Nông nghiệp Hải Dương bứt phá

09/07/2020 07:18

Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm của tỉnh Hải Dương tăng cao nhất trong các nhóm ngành. Đây là việc khoảng 20 năm qua mới lặp lại.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhiều yếu tố bất lợi khác nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm của tỉnh vẫn tăng cao nhất trong các nhóm ngành. Đây là việc khoảng 20 năm qua mới lặp lại. Có được kết quả này là nhờ nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

Mặc dù là vụ đông xuân ấm nhưng năng suất lúa chiêm xuân của tỉnh vẫn tăng cao


Trồng trọt thuận lợi

Theo số liệu công bố của Cục Thống kê tỉnh, 6 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt 10.975 tỷ đồng, bằng 58,8% kế hoạch năm và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là chỉ số tăng cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. 6 tháng đầu năm nay được đánh giá là thắng lợi lớn của lĩnh vực trồng trọt khi giá trị sản xuất cây trồng chủ lực đều đạt con số ấn tượng. Tuy thời tiết bất lợi song với kinh nghiệm của người dân, sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của chính quyền, cơ quan chuyên môn, năng suất, chất lượng và giá cả của cây trồng vụ đông xuân, lúa chiêm xuân, quả vải tăng cao. 

Giá trị sản xuất vụ đông xuân (theo giá thực tế) đạt 4.012,5 tỷ đồng, tăng 478,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, bình quân đạt 188,3 triệu đồng/ha, tăng 23,1 triệu đồng/ha so với năm 2019. Các cây trồng thế mạnh như cà rốt, hành tỏi, cải bắp, su hào… cho năng suất cao, giá bán ổn định, nông dân thu lãi từ 6-10 triệu đồng/sào. Đây là vụ đông xuân được mùa, được giá nhất trong 5 năm trở lại đây.

Tuy là vụ đông xuân ấm nhưng lúa chiêm xuân vẫn được mùa. Ngoài việc chuyển đổi cơ cấu giống, trà lúa, phương thức gieo cấy theo hướng tích cực, tỉnh xây dựng được nhiều mô hình sản xuất lúa tập trung gắn với bao tiêu sản phẩm. Diện tích gieo cấy các giống lúa chất lượng và trà xuân muộn tăng cao đã hạn chế được những bất lợi của thời tiết. Năng suất lúa đạt 64,1 tạ/ha, tăng 1,8 tạ/ha so với vụ chiêm xuân trước. Các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng và thị xã Kinh Môn tiếp tục dẫn đầu toàn tỉnh về năng suất lúa, đạt trên 66,5 tạ/ha. 

Điểm nhấn nổi bật trong bức tranh trồng trọt 6 tháng đầu năm của tỉnh là việc sản xuất, tiêu thụ quả vải. Năm nay, nền nhiệt cao, các đợt rét đậm, rét hại không kéo dài, mưa ít nhưng tỷ lệ vải ra hoa, đậu quả ở mức cao. Sản lượng vải của tỉnh đạt 43.000 tấn, tăng 18.000 tấn so với vụ trước. Trái với dự đoán ban đầu là tiêu thụ vải khó khăn do tác động của dịch Covid-19, vải năm nay tiêu thụ thuận lợi với giá bán cao. Do làm tốt công tác tuyên truyền, xúc tiến thương mại nên quả vải không chỉ tiêu thụ thuận lợi trong nước mà còn rộng đường xuất khẩu. Đây là năm đầu tiên quả vải tươi của tỉnh được xuất khẩu sang thị trường khó tính Nhật Bản. Điều này đã hạn chế tình trạng tư thương ép giá, góp phần đưa giá bán lên cao hơn nhiều so với những năm trước. Với giá bán trung bình toàn vụ là 30.000 đồng/kg, giá trị sản xuất vải thực tế đạt 1.290 tỷ đồng, tăng 569,692 tỷ đồng so với năm 2019. 

Một trong những nét nổi bật của ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm là năng suất vải tăng, giá trị sản xuất thực tế đạt 1.290 tỷ đồng, tăng gần 570 tỷ đồng so với năm 2019


Chăn nuôi phục hồi

Những tháng đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, Hải Dương nằm trong vùng đệm có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Trước thực tế này, ngành nông nghiệp đã tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn hộ nuôi các biện pháp chủ động kiểm soát, phát hiện sớm dịch bệnh, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Nhờ vậy, lĩnh vực chăn nuôi khởi sắc và khả quan hơn so với năm 2019.

Chăn nuôi trâu bò cơ bản ổn định, bảo đảm nguồn cung cho thị trường với tổng đàn trâu là 4.250 con, tăng 2,53%; đàn bò  22.000 con, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi lợn dần phục hồi sau "cơn bão" dịch tả lợn châu Phi, nhưng do giá con giống cao và tâm lý lo ngại dịch bệnh bùng phát trở lại nên tốc độ tái đàn còn chậm. Hiện tổng đàn lợn của tỉnh đạt 310.000 con, tăng 9,9% so với cuối năm 2019. Chăn nuôi gia cầm phát triển mạnh do nhu cầu của thị trường và điều kiện thực tế khi chăn nuôi lợn chưa ổn định. Tổng đàn gia cầm của tỉnh đạt gần 13 triệu con, tăng 9,5%, nhưng do lực cầu giảm trong thời gian cao điểm dịch Covid-19 khiến cung vượt cầu, người chăn nuôi thua lỗ.

Lĩnh vực thủy sản cũng có đột phá trong cơ cấu giống và phương thức nuôi. Ngoài những loại cá giống truyền thống, người nuôi chủ động thả một số giống mới, phù hợp với điều kiện nước mặt của tỉnh. Tổng diện tích nuôi thủy sản đạt 11.870 ha với sản lượng ước đạt 42.100 tấn. Toàn tỉnh hiện có 6.189 lồng nuôi cá trên sông với thể tích 750.000 m3. Sản lượng cá giống ước đạt 820 triệu con, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng cho diện tích nuôi thủy sản của tỉnh. Thị trường tiêu thụ cá thương phẩm trong quý I tương đối chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sang quý II, tình hình tiêu thụ khả quan hơn, người dân có lãi.

NGUYỄN MƠ

(0) Bình luận
Nông nghiệp Hải Dương bứt phá