Nuôi chạch bùn - cách làm mới

26/02/2019 14:35

Mô hình nuôi chạch bùn thương phẩm trong tỉnh được Chi cục Thủy sản Hải Dương triển khai đã mang lại hiệu quả bước đầu, mở ra một cách làm mới cho nông dân.

Huyện Thanh Miện có trên 1 ha nuôi thử nghiệm chạch bùn

Chạch bùn là loại thủy sản nước ngọt có thịt thơm ngon, lượng đạm cao, ít chất béo nên được nhiều người ưa chuộng. Đây cũng là loại thủy sản đặc sản đang được nhiều địa phương xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tuy nhiên, hiện chạch bùn ngoài tự nhiên đã bị suy giảm số lượng bởi ảnh hưởng từ ô nhiễm môi trường và các cách đánh bắt gây hại của người dân. Cũng vì sự khan hiếm nên giá cả mặt hàng này luôn ổn định ở mức 80.000-90.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá các loại thủy sản khác như cá trắm, cá rô phi, cá chép… thường biến động, ảnh hưởng đến tâm lý người chăn nuôi. Từ thực tế này, năm 2018, Chi cục Thủy sản đã thực hiện mô hình nuôi chạch bùn thương phẩm để giúp nông dân phát triển kinh tế.

Chị Hoàng Thị Dung, Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ thủy sản (Chi cục Thủy sản Hải Dương) cho biết: Chạch bùn sống ở đáy bùn, thích nghi tốt với môi trường có điều kiện khó khăn. Trước đây, một số hộ của huyện Thanh Miện đã nuôi thử nghiệm chạch bùn nhưng mới dừng ở quy mô nhỏ, kỹ thuật nuôi còn hạn chế nên hiệu quả chưa cao. Sau khi tham gia các lớp tập huấn, các hộ dân đã nắm bắt được quy trình chăm sóc, cách phòng bệnh cho chạch bùn. Ngoài ra, Chi cục Thủy sản Hải Dương còn cung cấp 800.000 con giống cho 5 hộ tham gia mô hình.

Trước đây, ông Trương Văn Dồng ở thôn Đào Lâm, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) sử dụng gần 7.000 m2 ao để nuôi cá trắm, chép, trôi, mè. Tuy nhiên, giá các loại này thường xuyên bị biến động, chi phí chăn nuôi cao nên nhiều năm ông Dồng làm ăn thua lỗ. Năm 2018, gia đình ông đã cải tạo lại ao nuôi để thả trên 270.000 con giống chạch bùn do HTX Sản xuất và thương mại thủy sản Duy Tuyền cung cấp. Tuy nhiên, vì lần đầu nuôi chạch bùn trong ao nên gia đình ông gặp không ít khó khăn.

Ông Dồng cho biết để phòng ngừa bệnh cho chạch, gia đình ông thường xuyên bổ sung nước sạch vào ao tạo điều kiện cho chạch phát triển. Bên cạnh đó, ông còn sử dụng các chế phẩm sinh học Bio, diệt khuẩn bằng BKC, Iodine… và bổ sung các khoáng chất theo định kỳ từ 1-2 lần/tháng. Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nên tỷ lệ sống của chạch đạt từ 80-83%. Sau 4 tháng chăm sóc, chạch đạt trọng lượng từ 30-35g/con thì có thể xuất bán. Lứa chạch vừa qua, gia đình ông lãi được trên 100 triệu đồng.

Tháng 6.2018, gia đình ông Nguyễn Văn Nghị ở xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) cải tạo lại hơn 5.000 m2 ao để thả thử nghiệm trên 230.000 con chạch bùn giống. Sau 4 tháng chăm sóc, gia đình ông thu hoạch 5,2 tấn chạch bùn và được thương lái thu mua với giá 80.000-90.000 đồng/kg. Với lứa chạch bùn đầu tiên này gia đình ông thu lãi được gần 65 triệu đồng. So với nuôi cá truyền thống thì chạch bùn cho lãi gấp 2-3 lần. Cũng theo ông Nghị, nuôi chạch bùn có nhiều ưu điểm như tăng trọng nhanh, chu kỳ nuôi ngắn (3-4 tháng/vụ), sức đề kháng cao, ít bệnh tật, thị trường tiêu thụ thuận lợi. Bên cạnh đó, thức ăn của chạch lúc nhỏ chủ yếu là cám công nghiệp, khi chạch lớn có thể tận dụng những cây cỏ có sẵn hoặc các loại sinh vật phù du trong môi trường nước để nuôi.

Bà Phạm Thị Nhung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện cho biết: Hiện nay, huyện Thanh Miện có trên 1 ha nuôi thử nghiệm giống chạch bùn và bước đầu đem lại hiệu quả tích cực. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn, phổ biến kỹ thuật nuôi chạch bùn đến các hộ nông dân nhằm nhân rộng mô hình.

ĐỖ QUYẾT

(0) Bình luận
Nuôi chạch bùn - cách làm mới