Chủ động hỗ trợ nông dân sản xuất vải

04/12/2019 16:36

Những năm gần đây, Hội Nông dân (HND) huyện Thanh Hà đã có nhiều hình thức hỗ trợ, giúp đỡ hội viên sản xuất vải hiệu quả.


Hội viên nông dân "Tổ hợp tác xã sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP" thôn 3 ở xã Thanh Xá chia sẻ kinh nghiệm xử lý lộc đông trên cây vải

Liên kết sản xuất

Những ngày này, nông dân xã Thanh Xá đang tập trung xử lý lộc đông trên cây vải. Trên cánh đồng vải ở thôn 3 dễ dàng thấy hình ảnh nông dân đứng nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với nhau. Mỗi hộ đều có một quyển sổ nhật ký theo dõi quy trình chăm sóc vải theo từng giai đoạn. Những kiến thức, kinh nghiệm mới được bà con thông tin cho nhau và ghi chép tỉ mỉ vào quyển sổ. Họ còn thực hành các biện pháp kỹ thuật chăm sóc vải ngay tại ruộng để bà con khác cùng theo dõi và học tập.

Đầu năm nay, được sự hỗ trợ của HND xã, thôn 3 đã thành lập "Tổ hợp tác xã sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP", quy tụ 15 hộ có diện tích trồng vải lớn trong thôn tham gia. Các hội viên tổ hợp tác liên kết góp vốn xây dựng quỹ, cho những gia đình thiếu vốn vay mua vật tư nông nghiệp để chăm sóc vải. Mỗi tháng một lần, họ họp để đánh giá từng giai đoạn sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm, những vướng mắc, khó khăn để kiến nghị cấp trên hỗ trợ.

Anh Nguyễn Văn Cường ở thôn 3 trồng hơn 1 mẫu vải thiều cho biết: "Trước đây chưa liên kết thì mạnh ai ấy làm nên năng suất, chất lượng quả vải thường không đồng đều. Từ ngày chúng tôi liên kết lại thấy công việc chăm sóc vải nhàn hơn. Vụ vải vừa rồi năng suất bị giảm do thời tiết nhưng mẫu mã, chất lượng quả vải đã tốt hơn trước nhiều".

Năm 2017, HND xã Thanh Bính xây dựng mô hình "Liên kết sản xuất, tiêu thụ vải thiều sớm" tại thôn Hạ Vĩnh, thu hút hơn 20 hộ tham gia. HND xã cập nhật kiến thức, kinh nghiệm sản xuất để truyền đạt lại cho các hội viên tham gia mô hình. Trong quá trình sản xuất, các hộ liên kết chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau vốn, vật tư, cùng áp dụng biện pháp kỹ thuật chăm sóc nên tạo ra vùng trồng vải có mẫu mã và chất lượng tốt hơn trước.

"Bà con liên kết với nhau giúp việc tiêu thụ vải dễ dàng, ổn định hơn do được hỗ trợ đầu ra. 3 năm qua, toàn bộ vải của bà con tham gia mô hình được Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại dịch vụ Rồng Đỏ ở TP Hồ Chí Minh hợp đồng thu mua theo vụ", ông Nguyễn Văn Đệnh, Chủ tịch HND xã Thanh Bính nói.

Những năm gần đây, HND huyện Thanh Hà tích cực vận động, hướng dẫn HND các xã, thị trấn liên kết hội viên tham gia xây dựng các mô hình sản xuất vải. Hiện toàn huyện có 11 mô hình nông dân liên kết sản xuất loại cây này.

Các mô hình đều mang lại hiệu quả rõ rệt. Để các mô hình liên kết sản xuất vải hoạt động hiệu quả, HND huyện phối hợp tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân tham gia mô hình về vốn, vật tư nông nghiệp; tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chú trọng liên kết hợp tác và cùng các doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị. Hội nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay, lấy gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi để thông tin tuyên truyền, tạo sức lan tỏa.

Khai thác các nguồn vốn

Hằng năm, HND huyện Thanh Hà đều chủ động phối hợp tư vấn, dạy nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật hỗ trợ nông dân sản xuất vải. Từ đầu năm 2019 đến nay, hội đã phối hợp tổ chức 65 buổi tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây vải cho 5.028 lượt người tham gia. Đơn vị phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh mở lớp nghề trồng vải cho 35 học viên tại xã Thanh Bính; tín chấp mua trên 33 tấn phân bón trả chậm cho hội viên, nông dân các xã Thanh Xá, Vĩnh Lập...

HND huyện còn chủ động khai thác các nguồn vốn cho hội viên vay mở rộng sản xuất, tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm nông sản nói chung, quả vải nói riêng. Hiện tại, hội tín chấp với Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương và tỉnh cho 233 hộ vay 5,4 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện cho 49 hộ ở 5 xã vay 990 triệu đồng. Quỹ Hỗ trợ nông dân cơ sở cho 121 hộ vay gần 1,7 tỷ đồng. HND huyện còn tín chấp với các ngân hàng cho hàng nghìn nông dân vay vốn với tổng số tiền trên 295 tỷ đồng, trong đó trên 18 tỷ đồng phục vụ sản xuất vải.

Để góp phần thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng quả vải, an toàn trong khâu sản xuất, tiêu thụ, hướng tới xuất khẩu ra nhiều nước, HND huyện Thanh Hà sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nông dân sản xuất vải theo đúng quy trình VietGAP, GlobalGAP; phối hợp mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây vải. Tăng cường phối hợp tuyên truyền quảng bá nhãn hiệu vải thiều Thanh Hà, xúc tiến thương mại, tổ chức tốt lễ hội vải thiều Thanh Hà hằng năm...

PV

(0) Bình luận
Chủ động hỗ trợ nông dân sản xuất vải