Kỳ công "gột" trâu chọi

26/04/2020 20:08

Ở ven đê sông Thái Bình đoạn thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) có một trang trại nuôi trâu chọi nổi tiếng. Nơi đây mỗi năm cho ra lò hàng trăm con trâu cung cấp cho các sới chọi, thu về tiền tỷ.

Mỗi năm gia đình anh Thiệu xuất bán cho khách ở trong và ngoài nước khoảng 100 con trâu chọi. Trong ảnh: Huấn luyện trâu chọi       

Ở xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) có một trang trại huấn luyện trâu chọi lớn. Mỗi năm, trang trại này xuất bán cả trăm con trâu cho các lễ hội, sới chọi ở cả trong và ngoài nước, thu về tiền tỷ. Tuy nhiên, đây là công việc vất vả, kỳ công.

Xuất ngoại tìm hàng

Trang trại nuôi trâu chọi trên nằm ven đê sông Thái Bình thuộc thôn Cập Nhất, cách cầu Phú Lương cũ chỉ khoảng 3 km nhưng ít người biết. 

Chủ trang trại là anh Nguyễn Văn Thiệu năm nay 48 tuổi, tính tình thật thà, vui vẻ, mến khách. Anh Thiệu và con trai cả Nguyễn Văn Nam dẫn tôi đi thăm một vòng trang trại của gia đình. “Tổng cộng trang trại rộng 7 mẫu, do tôi mua và thuê đất của người dân trong thôn. Tôi đang chăm khoảng 50 con trâu, tổng giá trị ngót chục tỷ”, anh Thiệu khoe.

Trang trại được quy hoạch khá gọn gàng với 3 dãy chuồng dựng cột bê tông, mái lợp tôn mát làm nơi cho trâu ở. Hệ thống máng ăn, nước uống được lắp đặt tới từng ngăn chuồng. Ngay cạnh đó có một ao sâu làm nơi cho trâu tắm, xung quanh trang trại trồng hàng mẫu cỏ mía làm thức ăn cho chúng. Ở đây có 3-4 công nhân làm nhiệm vụ trông nom, chăm sóc, bảo vệ và dọn vệ sinh trang trại. Anh Thiệu bảo đàn trâu chọi giúp gia đình anh có cuộc sống sung túc, nhưng để có được thành quả như hôm nay là cả quá trình làm việc vất vả, gian nan.

Anh Thiệu sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống “gột” trâu. Trước kia, ông nội và bố anh Thiệu đi mua trâu ở khắp nơi về chăm, sau đó bán lại cho các HTX và nông dân để phục vụ cày bừa. Sau này, anh Thiệu cùng 4 người anh em ruột đều theo nghề buôn trâu. Khoảng năm 2000, anh chuyển từ buôn trâu lấy sức kéo sang nuôi trâu lấy thịt. Mỗi tháng 2-3 chuyến, anh lên các tỉnh vùng Tây Bắc mua trâu rồi chở bằng ô tô vào Sài Gòn bán kiếm lời. 

Những tháng ngày rong ruổi khắp Tây Bắc mua trâu, anh thấy có nhiều nơi tổ chức sới chọi như Hàm Yên, Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Quang Bình, Trung Thành (Hà Giang), Phù Ninh, Phúc Thọ (Hà Nội), Bắc Ninh và đặc biệt là Hải Phòng - nơi có lễ hội chọi trâu nổi tiếng. Năm 2008, anh Thiệu bắt đầu buôn trâu chọi. Anh dành thời gian đi dự các lễ hội, sới chọi trâu nhằm quan sát, nghiên cứu, thăm dò thông tin. "Trâu ở nước ta nhiều nhưng tìm được những con có đủ đặc điểm, tố chất để chọi thì không nhiều. Bởi vậy, ngoài thị trường trong nước, tôi phải lặn lội sang cả các nước ở khu vực Đông Nam Á tìm hàng", anh Thiệu nói.

Năm 2009, anh một mình vượt hơn 2.000 km bằng đường bộ qua các tỉnh Côn Minh, Vân Nam (Trung Quốc) để tới Myanmar. Anh bảo trâu ở đây không chỉ to khỏe mà sừng còn dài, đẹp, lì lợm, hiếu chiến. 15 ngày ở nước bạn, anh Thiệu tìm đến nhiều khu vực khai thác gỗ, nơi có nhiều trâu to khỏe được sử dụng làm sức kéo. Kết quả là anh đã mua được 12 con trâu ưng ý, chuyển về quê chăn thả. Những năm sau đó, anh Thiệu lần lượt qua nhiều nước khác như Lào, Campuchia, Thái Lan để tìm hàng. Có chuyến đi kéo dài 2 tháng, anh phải thuê người phiên dịch, dẫn đường. Hai con trai của anh cũng giúp bố đi tìm nguồn hàng trên khắp cả nước. Trâu mua về chăm sóc, huấn luyện từ 6 tháng đến 2 năm rồi bán cho khách, chủ yếu ở 2 tỉnh Qúy Châu, Vân Nam (Trung Quốc) - nơi có các sới trâu chọi gần như hoạt động quanh năm. Ngoài số trâu nuôi tại trang trại, anh còn gửi trâu tại nhiều tỉnh, thành phố và nhờ người quen chăm hộ vì sức chứa chuồng trại ở quê có hạn. Từ năm 2014 đến nay, mỗi năm gia đình anh Thiệu xuất bán trên 100 con trâu chọi với giá 120-170 triệu đồng/con, thu về khoản lãi không nhỏ. 

Một góc trang trại nuôi trâu chọi của gia đình anh Thiệu

Chăm sóc đặc biệt

Bố con anh Thiệu dẫn tôi ra ngắm một con trâu chọi đang gặm cỏ tại bờ đê sông Thái Bình. Anh bảo con này mua tận miền Tây, nặng khoảng 1 tấn, hội tụ đủ đặc điểm mà những người trong nghề ai cũng thích. Khách bên Trung Quốc đã nhiều lần sang hỏi mua, có người trả giá 350 triệu đồng nhưng anh chưa bán. Anh khoe năm 2018 đã từng bán một con trâu chọi được xếp vào hàng xuất sắc, thu về hơn 600 triệu đồng. 

Có điều việc tuyển chọn và chăm sóc trâu chọi không đơn giản. Anh Thiệu cho biết trâu chọi tốt phải có tuổi đời từ 9-12 năm, thân, 4chi, đầu, mặt đều phải to, hội tụ đủ 5 khoáy trên cơ thể (2 khoáy ở vai trước, 2 khoáy ở mông và 1 khoáy trên mặt bên phải). Nhưng quan trọng nhất là sừng phải to, cung dài ít nhất 1 m trở lên.

Chăm trâu chọi cũng khác rất nhiều so với nuôi trâu thương phẩm. Chế độ ăn của trâu chọi khá tốn kém. Thức ăn chính của chúng là cỏ voi. Cỏ sau khi thu hoạch được rửa sạch, thái bằng máy và trộn với cám. Ngoài ra, trâu chọi còn được ăn thân cây mía thái nhỏ và uống mật mía được anh Thiệu mua từ Hòa Bình. Mùa hè oi nóng, anh phải bố trí quạt mát, buông màn để đàn trâu không bị ve và muỗi đốt... Mỗi con trâu chọi tiêu tốn của gia đình anh Thiệu 2,5-3 triệu đồng/tháng. Được chăm sóc đặc biệt nên con trâu nào cũng to béo, da căng bóng.  

Trâu chọi được theo dõi, giám sát hằng ngày. Chỉ cần con nào có biểu hiện ốm, biếng ăn là anh Thiệu phải xử lý ngay. Tất cả trâu trong trang trại được tiêm thuốc phòng chống bệnh lở mồm long móng định kỳ. Men tiêu hóa, thuốc B1 cũng thường xuyên được trộn cùng thức ăn giúp trâu ổn định đường ruột, tăng sức đề kháng. Việc giữ khoảng cách giữa các con trâu khi chăn thả ngoài tự nhiên cũng được tính toán kỹ để hạn chế việc chúng lao vào húc nhau. 

Vất vả nhất là công việc huấn luyện trâu chọi. Ngoài thời gian chăn thả tự nhiên, hằng ngày một con trâu phải tập thể lực trong 3 tiếng. Anh Thiệu chọn những đầm, ao sâu, ruộng trũng để cho trâu lội bùn. Bố con anh Thiệu và những lao động làm thuê ở trang trại mỗi người kèm một con trâu thực hiện việc này. Kết thúc bài tập lội bùn, trâu được đưa ra sông tập bơi, sau đó lên bờ kéo xe ô tô hoặc lốp xe. Riêng việc cho trâu chọi nhau chỉ thực hiện mỗi tháng 1 lần nhưng mỗi cặp thi đấu không quá 2 phút. Người huấn luyện trâu phải bảo đảm không có con nào bị thua. Bởi trâu thua thường nhát đòn, không ai mua. "Cho trâu chọi nhau sẽ phát hiện được những con nào hay, từ đó mới có thể định giá. Những con có miếng đánh hổ lao, cáng hầu, móc mắt... thường bán được giá cao hơn", anh Thiệu tiết lộ.

Con trâu chọi này đã có khách trả 350 triệu đồng nhưng anh Thiệu chưa bán

Rủi ro rình rập

Hơn 10 năm trong nghề, anh Thiệu không nhớ cụ thể đã cung cấp bao nhiêu con trâu chọi cho khách. Mỗi năm anh bán khoảng 100 con trâu chọi. Anh tự hào vì nhiều con trâu do anh huấn luyện đã giành được giải cao tại các lễ hội, sới chọi nổi tiếng ở cả trong và ngoài nước. 

Nhưng nghề "gột" trâu chọi cũng lắm gian nan, nhiều rủi ro. Có những chuyến đi tìm hàng, anh Thiệu và hai con trai phải xa nhà mấy tháng liền. Tìm được trâu đẹp đã khó, việc mua còn khó gấp bội. Nam (con trai anh Thiệu) kể, có lần một người quen ở An Giang báo tin phát hiện một con trâu rất đẹp. Nam đi máy bay vào TP Hồ Chí Minh, thuê xe máy vượt hàng trăm cây số xuống tận nhà nhưng chủ nuôi không bán, cũng không cho xem trâu. Nam ở lại đây 3 tháng, gần 10 lần đến thuyết phục thì chủ nhà mới cho xem trâu song vẫn nhất quyết không bán. Năm 2019, khi đang ở TP Long An, Nam được một người bên Campuchia gửi ảnh và ngỏ ý muốn bán một chú trâu rất đẹp. Ngay trong đêm, Nam bắt taxi đi liền 6 tiếng để tới gặp người này. Đến nơi, chủ trâu cho biết không bán con trong ảnh, chỉ bán con khác. Do con này không đủ tiêu chuẩn nên Nam đành ngậm ngùi ra về. "Không phải cứ có tiền là mua được. Có rất nhiều con trâu đẹp, đến gặp chủ thuyết phục vài chục lần, trả giá thế nào họ cũng không bán. Có chuyến đi từ Bắc vào Nam chi phí tốn mấy chục triệu nhưng vẫn trắng tay", Nam chia sẻ.

Mùa hè oi nóng, việc vận chuyển trâu mua được từ nước ngoài về hoặc từ miền trong ra cũng khiến một số con bị chết dẫn đến lỗ vốn. Các dãy chuồng tại trang trại nhà anh Thiệu hiện chỉ chứa được hơn 30 con trâu, số còn lại phải gửi nhờ nhà người khác hoặc thả ngoài đồng. Năm nào gia đình anh cũng có ít nhất một con trâu chọi bị chết do kẻ gian đánh bả, riêng năm 2018 có 3 con bị chết...

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Kỳ công "gột" trâu chọi