Tỷ phú... chưa học hết lớp 7

17/05/2020 17:03

Không ngại khó, lại biết tính toán nên vợ chồng anh Trần Xuân Ái ở thôn Tiêu Lâm, xã Ngũ Hùng (Thanh Miện) đã cải tạo nhiều thửa ruộng hoang thành những khu đồng trù phú, trang trại hiện đại, thu về tiền tỷ mỗi năm.

Vợ chồng anh Ái theo sát từng giai đoạn phát triển của cây lúa

Vợ học hết lớp 7 nhưng chồng thì chưa. Ấy vậy mà họ khéo léo tính toán, bảo ban nhau làm ăn để rồi trở thành tỷ phú giữa vùng quê thuần nông khiến bao người nể phục. Đó là cặp vợ chồng anh Trần Xuân Ái (43 tuổi) và chị Phạm Thị Huyền (45 tuổi) ở thôn Tiêu Lâm, xã Ngũ Hùng (Thanh Miện).

"Địa chủ" thôn Tiêu Lâm

Chủ tịch UBND xã Ngũ Hùng Nguyễn Xuân Hoàng đưa chúng tôi đi thăm các trà lúa chiêm xuân của địa phương đang trong giai đoạn đòng già đến trỗ bông. Tới thôn Tiêu Sơn, chỉ tay về các khu đồng Sành, Mái Châm, Đồng Chăm, ông cất lời: "Khoảng 160 mẫu, tất cả là của nhà anh Ái đấy. Anh này chưa học hết lớp 7 nhưng chịu khó làm ăn, lại biết tính toán nên giờ giàu có lắm, mỗi năm thu về tiền tỷ. Ở đây bà con hay trêu đùa, gọi anh ấy là địa chủ".

Chúng tôi xuống khu đồng Sành, nơi vợ chồng anh Ái, chị Huyền đang kiểm tra tình hình sâu bệnh trên lúa. Dưới cái nắng rát bỏng của mùa hè, vợ chồng anh vẫn cần mẫn lội ruộng, bới từng khóm lúa kiểm tra rễ, đòng và sâu bệnh trên thân, lá. Mồ hôi chảy nhễ nhại trên gương mặt đen sạm, thấm đẫm cả vai áo. 

Giải thích vì sao lại đang có trong tay 160 mẫu đất cấy lúa, anh Ái nói: "Mấy năm nay, dân quê mình xin vào làm công nhân trong các doanh nghiệp. Ruộng bị bỏ hoang không cấy ngày càng nhiều. Tiếc rẻ nên vợ chồng tôi mượn và thuê lại để quy vùng sản xuất tập trung".

Năm 2013, vợ chồng anh mượn 20 mẫu ruộng của bà con trong thôn, phần lớn là ruộng trũng, chất đất xấu, giao thông không thuận lợi, khó canh tác. Mỗi vụ, anh Ái trả cho mỗi hộ 20 kg thóc/sào. Trên diện tích này, anh cải tạo đất, cấy lúa Q5. Vụ đầu, sau khi trừ chi phí thu lãi hơn 10 triệu đồng. "Nhiều người bảo vợ chồng tôi hâm, dở. Người ta không ăn được mới bỏ mà còn cứ lao đầu vào. Nhưng khi làm mới nhận ra rằng đất dù xấu vẫn có thể sinh lời nếu mình chịu khó. Vụ đầu tuy lãi không nhiều nhưng đã tạo động lực, niềm tin để vợ chồng tôi tiếp tục mượn lại ruộng hoang của bà con", chị Huyền bộc bạch.

