Trở lại nơi từng có ổ dịch cúm gia cầm

17/03/2020 09:47

Lo ngại trước diễn biến của dịch cúm gia cầm, người chăn nuôi ở các khu vực từng xảy ra dịch đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng bệnh cho đàn vật nuôi.


Thường xuyên vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại là biện pháp tốt nhất để phòng tránh dịch cúm gia cầm

Ở một số địa phương trong tỉnh từng xảy ra dịch cúm gia cầm (CGC), gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi. Vì vậy, trước thông tin dịch CGC bùng phát ở nhiều nơi trong nước, nhất là ở những tỉnh lân cận, người chăn nuôi tại các khu vực này luôn nâng cao cảnh giác, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi.

Rút kinh nghiệm

Cuối tháng 2.2014, một số con trong đàn gà 300 con của gia đình chị Hoàng Thị Tình ở thôn Nhân Lư, xã Cẩm Chế (Thanh Hà) bị rù, chết. Mặc dù cho gà uống đủ các loại thuốc chữa bệnh nhưng số gà chết ngày càng tăng. Nghi gà bị CGC nên chị đã báo lực lượng thú y xã. Chi cục Thú y tỉnh xuống lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với virus cúm A/H5N1. Lực lượng chức năng đã tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm nhiễm bệnh và tiêu độc khử trùng chuồng trại. Sau đó, chị Tình để trống chuồng trại gần 1 năm. Đầu năm 2015, chị mới bắt đầu nuôi tái đàn.

Chị Tình cho biết: "Trước đây, do tâm lý chủ quan, nghĩ thời gian nuôi ngắn nên tôi không tiêm phòng CGC cho đàn gà. Khi biết bệnh này không chỉ nguy hiểm cho gia cầm mà còn có thể lây sang người nên ngoài việc phòng các loại bệnh thông thường, tôi còn tiêm vaccine phòng CGC theo đúng hướng dẫn của ngành thú y. Hiện gia trại của gia đình tôi nuôi 2.000 con gà thịt và hơn 100 con ngan. Chăn nuôi phát triển ổn định, không có tình trạng gia cầm chết bất thường như trước".

Cũng như mọi năm, sau Tết là thời điểm gia đình chị Đào Thị Khuyên ở thôn Tằng Hạ, xã Gia Xuyên (TP Hải Dương) tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho đàn vịt đẻ 3.000 con. Thay vì phun phòng dịch định kỳ 3 ngày/lần, nay tăng lên 2 ngày/lần, bởi thời tiết ẩm ướt nên dịch bệnh dễ bùng phát, nhất là khu vực có ổ dịch cũ.

"Do vịt đẻ khai thác trong thời gian dài nên vaccine phòng CGC được tiêm nhắc lại 3 lần. Ngoài ra, chế độ ăn cũng được bổ sung chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi. Tôi còn giữ ấm chuồng nuôi bằng cách sử dụng đèn sưởi, dùng bạt che kín các cửa sổ trong những ngày mưa phùn nồm ẩm", chị Khuyên nói.

Theo bà Nguyễn Thị Thao, Trưởng Ban Thú y xã Gia Xuyên, toàn xã có hơn 100 hộ chăn nuôi với khoảng 8.000 con gia cầm. Vào tháng 2.2017, ở xã từng xảy ra ổ dịch CGC A/H5N7 trên đàn ngỗng của hộ ông Hồ Văn Út (thôn Tằng Hạ). Ngành thú y phối hợp với chính quyền địa phương tiêu hủy gần 100 con ngỗng bị nhiễm bệnh và khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi. Hiện nay, hộ này đã không còn chăn nuôi, khu vực từng xảy ra ổ dịch cũng cách xa khu dân cư. Dù vậy, xã vẫn tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch CGC, tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ cho đàn gia cầm. 



​Các hộ chăn nuôi thường xuyên bổ sung vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi

Không chủ quan

Theo ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thanh Hà, huyện hiện có hơn 700.000 con gia cầm. Dịch CGC từng xảy ra ở một số nơi trong huyện. Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện không xảy ra ổ dịch CGC nhưng nguy cơ vẫn rất cao. Để chủ động phòng chống dịch, trung tâm đã tiếp nhận và cấp phát gần 500 lít hóa chất khử trùng cho các xã, thị trấn; yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm Tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi.

Hướng dẫn hộ chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động tiêm vaccine phòng cúm cho đàn gia cầm. Khuyến cáo người chăn nuôi thường xuyên theo dõi, khi phát hiện gia cầm có biểu hiện mắc dịch cúm thì không được giấu bệnh mà báo sớm cho cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương để xử lý, khoanh vùng dập dịch nhằm hạn chế lây lan.

Theo Chi cục Thú y tỉnh, kết quả giám sát sự lưu hành virus CGC năm 2018 và 2019 cho thấy có 1,12% số mẫu dương tính virus CGC A/H5N1, 4,16% mẫu dương tính virus A/H5N6. Đặc biệt, các chủng cúm nguy hiểm A/H5 và A/H9 lưu hành rất cao với khoảng 25% số mẫu lấy tại các chợ và các địa phương. Hiện toàn tỉnh có khoảng 12,8 triệu con gia cầm, nếu dịch bệnh bùng phát sẽ gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết biện pháp tốt nhất để phòng chống dịch CGC là các địa phương phải triển khai các biện pháp tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi. Đồng thời tăng cường tuyên truyền để các hộ chăn nuôi thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.

Thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, thuận lợi cho các chủng virus CGC phát sinh. Cùng với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chuyên môn, các hộ chăn nuôi cần nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, người chăn nuôi không thả rông gia cầm, không mua bán gia cầm bị mắc bệnh, không giết mổ gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc, không giấu dịch, không vứt xác gia cầm bừa bãi. Người dân cần hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm chết và chất thải từ gia cầm, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Trở lại nơi từng có ổ dịch cúm gia cầm