[Video] Nỗi lo trạm bơm xuống cấp

01/09/2020 10:02

Do thiếu kinh phí đầu tư nên nhiều trạm bơm tiêu úng vẫn trong tình trạng xuống cấp, khó bảo đảm năng lực phòng chống thiên tai.


Công nhân trạm bơm Vạn Thắng (Chí Linh) phải sử dụng bùn đất để bít vào các chỗ bị hở của máy bơm thì mới hoạt động được

Giảm hiệu quả tưới tiêu

Trạm bơm Bá Nữ ở xã An Phượng (Thanh Hà) có 20 tổ máy với tổng công suất thiết kế 50.000 m3/giờ. Ngoài cung cấp nước tưới cho 77 ha đất nông nghiệp ở xã An Phượng, trạm còn tiêu úng cho hơn 2.300 ha của các xã An Phượng, Thanh Khê, Thanh Sơn và một phần xã Tân An. Mặc dù là trạm bơm tiêu úng lớn nhất huyện nhưng trạm bơm này đã xuống cấp. Sau 35 năm hoạt động, hệ thống máy móc, thiết bị đều lạc hậu. Đường dây điện chạy trong nhà trạm đều là dây điện trần, tủ điện cũ nát; mỗi khi trời mưa, nước dột vào trong nhà trạm.

Anh Lê Văn Nghị, Trạm trưởng trạm bơm Bá Nữ khẳng định: "Nếu mưa lớn kéo dài nhiều giờ cộng thêm mực nước sông dâng cao thì trạm không thể bảo đảm tiêu úng. Nhà ở của công nhân cũng bị xuống cấp, nhiều chỗ trần nhà bị nứt, vôi vữa rơi từng mảng lớn".

Ngoài trạm Bá Nữ, huyện Thanh Hà còn có trạm bơm Cấp Tứ ở xã Thanh Xuân cũng đã xuống cấp. Trạm có 11 tổ máy, tổng công suất 44.000 m3/giờ, tiêu úng cho 2.300 ha đất sản xuất của huyện. Do nằm vị trí thấp nên mỗi khi mưa lớn, nước ở ngoài bể hút tràn vào khiến nhiều máy móc, thiết bị ngập trong nước. Công nhân phải gạn nước trong lúc máy đang hoạt động, không bảo đảm an toàn.

Một công trình lớn khác cũng đang xuống cấp nghiêm trọng là trạm bơm Vạn Thắng ở phường Tân Dân (TP Chí Linh). Trạm được đưa vào sử dụng từ năm1974, là một trong những trạm bơm lâu đời nhất của tỉnh. Đây cũng là trạm tiêu úng lớn của thành phố. Do được xây dựng từ lâu nên nền nhà máy bị sụt lún, máy bơm rò rỉ. Công nhân phải dùng bùn đất để bịt các vị trí bị hở tại thân máy, ống máy thì mới có thể hoạt động, thời gian khởi động mỗi máy bơm kéo dài từ 15 - 20 phút. Trạm có 14 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất thiết kế 4.000 m3/giờ nhưng do thời gian sử dụng đã lâu nên công suất chỉ còn hơn 2.000 m3/giờ. Công suất giảm, thời gian tiêu úng kéo dài gấp 1,5 lần so với bình thường, kéo theo chi phí phát sinh, ảnh hưởng đến cây trồng của người dân.

Tủ điện ở trạm bơm Bá Nữ đều đã xuống cấp, không bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành

Cần quan tâm đầu tư

Dù bị xuống cấp nghiêm trọng, nhưng trạm bơm Vạn Thắng vẫn phải tiêu úng cho hơn 2.200 ha đất sản xuất của 5 phường Chí Minh, Thái Học, Tân Dân, An Lạc và Đồng Lạc (TP Chí Linh). Để hoàn thành nhiệm vụ này, hằng năm Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi (KTCTTL) tỉnh đều sửa chữa, nâng cấp một số máy móc, thiết bị đã cũ, hỏng. Trước mùa mưa bão năm nay, trạm đã được đại tu tổ máy số 1 và số 9; thay một số thiết bị khác với tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng. Để bảo vệ sản xuất, công nhân trong trạm luôn theo dõi sát diễn biến của thời tiết để chủ động bơm tiêu úng. "Mặc dù máy móc đã cũ, xuống cấp nhưng do chủ động từ trước nên vẫn tiêu úng kịp thời. Tuy nhiên, về lâu dài khó bảo đảm an toàn trong sản xuất", ông Nguyễn Quốc Gia, Giám đốc Xí nghiệp KTCTTL Chí Linh cho biết.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn một số trạm bơm đã xuống cấp. Để hoạt động ổn định, trước mỗi mùa mưa bão, Công ty TNHH một thành viên KTCTTL tỉnh đều sửa chữa, nâng cấp và thay một số máy móc, thiết bị đã cũ hỏng. Đến nay, phần lớn các công trình cơ bản bảo đảm các phương án phòng chống ngập úng. Do nhu cầu đầu tư lớn, trong lúc nguồn kinh phí hạn hẹp nên không thể thực hiện đồng bộ cho cả hệ thống. Công ty đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị với các cấp, các ngành cho xây, nâng cấp một số trạm đã quá cũ nát nhưng do chưa có kinh phí nên các trạm vẫn phải hoạt động trong tình trạng không bảo đảm an toàn.

Hằng năm, chi phí khắc phục các trạm bơm trong tỉnh và lượng điện tiêu hao do máy móc xuống cấp lên đến hàng chục tỷ đồng. Do đó, tỉnh nên quy hoạch lại hệ thống trạm bơm; có kế hoạch đầu tư đồng bộ, lâu dài, tránh đầu tư dàn trải, vừa tiết kiệm kinh phí, vừa mang lại hiệu quả trong phục vụ sản xuất nông nghiệp và ứng phó thiên tai.

Toàn tỉnh hiện có 1.245 trạm bơm, điểm bơm với 2.357 máy bơm các loại, tổng công suất lắp đặt 3.696.017 m3/giờ. Trong đó, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh quản lý 276 trạm bơm với 1.140 máy bơm các loại (46 trạm bơm chuyên tiêu với 370 máy bơm, công suất 1.487.500 m3/giờ; 110 trạm bơm chuyên tưới với 262 máy bơm, công suất 302.490 m3/giờ; 120 trạm bơm tưới tiêu kết hợp với 508 máy bơm, công suất 1.206.400 m3/giờ). Số còn lại do các HTX dịch vụ nông nghiệp địa phương quản lý.

Xem clip

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
[Video] Nỗi lo trạm bơm xuống cấp