Người gieo những mùa vàng

27/11/2017 09:05

Bằng tình yêu đồng ruộng và sự sẻ chia nỗi vất vả với người nông dân, anh Nguyễn Đức Hoàn (49 tuổi) ở xã Lạc Long (Kinh Môn) đã đầu tư nhiều tỷ đồng để phát triển dịch vụ nông nghiệp...


Anh Nguyễn Đức Hoàn (thứ hai từ phải sang) mua sắm nhiều máy móc, thiết bị làm dịch vụ nông nghiệp

Vươn lên thành tỷ phú

Anh Hoàn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 5 anh em ở thôn La Xá, xã Thượng Quận (Kinh Môn). Bố làm bác sĩ, mẹ làm nông nghiệp, gia đình thuộc diện đủ đầy nhưng ngay từ nhỏ anh Hoàn đã xác định quan niệm sống là không ỷ lại mà phải vươn lên tự lập thân, lập nghiệp.

18 tuổi, học hết THPT, anh xin phép bố mẹ được quyền lựa chọn nghề nghiệp cho mình. Nhận thấy nghề kim hoàn đang có xu hướng phát triển, anh khăn gói lặn lội vào làng kim hoàn truyền thống Kế Môn (TP Huế) để học việc. Với bản tính chịu thương chịu khó, lại có chút hoa tay nên chẳng mất nhiều thời gian, anh đã trở thành thợ chính có thể tự tay chế tác ra các sản phẩm kim hoàn có chất lượng. Anh quyết định xin thầy được về quê để lập nghiệp và giúp đỡ gia đình.

Ngay sau khi trở về quê hương, anh lựa chọn khu chợ Đọ, thuộc thôn Kim Động, xã Lạc Long để lập gia đình và khởi nghiệp. Nhờ đôi bàn tay tài hoa, sản phẩm kim hoàn của anh được người dân địa phương rất ưa thích, công việc kinh doanh ngày càng phát triển. Tiếng lành đồn xa, khách hàng ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh đến đặt hàng. Khi công việc kinh doanh ổn định, anh bắt đầu suy tính để thực hiện ước mơ xây dựng một trang trại chăn nuôi của riêng mình. “Tôi lớn lên trên quê hương chiêm trũng, hình ảnh người mẹ hiền tần tảo, vất vả với việc đồng áng để nuôi nấng anh chị em tôi khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Ngay từ bé, tôi đã ước ao sau này lớn lên sẽ học tập thật tốt để có nhiều kiến thức giúp mẹ và những người dân quê tôi bớt đi những nhọc nhằn”, anh chia sẻ.

Có điều kiện đi nhiều nơi, biết nhiều nghề, năm 2011, anh quyết định đầu tư xây dựng trang trại nuôi cá sấu xuất khẩu đầu tiên ở huyện Kinh Môn với quy mô 700 con. Anh Hoàn chia sẻ: “Tại thời điểm ấy, nuôi cá sấu là quyết định khá liều lĩnh đối với tôi vì trong tỉnh hầu như chưa có một cơ sở nào nuôi con vật này. Toàn bộ vốn liếng bao nhiêu năm tích góp tôi đều dồn hết để đầu tư. Ngoài việc xây dựng cơ sở theo đúng tiêu chuẩn, thuê chuyên gia tư vấn chăn nuôi và sơ chế, tôi tự tìm hiểu các nguồn tài liệu để học hỏi. Tôi được gia đình luôn ủng hộ để thực hiện dự án của mình”.

Việc nuôi cá sấu đã mang lại hiệu quả bất ngờ ngay năm đầu tiên. Trừ hết chi phí, anh thu lãi gần 1 tỷ đồng. Đến nay, anh đã có nhiều cơ sở nuôi cá sấu ở các tỉnh miền Nam như An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Đồng Tháp… với quy mô từ 7.000-10.000 con/trang trại. Thành công nối tiếp thành công đã tạo động lực cho anh tiếp tục thực hiện các dự án phát triển dịch vụ nông nghiệp sau này.

Nặng lòng với đồng ruộng


Giá các dịch vụ nông nghiệp của công ty anh Hoàn luôn rẻ hơn 20-30% so với thị trường nên có lợi thế cạnh tranh

Một ngày làm việc của anh Hoàn bắt đầu từ rất sớm. 6 giờ sáng, anh đã có mặt ở xưởng để cùng anh em công nhân kiểm tra lại tất cả hệ thống máy móc trước khi xuống đồng.

- Làm chủ rồi sao anh phải vất vả vậy?- tôi nói đùa.

- Không chủ quan được đâu chú ạ. Chỉ cần hỏng một chi tiết, máy không hoạt động được là nhỡ hết mùa vụ của bà con- anh đáp.

Sau khi hoàn tất công tác kiểm tra, anh khẩn trương giao việc trong ngày cho từng tốp công nhân theo địa bàn đã lên lịch từ trước. Đúng 7 giờ, 10 chiếc máy cày hiện đại đã nổ máy vang rền chuẩn bị lăn bánh trên khắp đồng quê. Khi ấy, anh mới có thời gian tiếp chuyện chúng tôi.

Anh kể ở xã Lạc Long này, chắc anh là người có nhiều biệt danh nhất. Nào là “Hoàn vàng”, “Hoàn cá sấu”, “Hoàn máy cày”, “Hoàn nano”… Người dân nơi đây gọi anh như vậy không chỉ bởi anh là người năng động, giỏi làm kinh tế mà điều quan trọng hơn hết là những dự án do anh triển khai đều mang lợi cho người nông dân.

