Người gieo quả ngọt trên đất cằn

22/11/2020 07:02

Đam mê và nhiệt huyết với nông nghiệp, chị Trịnh Thị Cúc đã đánh thức vùng "đất chết" ở khu Cầu Ván, phường Cộng Hòa (TP Chí Linh) thành đồi trồng cam hữu cơ trù phú.


 Sau gần 4 năm gắn bó với đất đồi cằn cỗi ở TP Chí Linh, chị Cúc đã gặt hái được thành công từ cây cam

Sinh ra và lớn lên ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), song chị Trịnh Thị Cúc lại có cơ duyên gắn bó với mảnh đất đồi cằn cỗi của TP Chí Linh. Đam mê và nhiệt huyết với nông nghiệp, chị đã đánh thức vùng đất khát thành đồi trồng cam hữu cơ trù phú.

Dày công

Nhìn đồi cam xanh mướt, mỡ màng ở khu Cầu Ván, phường Cộng Hòa ít ai nghĩ rằng chỉ vài năm trước, nơi đây là vùng đất trống, đồi trọc. Nhiều người ví đây là khu "đất chết" vì cây cối thiếu sức sống. Cả một vùng rộng lớn mà chỉ có lác đác vài cây vải còi cọc, cành khẳng khiu, lá ngả vàng. Đến cỏ dại cũng héo hắt. Màu cỏ với màu đất lẫn vào nhau. Thế nhưng dưới bàn tay của chị Cúc, vùng đất chết đã hồi sinh và trở thành mô hình nông nghiệp điểm của TP Chí Linh.

Chị Cúc mới gần 40 tuổi nhưng là người trồng cam có tiếng ở Bắc Giang với gần 20 năm kinh nghiệm. Ngoài nắm chắc kỹ thuật sản xuất, với sự tháo vát, nhạy bén về thị trường, thương hiệu cam Phúc Khánh của gia đình chị được nhiều người biết đến. Những tưởng đã bằng lòng với 8 ha cam tại quê nhà nhưng vào năm 2016, trong lần về TP Chí Linh thăm người thân, tình yêu với đất đồi nơi đây lại nảy nở trong chị. “Nhìn cả một quả đồi bỏ hoang mà tôi không cam lòng. Với tôi, tấc đất là tấc vàng nên hình ảnh cây cối úa vàng trên đồi đất mênh mông cứ ám ảnh...”, chị Cúc nói.

Sau nhiều đêm trăn trở, chị Cúc quyết định đem hết vốn liếng tích cóp bao năm để "đánh bạc" với đồi rừng Chí Linh. Chỉ sau đúng một lần hỏi thuê, mua đất, chị đã nhận được cái gật đầu của người dân. Điều này đủ thấy nông dân không còn thiết tha canh tác tại đây. Đưa cây cam từ Bắc Giang về Chí Linh là lựa chọn liều lĩnh của chị bởi người dân nơi đây từng trồng cam từ rất sớm và cũng đã chặt bỏ nhiều năm nay. Ngày trước người dân háo hức, mong chờ cây cam sẽ cứu vớt vùng đất đồi thường xuyên "khát" nước bao nhiêu thì giờ lại thất vọng bấy nhiêu. Đây là cây trồng cho giá trị cao nhưng lại khó tính, nếu không làm chủ được kỹ thuật sẽ xôi hỏng, bỏng không. Lúc mới bén rễ đất đồi Chí Linh, cam Vinh, cam Canh cũng nổi trội hơn các loại cây khác về năng suất và hiệu quả kinh tế, nhưng chỉ sau 3-4 năm, cây bắt đầu bộc lộ nhiều hạn chế khi ngày càng còi cọc, quả nhỏ, ít nước. Nhiều người đã nghĩ rằng loại cây này có thể chỉ "đãi" đất mới chứ không hề phù hợp để trồng lâu dài...

Chị Cúc thừa nhận lúc đầu chị có phần hiếu thắng khi dám bỏ tiền tỷ để đổi lấy một quả đồi hoang hóa rộng hơn 10 ha. Thế nhưng với suy nghĩ đơn giản cùng là đất đồi mà người dân Lục Ngạn đổi đời nhờ cây cam, còn dân Chí Linh vẫn loay hoay với loại cây này nên chị càng quyết tâm tìm hiểu. Nhờ vậy mà hàng nghìn gốc cam đã được chị vun trồng sau khi cải tạo đồi hoang. Khi những gốc cam đầu tiên được lấp đất, chị có niềm tin rằng chỉ cần nắm chắc kỹ thuật thì chỉ trong thời gian ngắn đất cằn sẽ đơm quả ngọt, nhưng thực tế lại khác xa so với những gì chị hình dung. "Có bắt tay vào làm thì mới thấy không phải tự nhiên mà người dân bỏ hoang đất đồi trong nhiều năm", chị Cúc giãi bày.

Đất đồi Chí Linh khô cứng đến chai sạn, dưới nắng hè bỏng rát thì lại càng cằn cỗi, trong khi nguồn nước thì ở xa. Đặc tính cây cam không cần nhiều nước nhưng phải bổ sung đúng thời điểm. Để khắc phục, chị đã làm 2 giếng khoan mà vẫn không khắc phục được. Nhìn những cây cam héo rũ vì thiếu nước thì nắng nóng ngoài trời không thấm tháp gì so với lửa đốt trong lòng. Đã có lúc chị muốn buông xuôi, chấp nhận thất bại song chính những khó khăn lại thôi thúc chị phải cố gắng, quyết tâm chinh phục vùng đất khát. Thời gian đầu, khi mới lập nghiệp tại Chí Linh, ngày nào chị cũng sáng đi tối về hơn 50 km để quán xuyến cả 2 nơi. Về sau, vườn cam tại nhà chị giao người nhà chăm sóc còn bản thân thì toàn tâm toàn ý dành trọn cho đất đồi Chí Linh.

Không quản vất vả, hằng ngày chị Cúc cùng 5 người làm chắt chiu từng thùng nước tưới cho cây cam. Khi cây đã no nước thì chị lại lo phòng trừ sâu bệnh. Có những hôm chị ở trên đồi tới đêm khuya, vạch từng tán lá, ngó từng gốc cây để kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây. Tất cả đều được chị ghi chép tỉ mỉ, cẩn thận làm cơ sở cho việc chăm sóc cây về sau. Và rồi công sức của chị cũng được đền đáp xứng đáng. Sau 2 năm chăm bẵm, đến cuối năm 2018, cây bắt đầu cho thu hoạch. Những quả cam căng tròn, mọng nước trên đất đồi cằn khô chính là thành quả ngọt ngào nhất cho những nỗ lực không mệt mỏi của chị. Giờ đây, sau gần 4 năm cần mẫn, vật lộn với đồi đất Chí Linh, chị Cúc đã chứng minh được quyết định ban đầu của mình là đúng đắn.

Xây dựng thương hiệu cam Côn Sơn 

Người dân khu Cầu Ván thường gọi chị Cúc với cái tên thân mật là "Cúc Cam". Dù trồng cam ở đây chưa lâu nhưng ai về Côn Sơn khi nghe tới cái tên "Cúc Cam" đều tò mò, muốn ghé thăm và trải nghiệm tại đồi cam của nhà chị. Với sản lượng từ 50-70 tấn cam/vụ, song chị Cúc chưa khi nào phải bán cam cho thương lái. Người dân khắp nơi về mua, sẵn sàng trả giá cao hơn thị trường từ 5.000-10.000 đồng/kg để được thưởng thức những quả cam tươi ngon do chị trồng. Bình quân mỗi vụ, chị thu về hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí và tiền thuê nhân công, chị cầm chắc vài trăm triệu đồng. Nhưng với chị lúc này lãi hay lỗ chưa quan trọng bằng việc tập trung đầu tư để cây cam cho năng suất, chất lượng ổn định, phát triển bền vững trên đất đồi Chí Linh, bởi chị biết rằng cây cam thường cho giá trị cao về sau. Giá không cao sao được khi toàn bộ đồi cam đều được chị chăm sóc theo hướng hữu cơ. Cây cam từ lúc ra hoa, đậu quả đến khi thu hoạch chỉ sử dụng phân bón vi sinh và thuốc trừ sâu sinh học.

