Kinh Môn chống úng vụ đông

19/09/2019 13:02

Do chủ động việc chống úng nên những năm gần đây, cây hành tỏi vụ đông ở Kinh Môn không còn chịu cảnh thiệt hại vì ngập úng.


Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Kinh Môn và các HTX Dịch vụ nông nghiệp luôn theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp tiêu úng kịp thời, bảo vệ sản xuất

Nhiều năm nay, vụ đông đã mang lại thu nhập cao cho người dân huyện Kinh Môn. Cây trồng chủ lực ở đây là hành, tỏi - những giống cây cần khá nhiều nước nhưng nếu úng ngập sẽ nhanh bị chết. Do vậy, ngoài bảo đảm cung cấp đủ nước tưới, các địa phương, đơn vị liên quan và người dân Kinh Môn hết sức quan tâm tới việc chống úng.

Chủ động tiêu nước

Phần lớn diện tích của xã Lạc Long được bao bọc bởi sông Kinh Môn và gần 10 km sông Kênh Than chảy qua. Đây là địa phương có địa hình trũng thấp nhất khu nam của huyện.

Xã có hơn 308 ha đất nông nghiệp nằm trong đê, đa số người dân cấy 2 vụ lúa và làm 1 vụ đông. Trong vụ đông, 100% diện tích đất nông nghiệp được người dân chuyển sang trồng hành tỏi.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thước, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Lạc Long, trước đây việc bơm tiêu úng không bảo đảm, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị ngập úng, nhất là vào vụ đông. Khoảng 3 năm trở lại đây, sau khi trạm bơm Kênh Than được nâng cấp, việc tiêu úng nhanh, không gây thiệt hại cho sản xuất.

"Với cây hành, cây tỏi thì lượng mưa chỉ cần dao động từ 35 - 50 mm cũng đã ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Nếu ngập úng nhiều giờ thì khả năng phải trồng lại rất cao. Do vậy, mỗi khi có mưa lớn chúng tôi sẽ vận hành các trạm bơm để tiêu nước ra sông Kênh Than, không để ngập úng", ông Thước nói.

Huyện Kinh Môn có địa hình bán sơn địa, đồi núi nằm xen đồng bằng nên có nhiều diện tích trũng thấp. Hệ thống sông ngòi chằng chịt, lại chịu ảnh hưởng của thủy triều nên khi có mưa lớn kết hợp với thủy triều dâng sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Để chủ động phòng chống mưa úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) huyện Kinh Môn luôn theo dõi sát diễn biến của thời tiết. Nếu dự báo có mưa lớn, xí nghiệp sẽ yêu cầu công nhân tận dụng thời điểm triều xuống, mở cống dưới đê để tháo gạn nước tới mức thấp nhất.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Xí nghiệp KTCTTL huyện Kinh Môn cho biết: "Ngoài thống nhất với các HTX Dịch vụ nông nghiệp lịch lấy nước vào đồng ruộng thì việc tiêu rút nước khi có mưa lớn là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong sản xuất vụ đông".

Huyện luôn làm tốt thủy lợi đông xuân như tu bổ kênh tưới, khơi thông dòng chảy kênh tưới tiêu kết hợp phục vụ sản xuất; tu sửa công trình, máy móc để bảo đảm vận hành thông suốt. Với phương châm tiêu nước sớm, huyện luôn cố gắng không để xảy ra ngập úng cục bộ.

Dân bớt lo

Bà Nguyễn Thị Lỉnh ở thôn Phương Quất, xã Lạc Long cho biết: "Vụ đông năm nào nhà tôi cũng trồng gần 1 mẫu hành tỏi. Là vụ cho thu nhập chính nên tôi rất lo khi vào vụ có mưa lớn bởi giá hành tỏi giống đầu vụ cao nên nếu phải trồng lại sẽ rất tốn kém. Mấy năm trở lại đây, mặc dù vụ đông thường có mưa lớn nhưng không còn bị ngập úng nữa".

Cuối vụ đông năm ngoái có mưa lớn, hành đang thời kỳ xuống củ nhưng không bị ngập. Tuy năng suất hành vụ giảm từ 7 tạ xuống còn gần 5 tạ, nhưng bù lại được giá cao nên sau khi trừ chi phí, người dân trong xã vẫn lãi 10 triệu đồng/sào.

"HTX Dịch vụ nông nghiệp xã luôn phải bơm tiêu úng khi có mưa lớn. Nếu HTX bơm không kịp thì các hộ trồng hành cũng chủ động tiêu úng bằng máy bơm của gia đình.

Cả HTX và người dân cùng chủ động bơm tiêu úng nên bây giờ chúng tôi cũng không lo lắng lắm mỗi khi có mưa to", bà Nguyễn Thị Ngoạn ở thôn Khuê Bích, xã Thượng Quận cho biết.

Vụ đông năm 2015 - 2016, trên địa bàn huyện Kinh Môn từng xảy ra mưa lớn vào đúng thời điểm hành tỏi vừa xuống giống, nhiều diện tích bị ngập úng kéo dài, hành cây và các nhánh giống đều bị thối làm cho nhiều hộ phải trồng lại.

Từ đó đến nay, chưa có vụ nào huyện bị ngập úng trong vụ đông nhưng không vì thế mà các địa phương, đơn vị liên quan lơ là công tác phòng chống úng.

Năm nay, huyện Kinh Môn có kế hoạch trồng hơn 4.300 ha cây vụ đông, chủ yếu là hành tỏi.

Ngoài việc cung cấp đủ nước tưới, Xí nghiệp KTCTTL huyện tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thời tiết, nếu mưa to sẽ bơm rút nước để ruộng không bị ngập, bảo đảm việc làm đất thuận lợi. Khi cây trồng phát triển, nếu có mưa lớn, xí nghiệp sẽ mở các cống để tháo gạn nước, không để ngập úng kéo dài, ảnh hưởng đến năng suất của hành tỏi.

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Kinh Môn chống úng vụ đông