Cơ hội mới cho cà rốt Đức Chính

18/02/2020 08:15

Những ngày gần đây, cà rốt của người dân xã Đức Chính (Cẩm Giàng) được xuất khẩu đi thị trường nước ngoài đã dễ dàng hơn rất nhiều.

Xem clip

Xuất sang Hàn Quốc, Nhật Bản... dễ dàng

Được bồi đắp bởi phù sa sông Thái Bình, chất đất ở xã Đức Chính đặc biệt phù hợp với cây cà rốt. Năng suất, chất lượng và mẫu mã cà rốt ở đây được đánh giá cao hơn hẳn những nơi khác. Những ngày này, trên cánh đồng bãi ngoài, nông dân đang khẩn trương thu hoạch cà rốt cuối vụ. Cà rốt vụ này được mùa, được giá nên bà con rất phấn khởi. Bà Nguyễn Thị Thu ở thôn An Phú vui vẻ cho biết: “Cuối vụ, giá cà rốt đã tăng lên 5.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với đầu vụ. Mỗi sào đạt từ 2 tấn trở lên, củ to hơn, chúng tôi thu lãi 5-7 triệu đồng/sào”.

Những người thu mua, chủ cơ sở sơ chế cũng rất vui mừng vì xuất khẩu cà rốt hiện đã dễ dàng hơn trước. Những năm trước, sau Tết Nguyên đán nhiều cơ sở thu mua cà rốt ở Đức Chính còn nghỉ thêm nhưng năm nay, mới mùng 3, mùng 4 Tết, nhiều chủ cơ sở sơ chế đã chạy đôn chạy đáo tìm nguồn hàng. Anh Phùng Văn Trung, chủ cơ sở thu mua cà rốt ở thôn Lôi Xá cho biết: “Khách hàng ở các nước Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan... gọi điện đến đặt hàng khá nhiều.


Dán tem cho cà rốt xuất khẩu đi Hàn Quốc

Từ Tết đến nay, cơ sở của gia đình tôi xuất được khoảng 20 container hàng ra nước ngoài, tăng gần gấp đôi so với năm trước”. Theo anh Trung, trước đây cà rốt Đức Chính xuất khẩu trực tiếp rất ít mà chủ yếu phụ thuộc vào các mối hàng của người Trung Quốc hoặc họ thu mua cà rốt của nước ta rồi đóng mác Trung Quốc để xuất khẩu.

Đây là năm đầu tiên HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp VinEco thu mua cà rốt. Bà Trần Thị Ngân, kiểm soát viên của HTX nói: "Chúng tôi ký hợp đồng cung cấp 200 tấn hàng cho công ty. Được biết trong số cà rốt này một phần được tiêu thụ trong nước, một phần xuất sang Hàn Quốc và một số thị trường khác".

Là thành viên của HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính, ngoài mua cà rốt để đáp ứng đơn hàng của HTX, chị Trần Thị Luyên, chủ cơ sở thu mua cà rốt ở thôn An Phú còn mua cà rốt để xuất khẩu riêng. Trung bình mỗi tuần cơ sở của gia đình chị xuất sang Hàn Quốc, Nhật Bản... chừng 5 container, tăng 2 container so với trước Tết.

Để cơ hội bền vững

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều loại nông sản trong nước tiêu thụ khó khăn do không thể xuất sang Trung Quốc, nhưng việc xuất khẩu cà rốt lại khá dễ dàng. Trước hết do cà rốt của nước ta không tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc. Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, cà rốt Trung Quốc không thể xuất sang các nước khác nên đã tạo ra cơ hội cho cà rốt nước ta tiếp cận được nhiều thị trường.

Ông Vương Đức Dũng, Bí thư Đảng uỷ xã Đức Chính cho biết: “Ở Trung Quốc, diện tích trồng cà rốt rất lớn. Họ lại ứng dụng máy móc vào gieo trồng, chăm sóc nên sản phẩm có mẫu mã đẹp, giá rẻ. Cà rốt Đức Chính không đủ sức cạnh tranh với cà rốt của họ. Vì thế, khi cà rốt của họ không thể xuất khẩu đã mở ra cơ hội cho cà rốt ở đây”.


Cà rốt được sơ chế trước khi đóng gói

Ngoài yếu tố dịch bệnh, thời gian qua, huyện Cẩm Giàng đã làm tốt công tác xúc tiến thương mại nên có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến cà rốt Đức Chính hơn. Cà rốt xuất khẩu ở đây năm nay chiếm 65% tổng sản lượng của xã, tăng 15-20% so với những năm trước. Nhiều cơ sở đã xuất khẩu trực tiếp chứ không phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc như trước đây.

Theo ông Dũng, để cà rốt Đức Chính cạnh tranh với cà rốt Trung Quốc cần làm tốt hơn từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Nhà nước cần có giải pháp xây dựng cánh đồng mẫu lớn, hỗ trợ người dân ứng dụng máy móc vào sản xuất. Các sản phẩm cần được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP chứ không chỉ dừng lại ở VietGAP như hiện nay.

Đồng thời xây dựng chỉ dẫn địa lý để khách hàng biết rõ nguồn gốc của sản phẩm; đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông để người dân vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh quảng bá sản phẩm để có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước biết đến cà rốt Đức Chính; giữ vững những mối hàng đã có...

Hiện người dân Đức Chính chủ yếu trồng giống cà rốt Ti 108 và F444. Các giống này đã được trồng hơn chục năm và có hiện tượng thoái hóa. Ngành nông nghiệp cần nghiên cứu giống mới, cho năng suất, chất lượng cao để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, mở ra nhiều cơ hội tiêu thụ hơn nữa.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ hội mới cho cà rốt Đức Chính