Người dân bảo vệ kênh dẫn trạm bơm My Động

07/07/2020 15:38

Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm kênh dẫn trạm bơm My Động ở xã Hồng Phong (Thanh Miện) đã được khắc phục do người dân có ý thức trong việc bảo vệ kênh mương, giúp việc bơm tiêu thuận lợi hơn trước.


Lượng rác chảy về bể hút trạm bơm My Động đã giảm đáng kể


Khắc phục tắc nghẽn, ô nhiễm kênh

Sống cạnh kênh T2 (kênh dẫn trạm bơm My Động) nhiều năm nên ông Trần Huy Liệu ở thôn My Đồng, xã Hồng Phong (Thanh Miện) thấy rõ sự thay đổi của dòng kênh này. Từ chỗ nhiều rác, nước bị ô nhiễm thì nay nhiều hộ đã dùng nguồn nước này để nuôi cá. "Ý thức của người dân được nâng cao, không còn hộ nào xả rác xuống kênh. Nếu gia đình nào vứt rác thì đều bị nhắc nhở ngay", ông Liệu nói.

Trạm bơm My Động có 2 kênh dẫn tiêu nước chính là KT và T2 với tổng chiều dài gần 5 km, phần lớn chảy qua xã Hồng Phong. Những năm trước đây, nước ở 2 kênh dẫn này bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các loại rác thải như túi nilon, vỏ bao, nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi, xác động vật chết... người dân đều ném xuống lòng kênh. Sau mỗi đợt mưa lớn phải bơm tiêu úng thì rác thải từ nơi khác theo kênh dẫn lại chảy về. Mặc dù trạm có 10 tổ máy, công suất 8.000 m3/giờ nhưng thông thường chỉ vận hành một nửa số máy. Kênh mương bị tắc nghẽn nên công nhân thường xuyên phải tạm dừng bơm để vớt rác.

Ông Trần Văn Khỏe, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong thừa nhận tình trạng ô nhiễm dòng kênh từng diễn ra trước đây. Lúc ấy, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, người dân chưa có ý thức bảo vệ môi trường. Các tổ thu gom rác thải hoạt động không thường xuyên nên phần lớn rác bị vứt xuống kênh mương gây ra tình trạng ô nhiễm.

Để khắc phục tình trạng này, lãnh đạo Trạm Quản lý công trình Neo - My Động (Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải) đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, khắc phục tình trạng xả rác bừa bãi xuống kênh mương. UBND xã Hồng Phong đã yêu cầu các hộ dân sống cạnh kênh dẫn của trạm bơm My Động ký cam kết không vứt rác xuống kênh. 

"Chúng tôi yêu cầu người dân để rác đúng nơi quy định; tổ thu gom rác định kỳ 3 buổi/tuần, bảo đảm cảnh quan, môi trường. Xã cũng quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung, các hộ chăn nuôi đều có bể biogas để xử lý nước thải nên không còn tình trạng xả thải gây ô nhiễm, tắc nghẽn lòng kênh như trước", ông Khỏe nói thêm.

Bơm tiêu thuận lợi

Trạm bơm My Động là một trong những trạm bơm tiêu úng lớn của tỉnh, có nhiệm vụ tiêu úng cho 2.400 ha đất sản xuất của huyện Thanh Miện và khoảng 800 ha đất nông nghiệp của huyện Phù Cừ (Hưng Yên). Năm 2014, trạm được đầu tư hơn 70 tỷ đồng từ nguồn vốn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cải tạo. Ngoài xây lại toàn bộ công trình, thay máy móc, trạm còn được kè hai bên mái kênh từ đầu bể hút với chiều dài hơn 200 m và mở rộng cống. Việc bảo vệ kênh mương được chính quyền và người dân quan tâm hơn trước.

Chị Nhữ Thị Vân Anh, công nhân trạm bơm My Động cho biết: "Khoảng 5 năm trở về trước, mưa lớn khoảng 100 mm thì thời gian bơm tiêu úng phải kéo dài hơn 1,5 ngày, nay giảm chỉ còn 1 ngày. Tình trạng xả rác thải trên kênh chấm dứt hẳn, kênh mương thông thoáng nên bơm tiêu úng rất dễ dàng".

Theo anh Vũ Nhị Châu, Trạm trưởng Trạm Quản lý công trình Neo - My Động, huyện Thanh Miện nằm ở khu vực trũng thấp nên phần lớn diện tích phải tiêu úng bằng máy bơm. Từ khi trạm được đầu tư xây lại, khắc phục tình trạng ô nhiễm dòng kênh thì việc bơm tiêu thuận lợi hơn. Thời gian bơm tiêu rút ngắn, không làm ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. "Ngoài giải pháp đầu tư xây dựng công trình thì ý thức của người dân là yếu tố quan trọng giúp giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường và tắc nghẽn kênh mương diễn ra nhiều năm", anh Châu khẳng định.

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Người dân bảo vệ kênh dẫn trạm bơm My Động