Nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu. Bài 1: Khi vụ đông xuân ít rét

29/11/2017 15:13

Vụ đông xuân năm 2016-2017 rất ít rét là minh chứng rõ nét cho những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp.


Vụ đông xuân ấm là nguyên nhân khiến sản lượng vải thiều sụt giảm nghiêm trọng

Khó khăn

Trồng vải thiều hơn 20 năm nhưng chưa khi nào bà Nguyễn Thị Quý ở thôn Lại Xá, xã Thanh Thủy (Thanh Hà) thấy sản lượng vải đạt thấp như vụ vừa qua. Theo kinh nghiệm của bà Quý, cây vải phụ thuộc chặt chẽ vào thời tiết. Để bảo đảm cây ra hoa, đậu quả thuận lợi thì cây vải phải trải qua 150 giờ có nhiệt độ dưới 15 độ C. Tuy nhiên, vụ đông xuân vừa rồi, trời ít rét nên vải chỉ ra lộc chứ không bật hoa. "Mặc dù đã chủ động can thiệp bằng các biện pháp kỹ thuật như xử lý lộc đông, khoanh cành, hạn chế tưới nước... song vẫn không thể cải thiện được tình hình. May mắn có cây ra hoa thì lại không đồng loạt nên khó chăm sóc. Năm nay, vải được giá nhưng sản lượng sụt giảm nghiêm trọng nên nhiều hộ thu không đủ bù chi phí", bà Quý nói.

Kinh nghiệm trồng đào gần 10 năm cũng không đủ để gia đình chị Trần Thị Liên ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) cứu vãn 200 gốc đào trong dịp Tết Đinh Dậu. Chị Liên thở dài khi nhớ lại: “Thời điểm lập đông, thấy trời vẫn nắng hanh nên tôi đã tuốt lá đào muộn hơn mọi năm 10 ngày. Mọi năm, chúng tôi chỉ khoanh gốc đào vào đầu tháng 7. Năm ngoái ngoài khoanh gốc 2 lần còn phải chặn rễ hãm đào để hạn chế khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cây. Nhưng sau 1 tuần, cây lại ra lộc chứ không ủ mầm hoa. Nhiều cây phải ngắt lộc đến 3-4 lần. Những cây ra hoa thì lại phát triển nhanh, còn cách Tết Nguyên đán 20 ngày mà nhiều gốc đào hoa đã bung nở. Chưa đến Tết mà đào đã khoe sắc làm cho những người trồng đào không khỏi xót xa”.

Theo chị Liên, cây đào mẫn cảm với thời tiết nên dù có chăm sóc vất vả nhưng tiết trời bất thuận thì cũng coi như công cốc. Những năm gần đây, thời tiết ngày càng khắc nghiệt khiến các hộ trồng đào thấp thỏm, đứng ngồi không yên. Nếu không có biện pháp khoa học khắc phục thì e rằng sẽ có nhiều hộ không còn muốn gắn bó với cây đào.
Vụ đông xuân là thời vụ quyết định đến năng suất, chất lượng của những cây trồng vốn là thế mạnh của tỉnh. Nhưng những diễn biến bất lợi, khác thường của thời tiết trong vụ đông xuân 2016-2017 đã làm cho sản xuất nông nghiệp gặp khó. Mặc dù người dân đã nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết song kết quả đạt được không mấy khả quan. Không chỉ có vải thiều mất mùa, hoa Tết xuống giá do nở không đúng thời điểm mà những ảnh hưởng của thời tiết gây ra đối với các loại cây trồng khác như chuối, quất... cũng khiến nông dân lao đao.

Nhiều biện pháp thích ứng


Vụ lúa chiêm xuân năm 2016-2017 đã được mùa trong điều kiện sản xuất khó khăn

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, do ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino nên thời tiết vụ đông xuân năm 2016-2017 không tuân theo quy luật thông thường. Đây được đánh giá là vụ đông xuân ấm điển hình, rét đậm xuất hiện muộn và không kéo dài. Đặc trưng của vụ xuân là trời nồm, có mưa nhỏ, mưa phùn nhưng cũng xảy ra ít. Nhiệt độ các tháng đều cao hơn trung bình nhiều năm. Đặc biệt, nhiệt độ trung bình tháng 12 đạt 20,5 độ C, đây là trị số nhiệt cao nhất trong gần 50 năm trở lại đây. Những bất thường của thời tiết đã làm đảo lộn hoạt động sản xuất nông nghiệp trong tỉnh.

Vụ đông xuân ấm làm thay đổi quy luật sinh trưởng của cây trồng, rút ngắn vòng đời của sâu bệnh nên sâu bệnh phát sinh, gây hại nhiều hơn. Trước những ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, các cơ quan chức năng đã chỉ đạo cán bộ, nhân viên tăng cường bám sát đồng ruộng, cùng nông dân vượt qua khó khăn.

Ngay khi lường trước được những bất lợi trong việc chăm sóc vải thiều khi vụ đông xuân ít rét đậm, rét hại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có khuyến cáo, hướng dẫn người dân xử lý lộc đông đúng kỹ thuật để tăng tỷ lệ ra hoa. Đối với những cây không còn khả năng ra hoa cũng không được bỏ bê chăm sóc mà tập trung cắt tỉa để cây có điều kiện phát triển tối đa trong những vụ sau. Với những cây ra hoa đậu quả cần chăm sóc hợp lý, hạn chế rụng quả sinh lý, lấy chất lượng để bù số lượng. Do vậy, dù sản lượng vải chỉ đạt 29.000 tấn, thấp hơn 24% so với năm trước, nhưng giá bán cao nên nhiều hộ vẫn có lãi, nhất là các hộ trồng vải sớm.

Vụ lúa chiêm xuân vượt khó thành công cũng là một trong những cố gắng của ngành nông nghiệp khi không được thời tiết ủng hộ. Vụ đông xuân ấm đã phá vỡ lịch thời vụ. Nắng nóng kéo dài làm cho mạ phát triển nhanh, già ống. Nông dân nhiều nơi tiếc mạ nên cấy sớm. Cơ quan chuyên môn đã vận động người dân kiên quyết không gieo cấy mạ trên 6 lá. Đồng thời khuyến cáo nông dân thay thế bằng các giống ngắn ngày. Bước vào thời kỳ chăm sóc lúa theo từng giai đoạn, do ít mưa xuân nên lúa phát triển kém. Nông dân được hướng dẫn các biện pháp bón phân cân đối, điều tiết nước hợp lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phù hợp nên khó khăn được khắc phục. Vì vậy, dù là vụ đông xuân ấm nhưng lúa chiêm xuân vẫn được mùa, năng suất đạt 65,01 tạ/ha, tăng 0,43 tạ so với vụ chiêm xuân trước.

Theo ông Nguyễn Văn Phú, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm trước khái niệm về biến đổi khí hậu cũng như những ảnh hưởng của nó vẫn mơ hồ nên người dân còn chủ quan, lơ là, thiếu biện pháp ứng phó. Vụ đông xuân 2016-2017 đã phản ánh rõ nét những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải đối mặt với thực tế để đưa ra các giải pháp thích ứng.


PV

(0) Bình luận
Nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu. Bài 1: Khi vụ đông xuân ít rét