Người chăn nuôi trong "bão" dịch tả lợn châu Phi. Bài cuối: Giải pháp nào giúp người nuôi?

04/04/2019 09:57

Bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của NTD, cơ quan chức năng cũng tích cực hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

>> Người chăn nuôi trong "bão" dịch tả lợn châu Phi. Bài 1: Tiêu thụ thịt lợn khó khăn

>>Người chăn nuôi trong "bão" dịch tả lợn châu Phi. Bài 2: Giữ không được, bán cũng không xong


Cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền những biện pháp chống dịch tả lợn châu Phi đến các tổ chức, doanh nghiệp và người nuôi

Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang hoành hành không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho người có lợn bị tiêu hủy mà còn ảnh hưởng đến việc tiêu thụ lợn và các sản phẩm từ lợn của những hộ khác. Họ đang rất cần sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng và người tiêu dùng (NTD) để vượt qua khó khăn lúc này.

Kiểm soát chặt

Là trang trại chăn nuôi quy mô lớn nhất ở xã Quyết Thắng (Thanh Hà) nên những năm qua, ông Ngô Văn Điện, chủ trang trại rất chú trọng đến biện pháp chăn nuôi an toàn. Chăn nuôi theo phương pháp này, ông Điện phải nghiêm túc tuân thủ các quy trình về nguồn con giống, tiêm phòng, thức ăn, vệ sinh chuồng trại, lấy mẫu kiểm soát dịch bệnh... "Mặc dù giá bán xuống thấp nhưng do trang trại được kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ nên việc tiêu thụ của chúng tôi vẫn diễn ra bình thường. Mỗi chuyến hàng của chúng tôi đều được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, từ đó có thể đi vào các tỉnh, huyện chưa có dịch. Từ khi có bệnh DTLCP đến nay, trang trại của tôi tiêu thụ được 1.000 con lợn với trọng lượng 1 tạ/con". 

Do các xã xung quanh đều có dịch nên việc kiểm soát, ngăn chặn không để bệnh dịch xâm nhập vào địa bàn xã Thái Thịnh (Kinh Môn) được đặc biệt chú trọng. Dù vậy, xã vẫn tạo điều kiện để các hộ làm nghề chế biến giò chả có nguyên liệu làm hàng khi nguồn hàng nhập bảo đảm các quy định. Ông Trần Văn Điển ở xóm I, thôn Tống Xá cho biết: "Hiện nay, tôi vẫn nhập lợn của Công ty CP Chăn nuôi C.P để về làm giò chả. Các chuyến hàng tôi đều xin giấy chứng nhận kiểm dịch nên việc vận chuyển qua các chốt kiểm dịch của các địa phương khác cũng như nhập lợn vào địa bàn xã khá dễ dàng". 

Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh nhưng không gây khó khăn cho người chăn nuôi, ngày 12.3, Chi cục Thú y tỉnh đã có công văn hướng dẫn cụ thể việc tiêu thụ lợn và các sản phẩm của lợn trong thời gian có dịch. Với các vùng có dịch, người dân được phép giết mổ dưới sự kiểm soát của cơ quan thú y với điều kiện lợn được giết mổ âm tính với bệnh DTLCP. “Việc vận chuyển, giết mổ về cơ bản vẫn có thể diễn ra bình thường đối với những trang trại nuôi lợn đáp ứng được yêu cầu. Đây là quy định phù hợp, vừa ngăn dịch bệnh lây lan, vừa khuyến khích được giao thương phát triển. Chúng tôi sẵn sàng cấp giấy kiểm dịch cho những sản phẩm đạt yêu cầu”, ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền

Qua khảo sát, tìm hiểu của phóng viên, khi xuất hiện bệnh DTLCP, nhiều bà nội trợ đã rỉ tai nhau tẩy chay thịt lợn, khiến lượng thịt lợn tiêu thụ giảm 50%. Vì vậy, nhiều hộ chăn nuôi có lợn đến thời kỳ xuất chuồng nhưng không thể bán được. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng NTD quay lưng lại với thịt lợn do nhận thức về bệnh DTLCP còn hạn chế. Mặc dù gây hại lớn trên đàn lợn nhưng virus DTLCP lại vô hại với con người. Một số NTD không nắm được thông tin này nên đã tạm ngừng sử dụng thịt lợn.

Cùng việc tạo điều kiện thuận lợi cho lợn và các sản phẩm của lợn tiêu thụ trên thị trường, nắm bắt được tâm lý của NTD nên ngay sau khi có dịch, cơ quan chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch bệnh, công tác khoanh vùng, dập dịch để người dân nắm chắc các thông tin. Từ đó tin tưởng vào sự kiểm soát dịch bệnh của cơ quan chức năng. Tích cực hướng dẫn người dân cách phân biệt thịt lợn bị bệnh và lợn khỏe mạnh. Ngoài việc lựa chọn mua thịt ở các chợ truyền thống, để an toàn hơn NTD có thể lựa chọn mua thịt lợn tại các cửa hàng thực phẩm sạch hoặc các siêu thị... vì sản phẩm của những nơi này đều có thông tin, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của NTD, cơ quan chức năng cũng tích cực hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Ngoài việc phun thuốc tiêu độc, khử trùng, các trang trại cần cho lợn ăn đầy đủ, bổ sung thêm chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng giúp lợn chống chọi với nhiều bệnh chứ không chỉ riêng bệnh DTLCP. "Quan trọng nhất lúc này là NTD phải thay đổi cách nghĩ với thịt lợn và sản phẩm từ lợn, tin tưởng vào sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng, đồng thời thể hiện là NTD thông thái khi lựa chọn những sản phẩm an toàn. NTD hãy chung tay cùng người chăn nuôi, giúp họ vượt qua khó khăn lúc này", bà Phạm Thị Đào, Phó Trưởng Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nói. 

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ

(0) Bình luận
Người chăn nuôi trong "bão" dịch tả lợn châu Phi. Bài cuối: Giải pháp nào giúp người nuôi?