Nỗi lo không thể tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi

04/05/2019 08:31

Các chủ trại hiện đều gặp khó khăn về nguồn vốn để duy trì đàn lợn qua dịch, bởi DTLCP chưa biết khi nào mới kết thúc, người chăn nuôi chỉ biết cầm cự được ngày nào hay ngày đó.


 Mỗi con lợn con trong trang trại nhà anh Phạm Văn Hùng ở xã Quang Trung (Kinh Môn) đang được bán ra lỗ từ 200.000 - 300.000 đồng

Sau hơn 2 tháng dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) bùng phát tại Hải Dương, người dân phải đối mặt với nhiều khó khăn khi thị trường lợn con gần như “đóng băng”, còn lợn giống bị tiêu hủy hàng loạt, nguy cơ không còn lợn để tái đàn đang hiện hữu.

Ế lợn con

Gần 2 tháng nay, trại lợn giống của anh Nguyễn Văn Công ở thôn Nhân Lễ, xã Đồng Lạc (Nam Sách) không xuất được lợn con ra thị trường, mặc dù mỗi tháng đàn lợn nái cho ra đời khoảng 4.000 con giống. Điều này khiến ông chủ trại lợn giống lớn nhất nhì huyện Nam Sách như “ngồi trên đống lửa”.

Theo anh Công, từ ngày DTLCP xuất hiện trên địa bàn tỉnh thì việc tái đàn hầu như không có, khiến trang trại có 1.200 con lợn nái của anh rơi vào khủng hoảng. Biện pháp tình thế được thực hiện ngay là giảm mẹ và loại con. Đàn lợn 1.200 con nái, giảm còn 800 con. Lợn con loại trực tiếp lúc mới sinh với tiêu chuẩn gắt gao, nếu trước đây một lứa lợn sau sàng lọc giữ lại 10-12 con thì nay chỉ giữ lại 7-8 con/đàn.

 Ngoài ra, số lợn con đã cho xuất chuồng mà không ai mua lại phải dồn vào nuôi lợn thịt. Chuồng trại thì chật, mỗi chuồng 250 con, nay phải dồn lên 300 con, vậy mà cũng không thể kham hết số lợn con mới ra đời.

Theo anh Công, thời điểm dịch bệnh vừa qua, chi phí cho một con lợn con từ thức ăn đến tiêm đủ vaccine phòng bệnh rơi vào khoảng 1 triệu đồng. Bình thường giá lợn con là 1,5 triệu đồng/con thì trang trại có nguồn vốn quay vòng nhưng hiện tất cả đều bị ngưng trệ. “Cứ đà này, tôi không biết phải làm gì khi sức người có hạn mà đàn lợn thì ngày càng phình to. Hiện nay, tổng số lợn nái, lợn thịt và lợn con trong trang trại khoảng 8.000 con, chi phí lên tới 100 triệu đồng/ngày”, anh Công nói.

Trường hợp trang trại của gia đình anh Phạm Văn Hùng ở xã Quang Trung (Kinh Môn) cũng đang an toàn trong vùng dịch nhưng lại điêu đứng vì khó xuất lợn con. Hiện trang trại của anh Hùng có 300 con lợn nái và 8 con lợn đực thuộc 3 dòng Duroc, Landrace và Yorshire, bình quân mỗi tháng cung cấp ra thị trường khoảng 600 con lợn con. Dù có nguồn khách ổn định nhưng 2 tháng qua anh Hùng cũng phải vận dụng mọi quan hệ mới “tẩu tán” được số lợn xuất chuồng. Mỗi con lợn con hiện tại lỗ từ 200.000 - 300.000 đồng. Bình thường lợn nặng 8 kg/con đã được xuất thì từ khi có dịch phải hơn 10 kg/con mới được xuất. Đã có kinh nghiệm 10 năm nuôi lợn giống nhưng theo anh Hùng chưa khi nào thấy dịch bệnh đáng sợ như đợt DTLCP này. Anh bảo: “Nuôi lợn như đánh bạc, người dân sợ dịch không dám tái đàn thì tôi phải đem gán, thậm chí bán chịu để họ nuôi cho, nếu lợn bị dịch thì mình phải chịu”.

Một đặc điểm chung là những trang trại cung cấp con giống có công tác phòng chống DTLCP khá tốt nên hiện tại, đa phần các trại này chưa nhiễm dịch. Tuy nhiên, tâm sự chung của các chủ trại hiện nay là khó khăn về nguồn vốn để duy trì đàn lợn qua dịch, bởi DTLCP chưa biết khi nào mới kết thúc, người chăn nuôi như chúng tôi chỉ biết cầm cự được ngày nào hay ngày đó.


Phun thuốc bảo vệ đàn lợn nái ở trang trại của anh Nguyễn Văn Công ở xã Đồng Lạc (Nam Sách)

Sẽ thiếu lợn giống

Trong khi người dân nuôi lợn con ế ẩm, buộc phải giảm số lượng thì số lợn giống bị tiêu hủy lại khá cao. Theo thống kê của Chi cục Thú y tỉnh, tính đến ngày 2.5 dịch đã lan rộng ra hơn 200 xã, phường, thị trấn của toàn tỉnh. Lực lượng chức năng buộc phải tiêu hủy hơn 138.000 con lợn với tổng trọng lượng khoảng 8.700 tấn. Trong đó, số lượng lợn giống gồm lợn đực và lợn nái khoảng 17.000 con, chiếm gần 27% tổng đàn lợn giống trong toàn tỉnh.

Công ty TNHH một thành viên Giống gia súc Hải Dương, nơi cung cấp nguồn lợn đực sản xuất tinh trùng chủ chốt của tỉnh cũng đã có lợn mắc DTLCP. Cả 100 con lợn đực của công ty đều đã bị tiêu hủy. Với tình hình này, cơ quan chức năng lo lắng sẽ không còn khả năng tái đàn sau DTLCP. Trong khi đó, nhu cầu về con giống mỗi năm trên toàn tỉnh vào khoảng 502.000 con lợn con.

 Bà Phạm Thị Đào, Phó Trưởng Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nói: “Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp nên chưa thể tiên lượng được khi nào hết dịch. Với tình hình hiện nay khi bà con quay trở lại tái đàn chắc chắn sẽ có tình trạng khan hiếm con giống. Đây cũng là vấn đề khiến cơ quan chức năng lo lắng. Trước mắt, chúng tôi vẫn khuyến cáo các hộ chăn nuôi, đặc biệt là hộ nuôi lợn giống cần thực hiện nghiêm túc cách phòng dịch và chăn nuôi an toàn sinh học để có thể vượt qua đợt dịch”.

HUYỀN ANH

(0) Bình luận
Nỗi lo không thể tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi