Chủ động vùng rau màu xuất khẩu

07/03/2021 21:15

Trước thực trạng “khát” rau màu đủ điều kiện phục vụ cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, Hải Dương đang tích cực xây dựng vùng nguyên liệu xuất khẩu bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc tế trong năm nay.


Xây dựng vùng rau màu bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế giúp các doanh nghiệp có thể chủ động nguồn hàng xuất khẩu

Gỡ khó

Hải Dương là địa phương có sản lượng rau màu lớn của cả nước mỗi năm lên tới 200.000 tấn. Tuy người dân có trình độ thâm canh cao nhưng kỹ thuật áp dụng chưa đổi mới nên lượng rau củ quả bảo đảm xuất khẩu (XK) rất ít. Điều này đã tạo ra nghịch lý, doanh nghiệp đóng chân tại “vựa” rau song vẫn loay hoay tìm nguồn hàng chất lượng. Còn nông dân ở cạnh doanh nghiệp mà phải trông chờ tiêu thụ qua các khâu trung gian. Dù đã có kinh nghiệm XK nông sản hơn 20 năm, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng nông sản XK Kiên Giang (Cẩm Giàng) vẫn trăn trở về vấn đề trên. “Doanh nghiệp mới tìm được cách khắc phục chứ chưa tìm ra giải pháp tối ưu. Việc liên kết với người dân trong sản xuất và tiêu thụ còn tồn tại bất cập nên hai bên vẫn dè chừng. Điều này ảnh hưởng tới tiến độ sản xuất, thu mua và XK. Hợp đồng XK nông sản có giá trị lớn, nếu không thận trọng thì ngoài thiệt hại về kinh tế còn ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp”, ông Cường nói.

Bài toán về nguồn hàng XK cho doanh nghiệp, đồng thời góp phần nâng cao giá trị sản xuất cho người dân đang từng bước có lời giải khi năm nay, UBND tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch quy vùng rau màu XK. Đây cũng là năm đầu tiên Hải Dương có định hướng phát triển vùng rau màu XK cụ thể, rõ ràng chứ không còn nhỏ lẻ và chắp vá như trước. Theo đó, tỉnh sẽ lựa chọn, xây dựng vùng rau màu theo tiêu chuẩn quốc tế trên cơ sở đặc thù sản xuất của từng địa phương với tổng diện tích 580 ha. Trong đó, tập trung cho các vùng chuyên canh rau màu lớn ở các huyện Gia Lộc, Cẩm Giàng, Tứ Kỳ, Kim Thành, thị xã Kinh Môn và TP Chí Linh. Theo bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, chủ trương phát triển vùng rau màu XK của tỉnh đã kịp thời gỡ khó cho doanh nghiệp và nông dân, đồng thời từng bước nâng cao giá trị, vị thế cho nông sản của Hải Dương. Trước đó, tỉnh đã xây dựng thành công vùng vải, nhãn XK nên với vùng rau màu lần này, các đơn vị liên quan có đủ kinh nghiệm và tự tin sẽ đạt kết quả tốt. Hiện kế hoạch cụ thể về chỉ tiêu quy vùng đã được gửi tới từng địa phương để chủ động triển khai thực hiện.


Hiện nay nhu cầu xuất khẩu rau củ quả của doanh nghiệp rất lớn. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP Ameii sơ chế sả để xuất khẩu sang Nhật Bản

Khẩn trương

Dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng không nhỏ và làm gián đoạn kế hoạch xây dựng vùng rau màu XK của các huyện, thị xã, thành phố trong giai đoạn đầu trong khi đặc trưng của nông sản là tính thời vụ. Vì thế, với thời gian gấp gáp còn lại, các địa phương, đơn vị đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện để chủ động nguyên liệu XK cho doanh nghiệp theo mùa vụ.

Được giao xây dựng 80 ha rau màu XK nên khi TP Chí Linh bị phong tỏa, ngoài việc dồn sức chống dịch, xã Nhân Huệ cũng không lơ là nhiệm vụ này. Với lợi thế về chuyên canh các loại rau màu như cà rốt, cà chua, dưa hấu… địa phương đã lên kế hoạch chi tiết cho việc sản xuất theo tiêu chuẩn XK. Ông Bùi Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã cho biết trước khi bắt tay vào xây dựng vùng XK, địa phương đã có 1 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, 50 ha rau màu được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP và gần đây nhất sản phẩm cà rốt Nhân Huệ được xếp hạng OCOP 4 sao. Đây là nền tảng vững chắc để xã có thể tiếp cận nhanh các kỹ thuật canh tác mới phục vụ sản xuất rau màu bảo đảm các điều kiện XK.

Trước đây, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm (TP Hải Dương) đã xây dựng một số mô hình sản xuất rau màu XK tại các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ và đạt kết quả khả quan, nhưng vì làm trên phạm vi hẹp và do nhiều nguyên nhân khách quan khác mà mô hình của viện chưa được áp dụng rộng rãi. Quyết tâm lần này của tỉnh về vùng rau màu XK đã tiếp thêm động lực để viện đồng hành cùng nông dân Hải Dương hướng đến những sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ông Nguyễn Trọng Khanh, Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm khẳng định Hải Dương hoàn toàn có khả năng trở thành “thủ phủ” của các loại rau màu XK để giữ chân doanh nghiệp XK nông sản trong và ngoài tỉnh. Trước mắt là tìm đầu ra ổn định cho nông sản, lâu dài là thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Mặc dù vậy, xây dựng vùng rau màu XK phải có sự chuẩn bị tốt về nhân lực, vật lực và trí lực. Có như vậy mới nắm chắc được thành công.

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh vừa trải qua giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19, nhưng với nỗ lực của tỉnh, các cấp, ngành, địa phương, hy vọng và tin tưởng Hải Dương sẽ tạo được bứt phá từ cú hích rau màu XK.

Năm 2021, tỉnh có kế hoạch xây dựng 580 ha rau màu theo tiêu chuẩn quốc tế ở 11 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Thanh Hà). Trong đó, vùng rau màu xuất khẩu lớn nhất tại huyện Cẩm Giàng với diện tích 150 ha, nhỏ nhất ở thị xã Kinh Môn, huyện Ninh Giang, mỗi nơi 10 ha. Rau màu xuất khẩu đa dạng, gồm rau gia vị và các loại rau củ quả thế mạnh của tỉnh như cà rốt, bí xanh, hành mủa, cải bắp, su lơ…

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Chủ động vùng rau màu xuất khẩu