Chỉ 1 năm sau, anh chị đã mượn 160 mẫu của hàng trăm hộ ở 2 thôn Tiêu Lâm, La Ngoại. Mới đầu ruộng mượn nằm rải rác, sau đã chuyển đổi được về thành từng khu lớn hơn. Ruộng ngập cỏ, có chỗ cao bằng đầu người, thi thoảng lại có thùng vũng đan xen nên anh Ái phải mua 2 máy cày, thuê 30 lao động san gạt, đào đắp bờ lô, bờ thửa, khơi lại kênh dẫn nước, dùng phân ủ mục rắc cho đất thêm màu mỡ, dễ canh tác. Phải mất khoảng 2 năm, việc quy hoạch, cải tạo lại ruộng đồng mới hoàn thành. Những thửa ruộng chiêm trũng, bị bỏ hoang hóa qua bàn tay của vợ chồng anh Ái đã trở thành những cánh đồng mẫu lớn, gieo cấy lúa cho năng suất, hiệu quả cao. Nhiều giống lúa chất lượng được vợ chồng anh đưa vào gieo cấy đại trà như Syn6, Bắc thơm, nếp... Anh còn mua thêm 2 máy gặt đập liên hợp vừa phục vụ gia đình, vừa gặt thuê cho bà con. 

Chị Huyền nhẩm tính mỗi năm chi phí mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công cày bừa, thuê người làm... cũng phải mất 600-700 triệu đồng. Ban ngày anh chị Ái phải vất vả pha trộn, trải mồi bả diệt chuột khắp cánh đồng, đêm đến lại soi đèn diệt chuột. Cực nhất là phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa, có khi phải mất cả tuần mới xong. Vất vả là vậy nhưng vợ chồng anh Ái rất đồng lòng, bảo nhau làm ăn, tích lũy kinh nghiệm sản xuất qua từng vụ. Gần như ngày nào anh chị cũng nghe đài, xem các video hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo từng giai đoạn phát triển của cây lúa trên YouTube... "Mấy vụ nay đã có kinh nghiệm nên việc chăm sóc lúa cũng nhàn rồi. Ngay từ đầu vụ nhà tôi đã chọn giống rất kỹ và làm các bước phun trừ theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn", chị Huyền nói.

Người không phụ đất, đất cũng không phụ công người. Sự mạnh dạn, chịu khó của vợ chồng anh Ái rồi cũng được đền đáp. Mấy năm gần đây, mỗi năm gia đình anh thu hơn 600 tấn thóc/2 vụ lúa, sau khi trừ chi phí cũng lãi 500 - 600 triệu đồng.

Ngoài cấy lúa, vợ chồng anh Ái còn mượn ruộng trồng 30-40 mẫu bắp cải, su lơ, su hào, có năm được giá thu lãi cả trăm triệu đồng. Anh Ái bảo, cây lúa rất ít mất mùa nhưng rau có năm khiến gia đình bị thiệt hại không nhỏ. Vừa rồi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh cấm xe ngoại tỉnh nên rau màu đến kỳ thu hoạch không bán được, anh Ái bị thiệt hại 600 triệu đồng.

Ngoài cấy lúa, làm trang trại, vợ chồng anh Ái còn mở thêm nghề làm cống, mỗi năm cũng mang về nguồn thu nhập không nhỏ

Chủ của 3 trang trại

Ông Hoàng bảo nhờ sự mạnh dạn của vợ chồng anh Ái mà địa phương phần nào bớt đau đầu trong giải bài toán xóa ruộng hoang. Gần đây, thấy vợ chồng anh Ái làm ăn hiệu quả nên có 4 hộ khác trong xã cũng mượn lại ruộng bỏ hoang để gieo cấy lúa tập trung, mỗi hộ cũng khoảng chục mẫu. Ông Hoàng khẳng khái: "Ở khu vực quanh đây, nông dân điển hình như vợ chồng anh Ái hiếm lắm, mà có lẽ cũng không còn ai. Không chỉ cấy lúa, gia đình anh chị còn có 3 trang trại nữa".

Tôi giật mình. Cấy cả trăm mẫu lúa, trồng cả chục mẫu rau màu/năm, thế mà vợ chồng anh này vẫn còn sức để làm trang trại? Tôi ngỏ ý về thăm trang trại của gia đình nhưng anh Ái khiêm tốn: "Nhà tôi có tí đất vùng nuôi cá và đàn vịt nhỏ lấy trứng thôi". 

