Thanh Hà: Khắc phục vụ đông, trông mong vụ vải

29/12/2017 10:48

Cây vụ đông của một số xã ở khu Hà Nam của huyện Thanh Hà như Thanh Khê, Thanh Sơn đang “khát” nước tưới...


Nông dân Thanh Hà khắc phục nước tưới cho cây vụ đông bằng nhiều cách

Chở nước máy ra đồng tưới rau

Xã Thanh Khê xác định cây vụ đông không phải là thế mạnh của địa phương nhưng vẫn khuyến khích bà con gieo trồng. So với các nơi khác, trồng cây vụ đông ở Thanh Khê vất vả hơn rất nhiều vì bà con phải tự lo liệu khâu tưới, tiêu.   

Cánh đồng của thôn Xuân An lẻ tẻ vài ruộng trồng rau màu vụ đông nằm xen kẽ những ruộng trồng chuối, nhiều ruộng bỏ không. Những ruộng không trồng màu, đất phơi khô lâu ngày đã chuyển màu trắng ngà. Những ruộng trồng màu, nông dân tận dụng trồng khoai tây, su hào, xà lách trên cùng một luống. Vụ đông này, gia đình chị Cao Thị Lĩnh ở xóm 3, thôn Xuân An trồng gần 1 sào su hào, su lơ, cải bắp, cà chua. Su hào của gia đình chị Lĩnh dù đã trồng được gần 2 tháng nhưng vẫn chậm lớn. Chị Lĩnh than thở: “Kênh không có nước, tôi phải ra mãi ngoài bãi, cách ruộng gần nửa cây số mới gánh được nước về”.

Gia đình ông Bùi Duy Kích cùng thôn Xuân An trồng 7 thước rau, màu vụ đông gồm su hào, khoai tây và một số loại rau ăn lá. Đồng khan nước, ông loay hoay đủ kiểu tìm nước tưới. Bí quá, ông đành chở nước máy từ nhà ra ruộng để tưới cây. “Dù khó khăn nhưng chúng tôi vẫn tự tìm cách khắc phục. Đành rằng rau vụ đông không năng suất nhưng thà mất rau còn hơn mất vải”, ông Kích nói.

Bà Nguyễn Thị Thoan ở thôn Hoàng Lại, xã An Lương trồng hơn 1 sào vừa khoai lang vừa su hào, cải bắp. Nếu vụ lúa bà có thể tháo nước trực tiếp vào ruộng thì vụ đông phải gánh nước tưới từ kênh để tưới cho rau.

Giữ đồng khô vì cây vải

Vụ đông này, xã Thanh Sơn tiếp tục chỉ đạo không bơm nước vào đồng sâu. Bởi lẽ đất ẩm sẽ ảnh hưởng tới quá trình ra hoa, nảy lộc của cây vải.  Ông Đoàn Đình Goòng, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết: "Xã có khoảng 200 ha vải thiều. Diện tích trồng rau màu vụ đông chỉ khoảng vài ha, phân bố không tập trung. Dù biết nhiều bà con gặp khó khăn khi canh tác vụ đông nhưng xác định mục đích kinh tế chung thì xã buộc phải để đồng khô trong giai đoạn này".


Các hộ trồng vải giữ khô để khắc chế lộc đông

“Bắt đầu từ tháng 10 đến giữa tháng 1 (tới khi nước đổ ải) buộc phải giữ đồng khô tại các khu vực trồng nhiều vải", ông Ngô Xuân Thinh, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Thanh Hà nói.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, diện tích cây vụ đông của huyện là 850 ha, chủ yếu là hành, tỏi, khoai tây, cà rốt... tập trung ở các xã Quyết Thắng, Tiền Tiến, Hồng Lạc, Việt Hồng… Phòng đã chỉ đạo các hộ tập trung chăm sóc cây vụ đông, lưu ý phòng trừ bệnh hại cho cây. Các hộ trồng vải áp dụng các biện pháp kỹ thuật khắc chế lộc đông, kích thích cây vải ra hoa và bảo vệ hoa vải.

Trà vải sớm hiện sinh trưởng, phát triển tốt, bắt đầu phân hóa mầm hoa. Đối với trà vải muộn, nông dân chuẩn bị khoanh gốc lần tiếp theo, đồng thời giữ đất khô. Giai đoạn này là thời kỳ vải thiều hình thành đọt hoa. Nếu gặp thời tiết nắng ấm, rét muộn, mưa nhiều, độ ẩm cao thì cây vải sẽ phát triển lộc đông. Khi vải đã phát lộc đông thì hầu như cây sẽ không phân hóa mầm hoa nữa. Vì vậy, thời tiết khô và lạnh thuận lợi cho quá trình phân hóa mầm hoa, đồng thời hạn chế khả năng sinh trưởng của cây. Với những đợt rét của mùa đông năm nay, nông dân Thanh Hà kỳ vọng về một mùa vải thắng lợi.

HÀ NGA

(0) Bình luận
Thanh Hà: Khắc phục vụ đông, trông mong vụ vải