Kinh Môn đầu tư lớn cho sản xuất nông nghiệp

15/11/2019 15:06

Lĩnh vực nông nghiệp của thị xã Kinh Môn đã có bước phát triển tích cực, trở thành một trong những địa phương mạnh về nông nghiệp của tỉnh.


Mô hình trồng dưa trong nhà màng của gia đình anh Nguyễn Văn Tròn (ở khu dân cư Duẩn Khê, phường Long Xuyên) mang lại hiệu quả kinh tế cao 

Chính sách phù hợp

Mặc dù không có nhiều thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp do địa hình bán sơn địa nhưng với những cách làm riêng, giá trị sản xuất nông nghiệp của thị xã Kinh Môn không ngừng tăng lên. Năm 2015, giá trị 1 ha đất nông nghiệp của thị xã đạt 174,6 triệu đồng, đến năm 2018 tăng lên 205 triệu đồng, vượt 5 triệu đồng so với Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XXIV nhiệm kỳ 2015-2020.

Năm 2016, thị xã đã thực hiện dồn điền, đổi thửa. Để giải quyết khó khăn về kinh phí cho các hoạt động đo đạc, đắp bờ, chia lô... ngoài hỗ trợ của tỉnh và người dân đóng góp, Kinh Môn đã trích 7,2 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương.

Sau dồn điền, đổi thửa, trung bình mỗi hộ ở đây còn 1,88 thửa ruộng, giảm 1,58 thửa, mỗi thửa rộng từ 770-800 m2 . Sau dồn điền, đổi thửa, dựa trên lợi thế, đặc điểm của từng vùng, thị xã quy hoạch khu nam An Phụ cấy lúa nếp cái hoa vàng, trồng sắn dây, hành, tỏi và chăn nuôi tập trung. Khu bắc và Tam Lưu trồng rau màu, cam, ổi và nuôi thủy sản. Khu Nhị Chiểu phát triển nếp cái hoa vàng, thủy sản...

Từ quy hoạch này, thị xã đã đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng phù hợp với đặc điểm của từng vùng. Năm 2018, địa phương hỗ trợ gần 3,6 tỷ đồng xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng chuyên canh rau màu tập trung phường Long Xuyên, đường giao thông khu sản xuất chuyên canh lúa nếp cái hoa vàng phường An Sinh, đường giao thông đảo Ngọc, phường Minh Tân. Năm 2019, thị xã hỗ trợ 7,5 tỷ đồng xây hệ thống nước tưới tiết kiệm ở các phường Hiến Thành, Thái Thịnh và Thất Hùng.

Những năm gần đây, để thích ứng với biến đổi khí hậu, thị xã Kinh Môn tích cực hướng dẫn người dân ứng dụng kỹ thuật nhà màng, nhà lưới vào sản xuất. Để giảm bớt khó khăn cho nông dân, địa phương hỗ trợ 150.000 đồng/ m2 nhà màng và 50.000 đồng/m2 nhà lưới. Trong 2 năm 2017-2018, thị xã đã hỗ trợ gần 2,7 tỷ đồng cho 19.269 m2 nhà màng, nhà lưới của các phường, xã.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như thúc đẩy người dân mở rộng diện tích tỏi, Kinh Môn có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cây trồng này. Ngoài hỗ trợ phân bón Nep26, năm 2018, thị xã hỗ trợ 10 triệu đồng cho những địa phương quy hoạch được từ 1 ha tỏi trở lên. Năm nay, mức hỗ trợ trồng tỏi tăng lên 14,5 triệu đồng đối với những địa phương quy hoạch từ 2 ha trở lên.

Nhân dân phấn khởi

Từ nguồn hỗ trợ của thị xã, cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất nông nghiệp ở các xã, phường ngày càng khang trang, hoàn thiện. Những chính sách hỗ trợ đó đã góp phần thay đổi thói quen trong sản xuất nông nghiệp của người dân, góp phần hình thành những cách thức sản xuất mới.

Từ hiệu quả của nhà màng mang lại, anh Nguyễn Văn Tròn ở khu dân cư Duẩn Khê, phường Long Xuyên không ngừng mở rộng diện tích theo mô hình này. Anh Tròn xây dựng nhà màng đầu tiên rộng 1.450 m2 , kinh phí đầu tư khoảng 560 triệu đồng vào năm 2017. Xây dựng xong, anh nhận được hỗ trợ 362 triệu đồng, trong đó thị xã hỗ trợ 150.000 đồng/m2 , tỉnh hỗ trợ 100.000 đồng/m2 .

Mỗi năm, anh trồng 3 vụ dưa lưới, thu lãi từ 220-250 Mô hình trồng dưa trong nhà màng của gia đình anh Nguyễn Văn Tròn (ở khu dân cư Duẩn Khê, phường Long Xuyên) mang lại hiệu quả kinh tế cao triệu đồng. "Chính vì hiệu quả cao nên đầu năm nay tôi đã làm thêm 1.200 m2 nhà màng nữa. Nhà này cũng đã trồng được 2 vụ dưa, đang trồng vụ thứ 3.

Tôi lại làm thêm 600 m2 nhà màng và dự kiến tiếp tục trồng dưa. Mặc dù kinh phí đầu tư nhà màng cao nhưng do được hỗ trợ nên số tiền chúng tôi phải bỏ ra cũng ít đi. Nếu không có sự hỗ trợ, chắc chắn gia đình tôi sẽ không có kinh phí để mở rộng sản xuất", anh Tròn cho biết.

Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nhiều tuyến đường ra đồng của Kinh Môn được hoàn thiện, thuận lợi cho người dân đi lại cũng như đưa máy móc, phương tiện vào đồng ruộng. Anh Nguyễn Văn Thuấn, Giám đốc HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng (xã Bạch Đằng) cho biết: "Hệ thống giao thông trong khu vực tương đối hoàn chỉnh tạo nhiều thuận lợi cho vận chuyển nông sản. Hiện xe ô tô tải trọng 5 tấn có thể xuống tận bờ để lấy hàng nên chúng tôi không còn phải gánh xa như trước".

Thời gian tới, Kinh Môn tiếp tục xây dựng hệ thống tưới tiêu tự động ở các xã Bạch Đằng, Thượng Quận, thống kê diện tích nhà màng, nhà lưới năm 2019 để hỗ trợ cho nông dân.

"Cùng với công nghiệp, thị xã luôn quan tâm, chú trọng phát triển nông nghiệp. Thời gian tới, thị xã sẽ tiếp tục trích nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ người dân thực hiện các mô hình mới, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cũng như kiên cố hóa hệ thống hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp", ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Kinh Môn chia sẻ.

THANH HA

(0) Bình luận
Kinh Môn đầu tư lớn cho sản xuất nông nghiệp