Giữ lấy thương hiệu

29/06/2020 11:27

Vườn vải nhà bà Lan đã thu hoạch gần hết mà mấy hôm nay giá bán lại cao hơn hẳn so với tuần trước nên bà tiếc hùi hụi. Hôm nay, bà gọi con gái sang sớm để giúp thu hoạch nốt đem bán.

Vừa nhác thấy bóng mẹ trong vườn, chị Hoa, con gái bà Lan lên tiếng:

 - Mẹ làm gì mà vội thế, sao không để vài hôm nữa có phải bán được giá hơn không?

- Mẹ cũng định vậy nhưng vải nhà mình chín rồi không cố được đâu con ạ. Mẹ cũng tiếc lắm chứ - bà Lan nói.

Nghe mẹ nói vậy thì chị Hoa nảy ra ý tưởng, liền bảo mẹ:

- Hay con tính thế này, mẹ cứ để lại mấy cây vải chưa thu hoạch vội. Đợi đến gần hôm đó con gọi chị Hương chuyển cho mấy tạ vải từ nơi khác đến. Sau đó bó lẫn với số vải nhà mình đem bán. Họ biết nhà mình có vườn vải thật chắc không để ý đâu.

Nghe con gái tính vậy, bà Lan thấy có lời nhưng vẫn lo liền hỏi:

-  Sợ khi mua về ăn, họ phát hiện ra có nhiều loại vải thì sao?

- Mẹ yên tâm, vải thiều quê mình năm nay do ảnh hưởng của thời tiết, chín không đều, có quả nọ quả kia  - chị Hoa giải thích.

Nghe câu chuyện của hai mẹ con, ông Huân đang dọn vườn ngay cạnh lên tiếng:

- Không nên làm vậy. Vải Thanh Hà quê mình có tiếng từ lâu nếu ai cũng làm như thế thì chẳng mấy mà mất thương hiệu. Được lời vài đồng rồi mang tiếng ra. Hai mẹ con bà có biết để xây dựng thương hiệu cho quả vải đặc sản quê mình mất bao nhiêu tiền của và công sức không? Sáng nay xem ti vi tôi thấy vải đã xuất được sang Nhật Bản. Có được như vậy là nhờ chất lượng và thương hiệu cả đấy. Vải Bắc Giang xuất sang Nhật còn bán được 100.000 đồng/hộp 200 g đấy.

Hai mẹ con bà Lan nghe ông Huân nói vậy thì lấy làm xấu hổ lắm. Chị Hoa mở lời.

- Con xin lỗi. Đúng là không nên làm vậy. Phải biết giữ gìn và phát triển hơn nữa thương hiệu quả vải quê mình mới đúng phải không bố?

HẢI MINH

(0) Bình luận
Giữ lấy thương hiệu