xuất. Dự kiến trong tháng 12 này, máy móc sẽ được chuyển về để sớm đi vào hoạt động phục vụ sơ chế cà rốt trong vụ đông năm nay. 

Năm 2020, UBND tỉnh cũng phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho vùng sản xuất chuyên canh rau màu tập trung xã Cẩm Văn. Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) là chủ đầu tư. Dự án xây dựng trạm bơm tưới tiết kiệm gồm 3 tổ máy bơm, trạm gồm nhà trạm, bể hút, kênh dẫn nước, mạng đường ống tưới... với tổng mức đầu tư hơn 12,2 tỷ đồng. Dự án dự kiến cơ bản hoàn thành trong năm nay, cung cấp nước tưới cho 140 ha vùng trồng cà rốt xã Cẩm Văn.

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Cẩm Giàng phát triển nông nghiệp hiện đại, an toàn