Người nuôi cá chép giòn gặp khó

18/01/2020 11:04

Thời hoàng kim, 1 kg cá chép giòn có giá 200.000 đồng. Mô hình kinh tế này đã giúp nhiều hộ dân ven sông Kinh Thầy (Nam Sách) trở thành tỷ phú.

Mô hình nuôi cá chép giòn của gia đình anh Phước

Thấy lợi nhuận cao, nhiều hộ dân bán ruộng, cắm nhà, vay ngân hàng để đầu tư mở rộng. Phát triển nóng, không tính toán kỹ đầu ra đã đẩy nhiều hộ dân vào cảnh khốn khó.

Mời giáo sư về truyền dạy kỹ thuật nuôi cá

Từ giống cá chép thông thường, áp dụng công nghệ nuôi để tạo giòn, cá chép được cho ăn đậu tằm nên thịt có độ dai, giòn, vị ngọt của tôm. Ngay từ khi xuất hiện trên thị trường, loại cá này nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận.

Xã Nam Tân, Nam Hưng (Nam Sách) là nơi nuôi cá chép giòn nhiều nhất của khu vực phía Bắc. Ven sông Kinh Thầy trở thành nơi giao thương nhộn nhịp của dân buôn cá. Giá thành mỗi kg cá chép giòn lên tới 200.000 đồng khiến nhiều hộ dân trở nên giàu có, làng tỷ phú xuất hiện.

Năm 2009, hai xã Nam Tân và Nam Hưng chỉ có vài chục lồng cá thì nay, riêng xã Nam Tân đã có khoảng 2.000 lồng và toàn tỉnh Hải Dương là 6.000 lồng nuôi chép giòn.

Người đi tiên phong trong mô hình nuôi cá chép giòn của xã là anh Trần Văn Thiện. Thu nhập kinh tế cao, gia đình anh Thiện trở nên giàu có. Họ hàng, anh em bảo nhau đổ của cải, vay vốn ngân hàng làm lồng bè ra sông nuôi cá.

Ban đầu, có nhiều loại cá được nuôi theo quy trình tạo giòn như cá diêu hồng, cá lăng, cá trắm, cá chép... Nhưng cá chép giòn được thị trường đón nhận nhiều hơn và trở thành một thương hiệu về loại cá đặc biệt này của nông dân Nam Tân, Nam Hưng. Một số hộ nuôi cá với khối lượng lớn trong xã Nam Tân như ông Nguyễn Trung Tựu, anh Nguyễn Thế Phước, Trần Văn Tín…

Anh Nguyễn Thế Phước chia sẻ ban đầu để có cá nuôi, gia đình anh phải đi mua giống, đầu tư mua đậu tằm với chi phí khá cao. Quy trình từ nuôi giống đến khi thu hoạch cũng phải mất 3 năm và tùy từng loại cá. Cá muốn giòn ngon sau khi nuôi to được người dân ở đây cho ăn đậu tằm khoảng 6 – 7 tháng, thịt cá sẽ trở nên giòn sần sật. Thời gian ăn đậu tằm cá sẽ không tăng trọng lượng mà chỉ tăng chất lượng. Để khai thác hiệu quả kinh tế tối đa và quay vòng vốn, các lồng cá ở đây thường đan xen thu hoạch trải đều trong năm để không bị mất giá và lúc nào cũng có cá cung ứng cho thị trường.

Những ngày đầu nuôi cá giòn cho thu nhập cao, các hộ dân ở Nam Tân, Nam Hưng rất phấn khởi. Để đầu tư nuôi thả với số lượng lớn, hiệu quả kinh tế cao, họ mời hẳn giáo sư của Trường Đại học Nông nghiệp về hướng dẫn kĩ thuật. Cá chép giòn xã Nam Tân đã từng là đề tài khoa học của nhiều chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

Thời hoàng kim, người người đổ ra sông nuôi cá giòn, nhà nhà giàu lên vì cá giòn. Cảnh thương lái mua bán cá giống, cá thành phẩm ra vào xã tấp nập, xếp hàng đợi lốt trên đê làm cho kinh tế xã Nam Tân, Nam Hưng, An Bình khởi sắc... Nhưng chính từ lợi nhuận cao mà người nông dân “quên” đi bài toán thị trường, đầu tư ồ ạt lồng bè, mở rộng quy mô và không tính toán kỹ đầu ra cho sản phẩm.

Vì cá chép giòn mà bỏ nhà đi biệt xứ

Là người tiên phong trong mô hình nuôi cá giòn, sau nhiều lần đầu tư, hiện nay gia đình anh Nguyễn Thế Phước (xã Nam Tân) có 100 lồng cá với sản lượng thu hoạch một năm khoảng 100 tấn cá giòn. Những buổi đầu nuôi cá, gia đình anh thu nhập vài trăm triệu một năm, kinh tế gia đình khấm khá.

Không chỉ nuôi cá lấy thịt, từ năm 2016, anh Phước còn tự gột cá giống. Anh cũng là người đầu tiên của xã Nam Tân tự nhập đậu tằm từ Úc về để nuôi cá, nhờ đó giảm thiểu chi phí đầu vào cho sản phẩm. Thế nhưng đến nay, mặc dù là người có kinh nghiệm trong mô hình nuôi cá giòn nhưng gia đình anh Phước vẫn đang loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm.

Anh Phước chia sẻ mặc dù giá thịt lợn tăng cao, các thực phẩm khác cũng vì thế tăng theo nhưng riêng cá chép giòn vẫn bị “ép” giá, dậm chân tại chỗ với 90.000 đồng/kg. Theo tính toán của anh Phước, bán cá với mức 90.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu vào thì anh chỉ hoàn vốn và không công.

Nguyên nhân của việc giá cá chép giòn dậm chân tại chỗ, theo anh Phước là do quá nhiều người nuôi. Cung vượt cầu là cái cớ cho thương lái “ép” giá. Nóng ruột vì cá đến đợt xuất không bán được trong khi nợ ngân hàng mỗi ngày một nhiều nên không ít hộ nông dân “cắn răng” bán với giá thu hồi vốn. Thế nhưng, có hộ dân bán hòa vốn cũng không có người mua.

Hiện nay, gia đình anh Phước nợ ngân hàng 4,5 tỷ đồng. Tiền lãi hàng tháng lên tới 30 triệu đồng. Thời điểm cận Tết, mọi thực phẩm đều tăng mà giá cá chép giòn vẫn “đủng đỉnh” khiến anh Phước đứng ngồi không yên.

Hộ ông Nguyễn Trung Tựu, xã Nam Tân cũng có tiếng trong mô hình nuôi cá chép giòn. Để bảo đảm chất lượng, khẳng định thương hiệu, ông Tựu đầu tư xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn đi kèm dán nhãn hàng hóa quét bằng mã QR code. Mặc dù vậy, hiện gia đình ông cũng gặp không ít khó khăn về giá và quay vòng vốn.

Theo chia sẻ của người dân xã Nam Tân, đã có người mất nhà, đất, phá sản vì cá giòn. Hiện ngoài một số gia đình trường vốn, xoay sở tốt đầu ra để cầm hơi đợi thời cơ thì nhiều hộ đã không chịu được sức ép, đành sang nhượng lồng bè cho người khác để đáo nợ. Thậm chí, đã có người bỏ đi biệt xứ vì nợ.

Theo báo Giáo dục & Thời đại

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người nuôi cá chép giòn gặp khó