Gạo Bắc thơm Thanh Miện khẳng định vị thế

05/10/2020 09:37

Bén rễ đồng đất Thanh Miện hơn 20 năm nay nhưng giống lúa Bắc thơm số 7 chưa khi nào bị soán ngôi mà vẫn đang là giống chủ lực và ngày càng khẳng định vị thế với nhãn hiệu "Gạo Bắc thơm Thanh Miện".


Bắc thơm số 7 là giống lúa chủ lực của huyện Thanh Miện

Trước kia, nông dân Thanh Miện chủ yếu cấy lúa Bao Thai lùn. Đây là giống lúa cho gạo ngon nhưng năng suất không cao, chỉ đạt khoảng 1,5 tạ/sào nên hiệu quả kinh tế thấp. Những năm 90 của thế kỷ trước, HTX Dịch vụ nông nghiệp đưa giống Bắc thơm (BT) số 7 về gieo cấy thử. Mới đầu, mọi người lo ngại vì sợ giống mới không hợp đồng đất nhưng khi nhìn thấy những cây lúa trĩu bông, hạt gạo căng mẩy, nấu lên có mùi thơm đặc trưng thì ai cũng hài lòng. Cũng từ đó, giống lúa này được người dân ưu ái, gieo cấy cả 2 vụ trong năm và trở thành giống chủ lực của người dân nơi đây. Có vụ, toàn huyện gieo cấy khoảng 4.000 ha BT số 7, chiếm 60% diện tích. BT số 7 gieo cấy ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện nhưng tập trung nhiều nhất ở các xã Ngô Quyền, Lam Sơn, Lê Hồng, Đoàn Kết... với những vùng sản xuất tập trung có quy mô từ 30 ha/vùng trở lên. Ở một số xã đã thành lập các tổ hội liên kết sản xuất BT số 7 an toàn.

Gắn bó với giống lúa BT số 7 từ những ngày đầu đến nay, ông Vũ Huy Công ở khu An Lạc (thị trấn Thanh Miện) cho biết hiện tại đã có nhiều giống lúa mới có nhiều ưu điểm vượt trội hơn song khó có thể thay thế BT số 7. Theo ông Huy, xét về năng suất thì BT số 7 sẽ thua kém vì là giống lúa chất lượng, chỉ đạt từ 1,7-1,9 tạ/sào, còn so về độ thơm ngon của cơm thì chưa có giống nào sánh bằng. Mỗi vụ, nhà ông Công cấy hơn 1 mẫu BT số 7, đến mùa gặt, thương lái tới tận đầu ruộng thu mua thóc tươi. "Gieo cấy BT số 7, chúng tôi ít phải lo về đầu ra, giá bán cũng cao hơn từ 3.000-5.000 đồng/kg so với các loại thóc khác. Vì thế, người dân vẫn duy trì gieo cấy giống lúa này qua nhiều năm", ông Công nói thêm.


Nhãn hiệu bảo hộ độc quyền của "Gạo Bắc thơm Thanh Miện"

Có thâm niên thu mua thóc tươi nhiều năm, ông Phạm Xuân Huấn ở xã Thái Dương (Bình Giang) thông tin, Hải Dương có nhiều địa phương gieo cấy BT số 7 nhưng tiểu thương vẫn ưa thích thóc ở Thanh Miện hơn. Một phần do chất đất ở đây phù hợp, phần vì nông dân có trình độ thâm canh cao, sản xuất bài bản nên cho chất lượng lúa gạo tốt nhất. Dù là vùng BT số 7 lớn nhất tỉnh song cơ sở rất khó thu mua đủ số lượng theo đơn hàng vì sản phẩm đã có tiếng nên được đặt mua trước rất nhiều.

Để bảo hộ nông sản thế mạnh của địa phương, tạo nền tảng sản xuất lúa hàng hóa ổn định, lâu dài, năm 2018 huyện Thanh Miện xây dựng nhãn hiệu độc quyền "Gạo Bắc thơm Thanh Miện" và đến năm 2019 được công nhận. Đây là sản phẩm lúa gạo thứ 2 của tỉnh được bảo hộ nhãn hiệu sau nếp cái hoa vàng Kinh Môn. Theo ông Lê Văn Duẩn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Miện, có nhãn hiệu sẽ nâng cao vị thế, khả năng cạnh tranh của sản phẩm BT số 7 tại địa phương; đồng thời bảo vệ thương hiệu trước những sản phẩm cùng loại khác. Hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh đang khai thác khá hiệu quả nhãn hiệu này. Với vai trò là chủ sở hữu và quản lý, hội yêu cầu các cá nhân, tập thể sử dụng nhãn hiệu phải chấp hành đúng quy định, cam kết không dùng nhãn hiệu cho sản phẩm khác, làm giảm uy tín của gạo BT số 7 Thanh Miện.

Dù vẫn đang là giống lúa cho hiệu quả kinh tế cao nhưng theo thời gian BT số 7 đã bộc lộ hạn chế. Những năm gần đây, giống mẫn cảm với bệnh bạc lá trong vụ mùa, làm giảm năng suất đáng kể. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tìm hiểu để đưa giống BT số 7 cải tiến vào đồng ruộng, khắc phục nhược điểm hiện tại của giống cũ.

PV

(0) Bình luận
Gạo Bắc thơm Thanh Miện khẳng định vị thế