Thanh Hà chủ động chống úng cho cây ăn quả

19/04/2021 17:56

Cây ăn quả nằm xen kẽ với diện tích lúa nên việc tiêu nước ở huyện Thanh Hà gặp nhiều khó khăn. Ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp để chống úng, bảo vệ các vùng cây ăn quả.


Do nằm xen kẽ với diện tích cấy lúa nên nhiều vùng trồng cây ăn quả ở huyện Thanh Hà dễ bị ngập khi có mưa lớn. Trong ảnh: Mưa lớn vào giữa tháng 10.2020 khiến nhiều diện tích vải của xã Thanh Bính bị ngập. Ảnh tư liệu

Dễ bị ngập

Xã Thanh Quang (Thanh Hà) được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 xã Thanh Bính, Trường Thành và Hợp Đức. Sau khi hợp nhất, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã lên hơn 700 ha, chủ yếu là đất trồng vải. Xã có gần 10 km đê bao quanh bởi các sông Gùa, Thái Bình, Văn Úc. Đây cũng là khu vực có nhiều vùng trũng, thấp nên dễ bị ngập khi có mưa lớn. Ông Nguyễn Văn Hiển, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hợp Đức - đơn vị có trách nhiệm tiêu úng cho toàn bộ xã Thanh Quang cho biết: "Hệ thống kênh mương chằng chịt, một số đoạn bị tắc do rong, bèo, nên khi có mưa lớn dễ bị ngập. Nếu không tiêu úng kịp thời, cây sẽ thối rễ làm ảnh hưởng đến sinh trưởng".

Mưa lớn kéo dài cũng khiến nhiều diện tích trồng cây ăn quả ở các vùng trũng của xã Thanh Hải bị ngập. Nguyên nhân do việc tiêu thoát nước không đồng bộ giữa các vùng trồng cây ăn quả và cấy lúa; trạm bơm Thanh Hải cũng đã xuống cấp nên việc tiêu úng chậm. Chỉ từ cuối năm 2020, khi trạm bơm Thanh Hải được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, máy móc được vận hành dễ dàng, việc tiêu úng cũng nhanh hơn trước, không còn diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do úng ngập.

Mùa mưa bão năm 2020, trên địa bàn huyện đã xuất hiện 2 đợt mưa lớn làm ngập 250 ha lúa ở các xã Hồng Lạc, Tân Việt, Tiền Tiến và 450 ha cây ăn quả ở các xã Phượng Hoàng, Thanh Sơn, Thanh Xá, Thanh Cường, Thanh Bính và Vĩnh Lập. Theo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) huyện Thanh Hà, huyện có nhiều diện tích trồng cây ăn quả nằm xen với lúa nên việc tiêu úng thiếu đồng bộ giữa các vùng. Do chuyển đổi cây trồng nên nhiều đoạn kênh bị lấn chiếm và thu hẹp gây cách tắc dòng chảy. Nhiều đoạn kênh mương bị úng tắc cục bộ do rong, bèo và các loại cây trồng bị người dân vứt xuống kênh mương.


Công nhân trạm bơm Thanh Hải kiểm tra máy móc, thiết bị để bảo đảm hoạt động tốt trong mùa mưa bão

Nhiệm vụ quan trọng

Thanh Hà là huyện nằm ở vùng triều được bao bọc bởi các các sông Thái Bình, Mía, Văn Úc, Rạng và sông Gùa. Đây cũng là vựa cây ăn quả lớn của tỉnh, cho giá trị kinh tế cao. Do vậy, công tác chống úng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp địa phương. Hằng năm, Xí nghiệp KTCTTL huyện Thanh Hà phải bảo đảm tưới tiêu cho hơn 10.400 ha lúa, cây chuyển đổi và cây ăn quả lâu năm của huyện. Khác với lúa, các loại cây ăn quả dễ bị úng khi gặp mưa lớn, do vậy việc tiêu úng phải kịp thời để không bị ảnh hưởng đến cây trồng.

Ngay sau mùa mưa bão năm 2020, Xí nghiệp KTCTTL huyện Thanh Hà kiểm tra, đánh giá mức độ hư hỏng công trình, thiết bị trạm bơm để có phương án đầu tư, cải tạo. Qua rà soát, toàn huyện có 7 hạng mục máy móc, thiết bị trạm bơm cần được sửa chữa ở các trạm Ba Nữ, Cấp Tứ, Hồng Lạc, Tân Việt với tổng giá trị hơn 700 triệu đồng. Việc sửa chữa sẽ hoàn thành trước ngày 15.5 tới. Một số cống dưới đê cũng được tu sửa để bảo đảm công tác chống úng. Ngoài ra, xí nghiệp cũng chỉ đạo công nhân các trạm bơm tập trung giải tỏa ách tắc dòng chảy, xử lý các trường hợp vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn huyện. Phối hợp với UBND các xã, thị trấn xây dựng phương án phòng chống lụt bão với phương châm "chủ động phòng chống úng và ứng cứu kịp thời" để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

Ông Vũ Văn Điển, Phó Giám đốc Xí nghiệp KTCTTL huyện Thanh Hà cho biết: "Trước mỗi đợt mưa lớn hoặc có bão, xí nghiệp đều phối hợp với Hạt Quản lý đê tranh thủ khi mực nước sông ngoài thấp gạn tháo nước. Trong trường hợp mực nước sông ngoài cao, xí nghiệp sẽ vận hành các trạm bơm, gạn tháo nước trong đồng".

Do luôn chủ động nên dù có nhiều diện tích cây ăn quả, cây chuyển đổi ở vùng triều trũng dễ bị ngập nhưng nhiều năm nay, huyện không có diện tích nào bị thiệt hại do ngập úng.

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh Hà chủ động chống úng cho cây ăn quả