Vì sao Bình Giang khó nhân rộng mô hình nhà màng, nhà lưới?

26/07/2021 15:37

Tại nhiều địa phương trong tỉnh, số lượng, diện tích các mô hình nhà màng, nhà lưới không ngừng tăng lên nhưng tại Bình Giang, việc nhân rộng các mô hình này lại chưa thực hiện được.

Mô hình trồng hoa lan trong nhà màng của anh Trần Sách Sỹ ở thôn Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hưng (Bình Giang)

Bí vốn

Yêu thích hoa lan từ lâu, ấp ủ dự định một vườn hoa lan cho riêng mình nhưng mãi đến năm 2020, anh Trần Sách Sỹ ở thôn Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hưng mới đầu tư mô hình nhà màng trồng hoa lan. Nhà màng rộng 200 m2, chỉ riêng chi phí làm giàn, hệ thống tưới, quạt, phòng vượt đông cho lan… đã khoảng 1 tỷ đồng, chưa kể tiền giống.

Anh Sỹ chia sẻ ban đầu gia đình phản đối quyết định này nhưng vì niềm đam mê và sự quyết tâm của mình nên gia đình cũng ủng hộ. Để có thêm kiến thức và kinh nghiệm chăm sóc hoa, anh Sỹ đã lặn lội đến nhiều nhà vườn để học hỏi. Đi nhiều, anh lại có thêm các mối quan hệ trong giới chơi lan nên không lo về nguồn giống, đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà anh phải đối mặt là nguồn vốn đầu tư. “Chi phí đầu tư lớn nên phải cần có thời gian để hoàn vốn”, anh Sỹ nói.

Thiếu vốn cũng là trở ngại của những người thực hiện các mô hình nhà màng, nhà lưới như anh Sỹ.               

Năm 2014, gia đình ông Vũ Như Hiền ở thôn Phú Khê, xã Thái Học chi gần 100 triệu đồng lắp đặt hệ thống giàn sắt, lưới để trồng hoa cúc, hoa ly. Năm 2017, ông Hiền đầu tư tiếp hơn 50 triệu mở rộng mô hình nhà lưới. Tổng diện tích nhà lưới của gia đình ông Hiền hơn 1.200 m2.

Mặc dù bỏ ra nguồn vốn không nhỏ nhưng việc trồng hoa ly, hoa cúc không phát huy hiệu quả. Ông Hiền cho biết vào mùa nóng, nhiệt độ trong nhà lưới còn cao hơn nhiệt độ bên ngoài. Trong khi đó các giống cúc hiện nay đều ưa khí hậu mát mẻ nên vào mùa hè nhà lưới thường bỏ không.

Gia đình ông bắt đầu trồng hoa từ tháng 8 đến tháng 4, thời gian còn lại trong năm hầu như bỏ không. Lưới để lâu bị mục, ông Hiền cũng không đầu tư sửa chữa. Khi nào trồng hoa, ông Hiền mới chăng lưới, cũng không bỏ kinh phí đầu tư chăng lưới trên mái vòm và xung quanh như trước.               

 Ông Hiền cho biết đầu tư vào nhà lưới cũng phải tính toán đến đầu ra. Giá hoa phụ thuộc vào thị trường, chứ không phải năm nào cũng thuận lợi. 

Sẽ có chính sách hỗ trợ

Từ năm 2017 đến nay, Bình Giang có 2 mô hình nhà màng, nhà lưới với diện tích lớn ở các xã Vĩnh Hưng, Thái Học và một số mô hình nhỏ lẻ ở xã Long Xuyên, Nhân Quyền. Tổng diện tích nhà màng, nhà lưới khoảng 12.000 m2, chủ yếu trồng các loại hoa, cây cảnh. Những mô hình này đều do nông dân đầu tư, chưa nhận được chính sách hỗ trợ nào.

Theo ông Vũ Văn Luyện, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Giang, khó khăn về nguồn vốn đầu tư, phương thức canh tác phù hợp là những trở ngại trong việc nhân rộng, phát triển mô hình nhà màng, nhà lưới ở huyện Bình Giang. Để đầu tư 1 mô hình nhà màng, nhà lưới cần nguồn vốn lớn trong khi thời gian thu hồi không nhanh.

Ngoài ra, một số hộ dân chưa có chế độ canh tác phù hợp để tận dụng triệt để những ưu điểm của mô hình này. Nhà màng chủ yếu để sản xuất các loại cây bằng công nghệ cao, có giá trị kinh tế cao như hoa lan, dưa lưới, dưa lê… và phải luân canh. Như vậy 1 năm, nông dân phải trồng từ 2-3 vụ mới thu lãi. Nếu không tìm được cây trồng có giá trị kinh tế cao và đầu ra ổn định thì việc đầu tư vào mô hình có thể gặp rủi ro.

Còn một số lý do khác như nông dân ngại thay đổi tập quán canh tác, việc tích tụ ruộng đất để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn khó khăn…

Ông Vũ Văn Luyện cho biết thêm thời gian tới, để phát huy hiệu quả từ các mô hình nhà màng, nhà lưới, ngoài hỗ trợ về kỹ thuật, Bình Giang sẽ có những cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, khuyến khích người dân đầu tư mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

HN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao Bình Giang khó nhân rộng mô hình nhà màng, nhà lưới?