Trồng cam trên đất khô đã khó, lại theo phương pháp hữu cơ thì còn khó hơn. Dù vậy, chị vẫn kiên trì theo đuổi cách làm này để vừa cải thiện chất đất vừa mang lại sản phẩm chất lượng cho khách hàng. Nhờ thái độ làm việc nghiêm túc, cầu thị, làm nông nghiệp với cái tâm tử tế nên khi nhiều người thất bại với hướng đi này thì chị lại gặt hái được thành công.

Để có được những quả cam hữu cơ ngon ngọt, đậm đà, chị Cúc phải áp dụng quy trình chăm sóc khắt khe. Trên đồi có hàng nghìn cây cam nhưng chị nắm nằm lòng tình trạng phát triển của từng gốc. Nhìn cách chị chăm chú quan sát, tỉ mẩn với từng cây đủ thấy chị đam mê và tâm huyết với cây cam đến nhường nào. Vừa nhanh tay cắt những quả cam căng mọng, chị Cúc vừa nói: "Tôi gắn bó với cây cam còn nhiều hơn với gia đình. Công việc bộn bề, tôi vẫn tham gia các lớp tập huấn, hội thảo liên quan tới cây cam. Tôi vừa đi học hỏi mô hình trồng cam ở Hòa Bình bởi dù đã có nhiều kinh nghiệm song vẫn luôn phải trau dồi, cập nhật kỹ thuật trồng, chăm sóc để không đi vào lối mòn".

Hiện cam ở đây thu hoạch tới đâu bán hết tới đó, nhưng chị Cúc vẫn mong muốn xây dựng được chuỗi liên kết bền vững, hướng tới sản xuất và tiêu thụ bài bản. Với mục tiêu này, chị đang tích cực xây dựng thương hiệu cam Côn Sơn. Lý giải về việc vì sao không sử dụng nhãn hiệu cam Phúc Khánh đã gây dựng nhiều năm, chị Cúc trải lòng: "Thành quả có được như hôm nay không dễ dàng gì. Tôi lấy tên Côn Sơn để ghi nhớ ân tình với mảnh đất nơi đây, nơi tôi đã đổ mồ hôi, công sức. Mặt khác, nơi tôi trồng cam cách không xa khu di tích quốc gia đặc biệt là mấy. Vì vậy, tôi ấp ủ dự định sẽ phát triển thương hiệu cam mang nhãn hiệu Côn Sơn. Du khách tới đây sẽ coi quả cam của tôi như một thức quà gắn liền với di tích".

Năm nay, cam Côn Sơn của chị Cúc là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của TP Chí Linh tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) của tỉnh. Mới qua vòng khảo sát, cam Côn Sơn đã được đánh giá cao và có nhiều lợi thế để trở thành sản phẩm OCOP. Đích tới OCOP ngày một gần nhưng chị Cúc vẫn còn nhiều trăn trở. Chị cho biết khu chị trồng cam thiếu nước ngày càng trầm trọng. Sức người chỉ có thể chống chọi với thiên nhiên trong thời gian ngắn, còn về lâu dài thì khó có thể cầm cự. Chị mong chính quyền và cơ quan chuyên môn cùng chị tháo gỡ khó khăn này. Đối với vùng đất đồi, phương án chống hạn hợp lý nhất là sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm. Thời gian tới, nếu được hỗ trợ, chị sẽ đầu tư xây dựng hệ thống này để sản xuất được thuận lợi.

Từ trên cao nhìn xuống, đồi cam xanh mướt mắt của chị Cúc là điểm nhấn nổi bật giữa núi rừng Chí Linh. Đây là minh chứng rõ nét nhất để khẳng định đất cằn có thể hồi sinh nhờ bàn tay lao động cần mẫn của con người.

 DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người gieo quả ngọt trên đất cằn