Từ năm 2010, việc sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương ngày càng phát triển, nhiều vùng đã dồn thành những thửa ruộng lớn. Nhu cầu cơ giới hóa trong sản xuất tăng cao thôi thúc anh suy nghĩ cách làm ăn mới. Thông qua các kênh thông tin và mối quan hệ, anh tìm cách đưa máy móc hiện đại về để phục vụ nhu cầu của bà con nông dân. Trong một lần tới tỉnh An Huy (Trung Quốc), anh chứng kiến những chiếc máy cấy công nghệ cao gieo mạ không cần ủ mầm rất tiện lợi và phù hợp với đặc tính canh tác của người dân quê mình. Năm 2014, anh quyết định đầu tư 600 triệu đồng mua 1 máy về làm thử.

Tiện lợi, tiết kiệm được thời gian và công sức nên ngay khi triển khai, máy gieo mạ của anh đã được người dân chấp nhận. Từ đó, anh quyết định mở rộng hướng phát triển sang dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Đầu năm 2015, anh Hoàn thành lập Công ty CP Nông nghiệp Việt Nam UKR và đầu tư hơn 3 tỷ đồng nhập thêm 6 máy gieo hạt, lên luống. Năm 2017, anh tiếp tục nhập thêm 6 máy cày, máy gặt công nghệ cao của Belarus với giá trị 700 triệu đồng/máy. Giá dịch vụ của công ty anh Hoàn luôn thấp hơn so với thị trường từ 20-30% giúp cho công việc của doanh nghiệp thêm thuận lợi. Chỉ tay về những cánh đồng lúa, cánh đồng hành xanh mơn mởn, anh khoe: “Toàn bộ diện tích đồng ruộng ở đây đều do chúng tôi phục vụ. Nhiều khi người dân còn đặt lịch trước mùa vụ từ 1-2 tháng”.

Không chỉ cung cấp dịch vụ nông nghiệp cho bà con địa phương, doanh nghiệp của anh còn mở rộng hoạt động ra các tỉnh, thành phố khác như Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình… Mỗi năm, trừ chi phí, công ty thu lãi hơn 4 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều lao động tại địa phương đã có được công việc ổn định. Hiện nay, gần 40 lao động đang làm việc cho công ty anh có thu nhập bình quân trên 15 triệu đồng/người/tháng.

Ông Bùi Văn Ngôn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kinh Môn khẳng định: “Anh Hoàn là một người dám nghĩ dám làm và làm gì cũng thành công. Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, việc đáng ghi nhận nhất là anh luôn nghĩ cho người nông dân để làm sao vừa giảm chi phí, sức lao động trong sản xuất, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao mà không ảnh hưởng xấu đến môi trường”.

Cũng xuất phát từ suy nghĩ tốt đẹp ấy nên mặc dù đã rất thành công trong kinh doanh nhưng anh Hoàn chưa có ý định dừng lại mà luôn tìm tòi những công nghệ mới hiện đại, hiệu quả để phục vụ bà con. Từ đầu năm 2017, anh triển khai thêm dịch vụ cung ứng phân bón sinh học công nghệ nano thế hệ mới nhằm giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, hiệu quả cao mà không gây độc hại. Đầu tháng 5 vừa qua, trong quá trình khảo sát, anh phát hiện hơn 100 ha lúa bị bệnh vàng lùn sọc đen, hoa màu bị héo và rụng lá tại các xã Long Xuyên, Duy Tân, Phạm Mệnh, Hiến Thành… Ngay lập tức, anh xin phép chính quyền địa phương được hỗ trợ 100% loại phân bón nano giúp toàn bộ diện tích canh tác được phục hồi chỉ sau 1 tháng. Nhờ vậy, sản phẩm do công ty anh Hoàn cung ứng nhận được nhiều phản hồi tích cực của người dân.

Sau gần 7 năm triển khai, dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của anh Hoàn đã trải khắp các vùng quê trong và ngoài tỉnh. Lăn lộn trên cánh đồng cùng với người nông dân nên anh quá hiểu nỗi vất vả mà họ gặp phải. Tình cảm đặc biệt với đồng ruộng của anh đã được truyền sang cho người con trai thứ hai. Sau khi đã tốt nghiệp đại học, con trai anh đã trở về sát cánh cùng gia đình để bước tiếp những ước mơ ấp ủ trên những cánh đồng. Tạm biệt chúng tôi, anh chia sẻ: “Dù biết đầu tư cho nông nghiệp sẽ thu ít lợi nhuận hơn các lĩnh vực khác nhưng đó là mơ ước của tôi từ thời trẻ. Hiện tôi vẫn đang ấp ủ nhiều dự án để hỗ trợ cho nông dân. Và tôi sẽ quyết tâm thực hiện tất cả những gì có thể để hoàn thành ước mơ đó”.

Nhìn ánh mắt ngời vẻ quyết tâm của anh Hoàn, chúng tôi tin chắc rằng anh sẽ thực hiện được ước mơ của mình. Với sự trợ giúp của anh, người dân nơi đây sẽ có thêm nhiều mùa vàng bội thu và có thêm cơ hội để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.


ĐỨC TÂM

(0) Bình luận
Người gieo những mùa vàng