Hiệu quả nuôi thủy sản tập trung ở Tòng Hóa

16/10/2017 07:00

<b>Khu nuôi thủy sản tập trung của thôn Tòng Hóa, xã Đoàn Kết (Thanh Miện) có diện tích 56,27 ha, gồm 160 ao của 131 hộ.</b><br>


Người dân Tòng Hóa ăn nên làm ra nhờ việc nuôi thủy sản tập trung

Hiệu quả từ cách làm này góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nơi đây.

Thu 14 tỷ đồng mỗi năm

Trước đây, khu nuôi thủy sản tập trung của thôn Tòng Hóa này là ruộng trũng. Đa số người dân chỉ thu được vụ chiêm với năng suất khoảng 1,5 - 1,7 tạ/sào. Năm 2005, UBND tỉnh có quyết định cho chuyển đổi hơn 56 ha trong tổng số diện tích 87 ha ruộng trũng thành khu nuôi thủy sản tập trung.

Gia đình bà Ngô Thị Ảnh có hơn 1 mẫu ruộng. Sau khi chuyển đổi, gia đình bà có 1,3 mẫu ao, nuôi các loại cá như chép, trắm, rô phi đơn tính. 2 năm thu 3 lứa cá, trung bình mỗi năm bà Ảnh thu gần 20 tấn cá. "Sau khi trừ mọi chi phí, tôi thu lãi 100 - 120 triệu đồng/năm", bà Ảnh phấn khởi.

Gia đình anh Đặng Văn Tuyền có 7,5 sào ao nuôi cá. Anh cũng thả các loại cá như chép, trắm, rô phi và xen kẽ cá mè, trôi để tận dụng các tầng nước. Mỗi năm thu hoạch 2 vụ, anh Tuyền thu 14 - 15 tấn cá, sau khi trừ chi phí, thu lãi khoảng 100 triệu đồng.

Không riêng anh Tuyền, bà Ảnh, mỗi hộ nuôi cá ở Tòng Hóa đều thu nhập khá, trung bình người dân thu 30 tấn cá/ha/năm. Với giá cá chép, trắm bình quân 50.000 đồng/kg, cá rô phi gần 30.000 đồng/kg, trung bình mỗi ha, người dân thu 500 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 250 triệu đồng. Mỗi năm, toàn bộ khu nuôi thủy sản tập trung thôn Tòng Hóa mang về cho người dân khoảng 14 tỷ đồng.

Vai trò của HTX Dịch vụ thủy sản


Người dân kiểm tra sự phát triển của cá trong ao nuôi

Trước khi HTX Dịch vụ thủy sản Đoàn Kết ra đời, khu nuôi thủy sản tập trung của thôn Tòng Hóa được UBND tỉnh đầu tư 3,6 tỷ đồng để xây dựng hệ thống trạm biến áp, trạm bơm, máy tưới tiêu, hệ thống cống phân lô, phân vùng điều tiết nước. Tuy nhiên, khâu tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản chưa bảo đảm yêu cầu.

Người dân thường xả trực tiếp nước thải và phân từ các khu chuồng trại ra ao, gây ô nhiễm môi trường nước. Việc điều tiết nước cho các ao còn nhiều bất cập... Do đó, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, có những lúc cá chết nổi trắng mặt ao. “Chật vật do cá chết đã đành, đến ngày thu hoạch tôi cũng như một số người dân còn lo cá bán ra không có người mua...", anh Nguyễn Văn Trung nhớ lại.

Được sự chỉ đạo của UBND xã Đoàn kết, tháng 9.2009, HTX Dịch vụ thủy sản Đoàn Kết chính thức thành lập, liên kết các hộ nuôi cá lại với nhau, giúp người dân từ hỗ trợ vay vốn, chọn con giống đến cung cấp nguồn thức ăn, thuốc phòng dịch bệnh, liên kết chặt chẽ các hộ trong việc nuôi và xuất bán cá ra thị trường.

HTX định hướng người dân nuôi con gì, chăm sóc như thế nào. "Mỗi năm, ban lãnh đạo HTX đều mời cán bộ Trung tâm Dạy nghề của Hội Nông dân tỉnh, cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ mở từ 3 - 4 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cá cho xã viên", ông Nguyễn Tiến Ngự, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ thủy sản Đoàn Kết cho biết.

Các lớp tập huấn đi sâu vào các chuyên đề, hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc của người dân về kỹ thuật phòng chống các loại bệnh dịch, đặc tính, sự phát triển của từng loại cá, công tác bảo vệ môi trường. Mỗi tuần 1 lần, đặc biệt khi cá có dấu hiệu lạ hoặc thời tiết thay đổi, cán bộ của 2 đơn vị trên lại về thôn lấy mẫu nước, kiểm tra độ pH, nhiệt độ, lượng oxy... trong ao. Nhờ vậy, cá sinh trưởng phát triển rất tốt, người dân an tâm sản xuất.

HTX phối hợp với Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và đơn vị chuyên môn của Sở Khoa học và Công nghệ cung cấp cá giống từ các dự án khoa học cho người dân với mức hỗ trợ lên đến 50% với các giống cá mới như cá rô lai xa, cá chép lai V1.

Bằng cách lập sổ theo dõi từ khi nhập cá giống, HTX Dịch vụ thủy sản Đoàn Kết đã giúp các hộ liên kết trong việc nuôi theo nhiều cấp độ. “Ở đây không có chuyện các hộ xuất bán cá ồ ạt mà luân phiên thu hoạch, xuất bán theo đợt”, bà Ảnh cho biết. Tháng nào ở thôn Tòng Hóa cũng có từ 7 - 10 hộ xuất bán cá đi các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Nhờ vậy, giá bán cá ổn định, không bị thương lái ép giá.

"Chúng tôi đang hướng tới việc nuôi thủy sản theo chuỗi giá trị, làm ra sản phẩm an toàn chất lượng, có thể truy xuất nguồn gốc. Chúng tôi mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ hơn nữa của các cấp chính quyền để sản phẩm làm ra đứng vững trên thị trường", ông Ngự đề nghị.

LÊ HƯƠNG

(0) Bình luận
Hiệu quả nuôi thủy sản tập trung ở Tòng Hóa