"Ít đất vùng" mà anh Ái giới thiệu là một trang trại rộng gần 30.000 m2 thuộc thôn Tiêu Lâm, nằm ngay cạnh đường tỉnh 396, nghe nói anh đấu thầu từ năm 2006. Trên diện tích này, vợ chồng anh Ái đào 2 mẫu ao thả cá truyền thống, trên bờ trồng cây ăn quả, xây 2 dãy chuồng nuôi gà, vịt và kho để máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chỉ tính riêng nuôi cá, một năm gia đình anh thu được 5-6 tấn, lãi hơn 100 triệu đồng. Ngay cạnh khu chăn nuôi, vợ chồng anh còn để một khu đất khá rộng làm cống dẫn nước. Anh Ái kể: "Năm 2014, phong trào dồn điền đổi thửa trong huyện diễn ra mạnh mẽ, vợ chồng tôi bàn nhau làm cống bán lại cho các địa phương kiếm lời. Tôi phải thuê thêm thợ chứ nhiều việc làm không xuể".

Chỉ tay về khu đồng Bờ Sông ở thôn La Ngoại, chị Huyền khoe bên đó gia đình mình còn có 2 trang trại, mỗi nơi rộng 2-3 mẫu nuôi vịt lấy trứng. Mỗi tháng, anh chị bán khoảng 45.000 quả với mức giá từ 20.000 - 25.000 đồng/chục. Vợ chồng anh chị Ái đi lên từ tay trắng. Thành quả có được như hôm nay là cả quá trình lao động vất vả nhiều năm mới có. 

Anh Ái, chị Huyền nên duyên năm 1997 khi 2 người quen nhau trong một lần đi buôn thóc (hàng xáo). Sau khi lấy nhau, anh chị tiếp tục duy trì nghề này kết hợp mở dịch vụ hút bùn, nạo vét ao, kênh mương. Số tiền dành dụm được, vợ chồng anh đấu thầu trang trại, làm ăn theo kiểu lấy ngắn nuôi dài. Mãi tới năm 2014, khi mượn ruộng cấy lúa, anh chị mới bỏ 2 nghề trên. Chị Huyền chia sẻ: "Cái quan trọng quyết định thành công là vợ chồng lúc nào cũng phải cùng chung chí hướng. Việc khó, việc khổ cứ bình tĩnh bàn bạc, tính toán, quyết tâm làm rồi cũng xong. Anh nhà tôi tuy chưa học hết lớp 7 nhưng giỏi tính toán, chưa nhầm lẫn đồng nào bao giờ".

Hơn 23 năm bên nhau, vợ chồng anh Ái đã có trong tay tiền tỷ, gia đình hạnh phúc. Có điều kiện, anh chị cho con trai cả đi học nghề, giờ đang mở 1 cửa hàng bán phụ tùng xe máy tại địa phương. Con gái thứ2 đang là sinh viên năm nhất Trường Đại học Y dược Hải Phòng. Năm nào gia đình anh Ái cũng đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, gia đình văn hóa. Vợ chồng anh tích cực giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho bà con, nhiệt tình ủng hộ các phong trào tại địa phương.

Chia tay anh, tôi hỏi: "Giờ anh chị có đủ sức nhận thêm ruộng bỏ hoang nữa không?". Anh Ái nhanh nhảu: "Ai cho mượn, tôi nhận hết. Giờ có kinh nghiệm rồi, máy móc cũng hỗ trợ nhiều. Tôi đang hoàn thiện thủ tục để sắp tới xây dựng xưởng sấy thóc vừa để phục vụ gia đình, vừa kết hợp thu mua thóc tươi của bà con về sấy bán kiếm lời".   

TIẾN MẠNH - ĐỖ QUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tỷ phú... chưa học hết lớp 7