Đưa máy cấy vào đồng ruộng: Bài toán đã có lời giải

14/07/2020 07:00

Với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, những rào cản trong việc đưa máy cấy vào đồng ruộng đã được tháo gỡ, góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Tỉnh hỗ trợ 1 lần 50 triệu đồng/cơ sở cho chi phí thuê mặt bằng để sản xuất mạ khay nếu có hợp đồng thuê đất từ 3 năm trở lên. Trong ảnh: Cấy máy tại xã Tân Hồng (Bình Giang)

Hiệu quả cao

Máy cấy hoạt động ở Hải Dương từ năm 2013. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cấy bằng máy mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn 30% so với cấy tay. Một ngày 2 người vận hành máy có thể cấy từ 3-5 ha, còn bằng tay thì 2 người chỉ cấy được 2 sào. Khoảng cách giữa các hàng cấy bằng máy rộng nên lúa cứng cáp, ít bị đổ, ít sâu bệnh, giảm chi phí, công phun thuốc bảo vệ thực vật, chăm bón...

Dù cấy máy mang lại hiệu quả rõ rệt nhưng việc đưa máy cấy vào đồng ruộng gặp nhiều khó khăn. Để cấy 1 ha lúa cần 250 khay mạ, chi phí 20.000 đồng/khay, mỗi ha hết 5 triệu đồng. Đó là chưa kể chi phí mua giá thể gieo mạ, giàn gieo, khay đựng... Kỹ thuật làm mạ khay đòi hỏi cao hơn mạ cấy tay. Nếu không đúng kỹ thuật thì không cấy được hoặc làm hỏng mạ. Ruộng cấy bằng máy phải làm thật kỹ để dễ dàng vận hành máy... Do có một số yêu cầu đó nên những năm qua, diện tích cấy máy của tỉnh thường rất thấp. Vụ xuân vừa qua chỉ có trên 5% tổng diện tích được cấy máy.

Để đưa máy cấy vào đồng ruộng thuận lợi, "Đề án phát triển diện tích cấy lúa bằng máy giai đoạn 2020-2025" của UBND tỉnh đã mở ra nhiều cơ hội cho những người đầu tư vào nông nghiệp cũng như nông dân. Bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: "Ngay sau khi có đề án, chúng tôi đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về cơ chế, chính sách hỗ trợ khi đầu tư nhà xưởng sản xuất mạ; hiệu quả của cấy máy để nông dân chủ động đăng ký diện tích".

Theo đề án, tỉnh hỗ trợ 1 lần 50 triệu đồng/cơ sở cho chi phí thuê mặt bằng để sản xuất mạ khay nếu có hợp đồng thuê đất từ 3 năm trở lên (được UBND xã xác nhận); hỗ trợ 10.000 đồng/khay đựng mạ; 1.000 đồng/kg giá thể; hỗ trợ việc chỉ đạo, xây dựng các mô hình cấy máy, tập huấn, sơ kết, hướng dẫn kỹ thuật gieo, chăm sóc mạ... Tổng kinh phí hỗ trợ giai đoạn 2020-2025 gần 38,5 tỷ đồng, riêng năm 2020 trên 6,2 tỷ đồng.

Đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ 12 cơ sở sản xuất mạ khay, trong đó có 4 cơ sở mới và 8 cơ sở mở rộng diện tích gieo mạ. Các địa phương đã triển khai được 85 mô hình trình diễn máy cấy rộng 316 ha và 25 mô hình máy cấy mở rộng với diện tích 576 ha, đạt 100% kế hoạch đề ra. Vụ mùa này có 10% tổng diện tích gieo cấy cả tỉnh được cấy máy, tăng gần gấp đôi so với vụ xuân.


Nhờ vốn hỗ trợ của tỉnh, gia đình ông Nguyễn Trung Kiên ở xã Hồng Phong (Thanh Miện) đã xây dựng được cơ sở sản xuất mạ khay

Nông dân phấn khởi

Từ năm 2018, ông Nguyễn Trung Kiên ở xã Hồng Phong (Thanh Miện) đã mua 1 máy cấy. Do không có đất đặt máy gieo mạ và khay mạ nên ông Kiên phải đi mua mạ của một cơ sở khác. Mỗi vụ ông chỉ nhận cấy 100 mẫu. Đã nhiều lần gia đình ông muốn tự gieo mạ nhưng do kinh phí đầu tư lớn nên chưa thực hiện được.

Đề án máy cấy đã tháo gỡ những khó khăn này. Ông Kiên cho biết: "Gia đình tôi đã được UBND xã cho thuê 13.000 m2 đất để làm nơi gieo và đặt khay mạ. Ngoài ra, gia đình được hỗ trợ 330triệu đồng mua khay mạ, giá thể. Nếu không có sự hỗ trợ này chắc chắn gia đình tôi khó có thể xây dựng được cơ sở sản xuất mạ". Vụ mùa này, ông Kiên đã mua thêm 1 máy cấy, diện tích nhận cấy cũng tăng lên 180 mẫu.

Được tuyên truyền, vận động nên nhận thức của người dân về cấy máy đã thay đổi đáng kể. Mỗi vụ, gia đình ông Nguyễn Văn Thỉnh ở xã Tân Hồng (Bình Giang) cấy 1 mẫu ruộng. Vụ trước, gia đình ông chỉ thuê cấy máy 5 sào để xem xét hiệu quả. "Cấy bằng máy giúp lúa phát triển tốt, bông to, ít sâu bệnh và chi phí thấp hơn nên vụ này tôi thuê máy cấy hết diện tích", ông Thỉnh nói.

Những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển máy cấy và mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy đến nay đã phát huy tác dụng tích cực, rất thiết thực với người dân.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Đưa máy cấy vào đồng ruộng: Bài toán đã có lời giải