Ninh Giang quy vùng sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân

27/06/2020 20:04

Việc quy vùng sản xuất của huyện Ninh Giang đã góp phần quan trọng để nâng cao giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp, tăng thêm thu nhập cho người dân.

Những vùng nuôi thủy sản tập trung đang làm thay đổi đất trồng lúa kém hiệu quả bên sông Cửu An

Những năm qua, huyện Ninh Giang đã quy hoạch và tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung với nhiều sản phẩm có giá trị cao. Nhiều vùng sản xuất lúa, cây ăn quả, nuôi thủy sản đã hình thành, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. 

Xác định nông nghiệp vẫn là một trong những mặt trận sản xuất quan trọng, ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, Huyện ủy Ninh Giang đã xây dựng Đề án "Phát triển trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, gắn với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững huyện Ninh Giang, giai đoạn 2016-2020". Với đề án này, cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh đã tạo luồng gió mới trong sản xuất nông nghiệp ở huyện thuần nông này. 

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, nhiệm kỳ vừa qua đã chứng kiến sự thay đổi mang tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp của địa phương khi hàng loạt cánh đồng mẫu lớn đem lại hiệu quả kinh tế rõ nét được xây dựng. Với nhiều giải pháp chủ động, tích cực, Ninh Giang đã xây dựng được 90 vùng sản xuất lúa tập trung với diện tích mỗi vùng từ 30 ha trở lên, có những vùng liên xã rộng tới 80 ha với quy trình sản xuất "một vùng, một giống, một thời gian". Đến vụ xuân 2020, tổng diện tích các vùng sản xuất lúa tập trung của huyện đạt 3.263 ha, chiếm gần 50% diện tích sản xuất lúa của huyện.

Tại những vùng sản xuất tập trung, việc làm đất, gieo mạ, cấy lúa, thu hoạch được thực hiện đồng bộ. Trên 80% diện tích các vùng được gieo cấy bằng các giống lúa lai, lúa chất lượng cao. Việc quy vùng sản xuất tập trung góp phần thay đổi tập quán canh tác của người dân, đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Cùng với việc xây dựng các vùng sản xuất lúa tập trung, huyện Ninh Giang chú trọng chuyển những vùng sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, nuôi thủy sản. Nhiều mô hình trồng cây ăn quả tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao như trồng cam Vinh, cam đường Canh, bưởi Diễn, táo, bưởi da xanh, nhãn, ổi... được xây dựng tại các xã Hiệp Lực, Hồng Dụ, Hồng Phong, Kiến Quốc, Vĩnh Hòa...

Từ nhiều năm nay, xã Hiệp Lực dẫn đầu huyện về diện tích trồng ổi. Ông Lê Lương Dân, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã cho biết địa phương hiện có khoảng 100 ha trồng ổi, trong đó 40 ha ổi trồng theo quy trình VietGAP. Cây ổi hiện chiếm khoảng 30% diện tích đất nông nghiệp của xã Hiệp Lực. Giá trị kinh tế từ cây ổi cũng cao hơn cấy lúa từ 5 - 7 lần.

Tại xã Đông Xuyên, nuôi cá theo mô hình “sông trong ao” đã đem lại diện mạo mới cho vùng đất trũng phía nam sông Cửu An. Với nhiều công sức và tiền của, một trang trại nuôi cá quy mô gần 30 ha với hàng trăm “sông trong ao” đã hình thành, đem lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với cây lúa.

Ông Bùi Minh Chương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Giang cho biết những mô hình nuôi cá tập trung xuất hiện ngày càng nhiều ở Ninh Giang. Ở phía bắc sông Cửu An là vùng nuôi cá tập trung của 3 xã Hoàng Hanh, An Đức, Vạn Phúc có diện tích lên tới 124 ha, đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Phát huy lợi thế, những vùng nuôi thủy sản tập trung hai bên bờ sông Cửu An đã khai phá, làm thay đổi diện mạo vùng đất kém hiệu quả, tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp của huyện. “Những mô hình nuôi thủy sản như thế này cần được nhân rộng vì hiệu quả kinh tế rõ rệt mà nó đem lại. Việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp góp phần tạo sức bật cho những vùng đất trồng lúa kém hiệu quả,  đem lại thu nhập cao cho người dân”, ông Chương nói.

Việc quy vùng sản xuất của huyện Ninh Giang đã góp phần quan trọng để nâng cao giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp, tăng thêm thu nhập cho người dân. Thành công ấy trước hết là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Huyện ủy, UBND huyện, sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương. Quan trọng hơn, người dân đã nhận thấy hiệu quả thực sự các mô hình đem lại, từ đó hăng hái hưởng ứng để sản xuất nông nghiệp của huyện đạt được những kết quả tích cực.

BẢO LONG

(0) Bình luận
Ninh Giang quy vùng sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân