Phối hợp giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp còn hình thức

23/12/2019 09:02

Hội Nông dân tỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội, chỉ đạo các cấp HND trong tỉnh thực hiện nhưng gặp nhiều khó khăn...


Hội Nông dân tỉnh phối hợp Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương giám sát vật tư nông nghiệp tại xã Lê Lợi (TP Chí Linh)

Nhiều năm gần đây, Hội Nông dân (HND) tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp (VTNN). HND tỉnh cũng xây dựng các chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội, chỉ đạo các cấp HND trong tỉnh thực hiện. Tuy nhiên việc giám sát hiện vẫn gặp nhiều khó khăn và còn mang tính hình thức.

Bảo vệ lợi ích cho nông dân

Hiện nay, tình trạng sản xuất, kinh doanh giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi có chất lượng kém, hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc... còn xuất hiện nhiều, làm tốn kém chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản, sức khỏe con người, gây ô nhiễm môi trường.

Ông Quách Đình Bình ở xã Thanh Xá (Thanh Hà) cho biết hầu hết người dân đều không phân biệt được đâu là hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng. Tất cả phụ thuộc vào tư vấn của người bán vật tư nông nghiệp. Ông Bình mua thuốc bảo vệ thực vật cho cây vải chủ yếu bằng kinh nghiệm qua quá trình sản xuất. Nếu năm nay dùng 1 loại thuốc hiệu quả thì sang năm sẽ dùng tiếp, nếu thuốc không hiệu quả sẽ không dùng nữa.

Do đó, công tác kiểm tra, giám sát vật tư nông nghiệp của các cơ quan chức năng, trong đó vai trò của HND các cấp rất quan trọng nhằm phát hiện, ngăn chặn, kiến nghị xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về kinh doanh VTNN; phát hiện những bất cập về chính sách, pháp luật về sản xuất, kinh doanh VTNN để kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tiễn; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân…

Xác định rõ vai trò này nên từ năm 2014, HND tỉnh đã xây dựng chương trình phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng VTNN giai đoạn 2014 - 2020.

Ngoài ra, các cấp HND trong tỉnh đã tổ chức 124 lớp tập huấn cho 12.700 lượt người về quy định của pháp luật trong kinh doanh VTNN, cách nhận biết sản phẩm an toàn, tác hại của chất cấm trong sản xuất nông nghiệp...

Riêng HND tỉnh đã tổ chức 4 lớp tập huấn về kỹ năng giám sát cho 580 cán bộ HND cấp tỉnh, cấp huyện và Chủ tịch HND cơ sở. HND tỉnh cũng chỉ đạo các cấp HND tuyên truyền rộng rãi đến hội viên nông dân số điện thoại đường dây nóng của Trung ương Hội (0437332765) để tiếp nhận các thông tin phản ánh của người dân.

Từ năm 2015 đến nay, HND tỉnh đã phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 3 đoàn giám sát việc chấp hành pháp luật đối với 12 hộ kinh doanh VTNN tại các huyện Gia Lộc, Thanh Hà và TP Chí Linh. Năm 2019, HND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức được 21 cuộc giám sát VTNN.

Thời gian qua, HND huyện Thanh Hà làm tốt công tác giám sát VTNN. Ông Bùi Văn Khiêm, Chủ tịch HND huyện Thanh Hà cho biết trên địa bàn huyện có khoảng 202 hộ kinh doanh VTNN. Từ 2017 đến nay, HND huyện đã tổ chức 3 cuộc giám sát đối với trên 10 hộ kinh doanh VTNN. Đến nay, 100% số xã, thị trấn tổ chức ký kết xây dựng kế hoạch giám sát VTNN. Qua các cuộc giám sát đã kịp thời nhắc nhở các hộ kinh doanh VTNN thực hiện đúng quy định về mẫu mã, nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Còn nhiều khó khăn

Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Chủ tịch HND tỉnh cho biết công tác giám sát và phản biện xã hội, trong đó có việc giám sát VTNN là nhiệm vụ khó, phức tạp. Cán bộ HND các cấp, nhất là cấp cơ sở chưa được đào tạo bài bản; năng lực phân tích, đánh giá, kết luận trong quá trình giám sát còn lúng túng nên chất lượng giám sát chưa cao. Hơn nữa cán bộ Hội lại không có phương tiện để kiểm định, đánh giá chất lượng VTNN. Có trường hợp chủ cơ sở kinh doanh không tạo điều kiện hợp tác để đoàn giám sát thực thi nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội không có chức năng xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh VTNN vi phạm. Các cuộc giám sát VTNN còn ít do kinh phí hạn hẹp.

Để việc giám sát VTNN đi vào thực chất và mang lại hiệu quả hơn, các cơ quan liên quan cần có những hành động cụ thể, phối hợp chặt chẽ, thực sự phát huy vai trò, trách nhiệm của mình.

Bà Tâm cho biết thêm, bên cạnh việc tăng cường số lượng các cuộc giám sát, HND sẽ tích cực kiến nghị giải quyết các vấn đề sau giám sát VTNN và theo dõi kết quả trả lời kiến nghị của các cơ quan phối hợp, thậm chí là kiến nghị đến các cấp cao hơn. Đồng thời tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ HND các cấp về giám sát VTNN; tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân về nhiệm vụ giám sát.

Cấp ủy, chính quyền các cấp cần thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với MTTQ và HND các cấp trong giám sát VTNN, quan tâm bố trí kinh phí cho hoạt động giám sát.

THẾ ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phối hợp giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp còn hình thức