Xã Thăng Long bảo vệ đàn chim cút

03/03/2020 15:29

Để chủ động bảo vệ đàn chim cút, xã Thăng Long tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, tích cực áp dụng các biện pháp sinh học.


Các hộ chăn nuôi thường xuyên phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại để tiêu diệt mầm bệnh

Xã Thăng Long (thị xã Kinh Môn) có tổng đàn chim cút lớn nhất tỉnh. Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm (CGC), chính quyền địa phương và người chăn nuôi đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ. 

Chủ động phòng chống dịch

Gia đình ông Phạm Hữu Trọng ở thôn Hà Tràng là một trong những hộ nuôi chim cút đầu tiên của xã. 3 dãy chuồng trại rộng hơn 600 m2 được xây dựng khép kín để nuôi hơn 5vạn con chim cút. Trước đây, trang trại nuôi gà, vịt. Sau đợt dịch cúm A/H5N1, hầu hết đàn gia cầm của trang trại bị tiêu hủy nên ông chuyển sang nuôi chim cút.

Do từng bị thiệt hại bởi dịch CGC nên ông Trọng hiểu việc phòng dịch có vai trò quan trọng trong chăn nuôi. "Khu vực này đã từng xảy ra dịch bệnh nên rất có thể trong môi trường vẫn tồn tại virus CGC, vì thế tôi luôn chủ động bảo vệ đàn chim cút. Gia đình tôi dọn vệ sinh chuồng trại 2 lần/tuần, rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng thường xuyên xung quanh chuồng trại, các máy ấp trứng", ông Trọng nói.

Trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Hạ ở cùng thôn nuôi hơn 1 vạn con chim cút, chuyên cung cấp chim bố mẹ hậu bị cho các trại khác. Với kinh nghiệm 5 năm nuôi loại này, anh Hạ cho biết chim cút có nguồn gốc hoang dã nên có sức đề kháng tốt và ít bệnh tật hơn các loại gia cầm khác. Nhưng dịch CGC vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Để bảo vệ an toàn cho đàn chim, anh Hạ thường xuyên theo dõi thông tin về diễn biến của dịch bệnh.

Do không có vaccine phòng cúm dành riêng cho đàn chim cút nên để phòng bệnh, anh thường xuyên rắc vôi bột, phun khử trùng và dọn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Đặc biệt, chim mới nở đến trước khi cho vào lồng được nuôi úm với nhiệt độ thích hợp từng giai đoạn phát triển. Anh còn bổ sung chất dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho đàn chim. Sau khi xuất bán, chuồng trại được bỏ trống khoảng 2 tuần để dọn vệ sinh và khử trùng toàn bộ. 

Nuôi chim cút cần đầu tư lớn. Nuôi 1 vạn con chim thì chi phí khoảng 350 triệu đồng. Giá trứng ổn định, không thất thường như các loại trứng gia cầm khác. Nếu nuôi 1 vạn con, người nuôi có thể lãi từ 600.000 - 700.000 đồng/ngày. Do mang lại nguồn thu nhập cao nên các hộ chăn nuôi đều luôn chủ động phòng chống dịch bệnh.

Không chủ quan

Năm 2004, nghề nuôi chim cút bắt đầu xuất hiện ở xã Thăng Long. Từ một vài hộ nuôi nhỏ lẻ, số lượng đàn chim nhanh chóng tăng lên. Đến nay, toàn xã có 150 hộ nuôi với hơn 1 triệu con chim, tập trung chủ yếu ở thôn Hà Tràng.

Theo anh Đào Văn Hưng, Trưởng Ban Thú y xã Thăng Long, hiện nay, thời tiết thất thường nên dịch CGC dễ bùng phát và lây lan. Đặc biệt, thị xã Kinh Môn tiếp giáp với Hải Phòng và Quảng Ninh, những nơi đang có dịch CGC nên nguy cơ lây nhiễm rất cao.

"Để chủ động bảo vệ đàn chim cút, xã đã và đang tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột và hóa chất, tích cực áp dụng các biện pháp sinh học", anh Hưng nói.

Khoảng chục năm trước, Hải Dương từng xuất hiện ổ dịch CGC trên đàn chim cút. Mặc dù nhiều năm nay không có thêm ổ dịch mới nhưng chim cút là động vật dễ nhiễm cúm A/H5N1. Do đó, tỉnh cần khuyến cáo người chăn nuôi phòng bệnh hiệu quả cho đàn chim cút bằng cách áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học, thường xuyên sát trùng chuồng trại...

Người nuôi phải thường xuyên kiểm tra đàn, nếu phát hiện chim chết bất thường cần báo cáo ngay cho cơ quan thú y để lấy mẫu xác định bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời. Ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm việc vận chuyển, buôn bán chim cút và trứng chim cút không có giấy chứng nhận kiểm dịch.

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xã Thăng Long bảo vệ đàn chim cút