Vất vả giữ quả vải thiều

05/06/2020 07:01

Thời điểm này khi vải thiều bắt đầu cho thu hoạch thì nhiều cây vẫn nhú lộc, trên cùng một cây có cả quả chín, ương và xanh khiến nông dân chăm sóc vất vả.


Bà Nguyễn Thị Lụa ở thôn Lại Xá 2, xã Thanh Thủy vẫn phải ngắt lộc để cây vải tập trung chất dinh dưỡng cho quả

Thời tiết bất thường khiến cho người trồng vải thiều Thanh Hà gặp nhiều khó khăn trong khâu chăm sóc, giữ quả.

Một cây ra nhiều lần quả

Vườn nhà bà Nguyễn Thị Lụa ở thôn Lại Xá 2, xã Thanh Thủy trồng 8 sào vải thiều chính vụ. Thời điểm này có nhiều cây đang chuẩn bị cho thu hoạch, một số cây mới bắt đầu vào mã, còn nhiều cây quả vẫn xanh bằng đầu ngón tay, thậm chí trên một cây có 3 loại quả xanh, ương, chín. Bà Lụa cho biết: “Chưa năm nào làm vải vất vả như năm nay. Vải đậu quả không nhiều nhưng lại có nhiều lứa quả sớm, quả muộn khác nhau nên chăm sóc không đều được”.

Những năm trước vải thường ra hoa, đậu quả đều nên người dân chăm bón, phun thuốc thuận tiện. Nhưng năm nay ngay sau lứa hoa đầu tiên, tưởng như vải không ra hoa nữa nhưng gần 1 tháng sau cây tiếp tục ra hoa, nhú lộc. Để bảo đảm chất lượng quả vải, người dân thường xuyên phải tỉa lộc để cây tập trung chất dinh dưỡng cho quả. Ngay thời điểm này khi vải thiều bắt đầu cho thu hoạch nhiều cây vẫn nhú lộc. Nếu không bẻ lộc thì quả vải sẽ nhỏ, bị rụng và chất lượng kém. Trên một cây, người dân chăm sóc quả vải khác nhau về thời gian cũng như liều lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Đối với vải chuẩn bị thu hoạch đã ngừng phun thuốc bảo vệ thực vật cách đây khoảng 10 ngày nhưng vải xanh thì vẫn cần chăm bón, phun thuốc đến khoảng cuối tháng 6 sẽ cho thu hoạch. “Có hôm phun thuốc từ 16 - 21 giờ vì diện tích rất tủn mủn. Tôi phải tìm chỗ nào có quả xanh để phun chứ không phun vào quả chín nên rất mất thời gian”, bà Lụa nói.

Chị Quách Thị Phượng ở thôn 3, xã Thanh Xá cũng than thở vì năm nay làm vải rất khó. Nếu vẫn dùng kỹ thuật xử lý lộc đông như mọi năm sẽ không hiệu quả mà phải theo dõi thời tiết từng ngày để có biện pháp khắc phục riêng. Năm nay, người dân mất công sức chăm sóc cây vải gấp đôi năm ngoái. Thời điểm này nếu nắng nóng gay gắt kéo dài sẽ làm cho quả vải bị rám nắng, cháy quả. Vì vậy, nông dân thường xuyên phải bơm nước tưới dưỡng cho cây và quả.

Các cơ quan chuyên môn đánh giá hiện tượng trên chủ yếu do thời tiết thất thường. Ban đầu thời tiết nóng, cây vải không ra nhiều hoa, sau đó trời chuyển lạnh và có nhiều trận mưa trái mùa nên cây tiếp tục ra hoa, đậu quả. May mắn do nông dân huyện Thanh Hà có nhiều kinh nghiệm chăm sóc vải nên chất lượng quả vải năm nay vẫn bảo đảm.


Vải thiều Thanh Hà được sơ chế, bảo quản trước khi xuất khẩu sang Singapore

Rộng đường tiêu thụ

Năm nay, tuy làm vải vất vả nhưng khâu tiêu thụ thuận lợi. Giá vải từ đầu vụ đến nay luôn ở mức cao từ 38.000-40.000 đồng/kg. Gần 20.000 tấn vải sớm đã được tiêu thụ thuận lợi ở thị trường các nước như Trung Quốc, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan…

Huyện Thanh Hà đã thu hút hàng chục doanh nghiệp lớn về thu mua vải như Công ty CP Ameii Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Rồng Đỏ, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, các siêu thị BigC, Intimex Hải Dương… Riêng Công ty CP Ameii Việt Nam đã thu mua hơn 20 tấn vải xuất khẩu sang thị trường Singapore. Doanh nghiệp này dự kiến sẽ tiêu thụ thêm 50 tấn vải sớm và đã ký kết thu mua 90 tấn vải thiều ở xã Thanh Thủy. Các doanh nghiệp này thu mua vải với giá cao hơn thị trường 10%.

Ông Phạm Văn Khanh, quyền Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy cho biết từ đầu mùa đến nay, xã đã đón nhiều đoàn đến thăm vùng vải và ký thu mua trực tiếp với từng tổ sản xuất. Đến thời điểm này, hầu hết lượng vải đều đã có người mua.

Theo UBND huyện Thanh Hà, năm nay sản lượng vải thiều chính vụ ước đạt khoảng 15.000 tấn. Bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Hà cho biết tuy khâu chăm sóc gặp nhiều khó khăn nhưng đến thời điểm này, người dân vẫn bảo đảm có vải thiều chất lượng đưa ra thị trường. Khoảng 1 tuần nữa vải thiều chính vụ sẽ cho thu hoạch rộ.

Cùng với các địa phương, huyện đã có nhiều biện pháp quảng bá, xúc tiến, tiêu thụ vải thiều như tổ chức Tuần lễ vải thiều, kết nối các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền, gửi thư mời các doanh nghiệp đến thăm vùng vải chất lượng… Đặc biệt, huyện đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến thu mua. Các doanh nghiệp không chỉ mua vải tươi mà còn mua vải về chế biến lấy cùi làm hàng đông lạnh xuất khẩu. Vì thế, vải tiêu thụ nhanh, giá cao. Dự kiến trung tuần tháng 6 sẽ có lô vải thiều Thanh Hà đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản. Ngoài ra, các thị trường châu Âu, Mỹ, Úc cũng sôi động từ đầu vụ chứ không khó khăn như trước.


Xem clip

Xem clip

MINH NGUYỆT

(0) Bình luận
Vất vả giữ quả vải thiều