Nông dân Đồng Quang làm giàu từ nuôi thủy sản

06/12/2019 15:03

Những năm gần đây, hàng trăm hộ dân ở xã Đồng Quang (Gia Lộc) đã giàu lên nhờ đầu tư mở rộng diện tích sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nuôi thủy sản.


Gia đình ông Nguyễn Thế Thau ở thôn Đông Hạ đã đầu tư khoảng 700 triệu đồng để nuôi gần 1 ha thủy sản, mỗi năm thu lãi gần 200 triệu đồng

Xã khuyến khích

Trước đây, Đồng Quang là một trong những xã có diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang nhiều của huyện. Năm 2001 xã đã xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích trũng cấy lúa hiệu quả thấp sang đào ao thả cá và trồng cây.

Thời gian đầu khi triển khai đề án, người dân vẫn chưa đồng thuận, còn tâm lý giữ ruộng, dù ruộng chỉ cấy 1 vụ rồi bỏ hoang. Nhiều người e ngại chưa đầu tư vì đường ra các vùng trũng toàn đường đất, nhỏ hẹp, lầy lội vào mùa mưa. Người dân chưa tiếp cận được với các nguồn vốn vay ưu đãi…

Trước khó khăn đó, địa phương đã tuyên truyền, khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đổi ruộng, dồn nhiều ruộng nhỏ thành ruộng lớn để đào ao thả cá. Xã chỉ đạo Hội Nông dân, Hội Phụ nữ phối hợp với các kênh tín dụng cho người dân tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế.

Địa phương làm việc với Điện lực huyện Gia Lộc để lắp hệ thống điện ra các vùng nuôi thủy sản trọng điểm ở các thôn Đông Trại, Đông Hạ, Quang Tiền. Nhờ đó, các hộ có thể áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư máy móc để mở rộng sản xuất. Từ năm 2017 đến nay, xã phối hợp mở 7 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản cho khoảng 245 người. Các hộ đã từng bước nắm bắt quy trình kỹ thuật nuôi cá thương phẩm, cách phòng ngừa dịch bệnh, lựa chọn con giống chất lượng...

Từ năm 2015 đến nay, từ nguồn hỗ trợ xi măng xây dựng nông thôn mới của tỉnh, xã đã tuyên truyền, vận động để người dân đầu tư hàng trăm triệu đồng đổ bê tông 7 km đường ra các vùng nuôi thủy sản. Những con đường bê tông trải dài trên các khu vực đồng trũng giúp xe ô tô ra vào thuận tiện, thôi thúc nhiều hộ mạnh dạn đào ao thả cá.

Dân hưởng ứng

Với những giải pháp trên, diện tích nuôi thủy sản trong xã đã tăng lên từng năm, nhiều hộ thuê lại những diện tích ruộng trũng để đào ao nuôi cá nên diện tích ruộng bỏ hoang giảm dần.

Ông Đỗ Xuân Cộng, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Quang cho biết những năm 1998 - 2001, xã chỉ có hơn 20 hộ nuôi thủy sản, giai đoạn 2001 - 2005 tăng lên 200 hộ. Đến nay, toàn xã có hơn 2.000 hộ thì có 270 hộ nuôi thủy sản. Diện tích canh tác toàn xã khoảng 356 ha, trong đó gần 100 ha nuôi thủy sản. Các hộ nuôi thủy sản tập trung nhiều ở các thôn Đông Trại, Quang Tiền, Đông Hạ, Đông Thượng. Mỗi hộ thu lãi từ 200 - 500 triệu đồng/năm.

Gia đình ông Đỗ Xuân Đông ở thôn Đông Trại là một trong những hộ đi đầu nuôi thủy sản ở địa phương và có diện tích nuôi thủy sản lớn nhất xã. Năm 2000, ông đầu tư kinh phí đào ao thả cá rộng khoảng 3,4 ha. Đến nay, gia đình ông có 10 ao thả cá, sử dụng 13 máy sục khí có trị giá gần 150 triệu đồng. Từ nguồn xi măng được hỗ trợ, ông cũng tự bỏ kinh phí làm 1 km đường ra vùng nuôi thủy sản… Mỗi năm, hộ ông Đông thu lãi khoảng 300 - 500 triệu đồng từ nuôi thủy sản.

Hộ ông Nguyễn Thế Thau ở thôn Đông Hạ đã đầu tư khoảng 700 triệu đồng để nuôi gần 1 ha thủy sản, mỗi năm thu lãi gần 200 triệu đồng. Ngoài ra, còn nhiều hộ nuôi thủy sản cho lãi cao như gia đình các ông Nguyễn Văn San ở thôn Đông Trại; Nguyễn Văn Hữu, Nguyễn Văn Luân, Nguyễn Văn Thược, Nguyễn Văn Hoan, Phạm Văn Hương ở thôn Quang Tiền… đều có diện tích nuôi thủy sản từ 1 - 2 ha và thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Đỗ Xuân Cộng cho biết thêm thời gian tới xã sẽ tiếp tục phối hợp mở các lớp tập huấn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn. Tiếp tục xem xét các khu vực sản xuất lúa không hiệu quả, khuyến khích người dân chuyển sang đào ao thả cá. Dự kiến thời gian tới xã sẽ mở rộng thêm 5 - 10 ha nuôi thủy sản.

THẾ ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông dân Đồng Quang làm giàu từ nuôi thủy sản