Hiểm họa từ sàn thương mại điện tử trá hình

20/10/2020 18:03

Các loại hình sàn thương mại điện tử chưa được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động tiềm ẩn những hiểm họa khó lường với người đầu tư.


Owifi được giới thiệu là cỗ máy khai thác tiền tự động cho các nhà đầu tư

Thời gian gần đây, hình thức kinh doanh trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh mẽ và thu hút đông đảo người dân tham gia. Nhiều người còn đầu tư vào những sàn TMĐT chưa được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động. Các loại hình sàn TMĐT này tiềm ẩn những hiểm họa khó lường với người đầu tư.

Mồi thơm câu nhử

Sàn TMĐT hoạt động trái phép với bản chất là một hình thức huy động vốn đa cấp. Các đối tượng lợi dụng công nghệ cao lôi kéo người tham gia dùng tiền thật mua tiền ảo do chúng phát hành và đặt ra quy chế giao dịch. 

Một trong những sàn TMĐT hoạt động khá rầm rộ thời gian qua là ứng dụng MyAladdinz. Ứng dụng này hoạt động trôi nổi trên hệ thống mạng, hiện chưa xác định được chủ sở hữu là ai, ở đâu. Ứng dụng có 2 đơn vị tính tiền là Gem và point (điểm). Người tham gia ứng dụng bằng cách người này giới thiệu cho người kia. Hàng hóa, sản phẩm trao đổi của ứng dụng qua những nhóm nội bộ trên Zalo, Facebook. Nhiệm vụ của những người tuyến trên lôi kéo càng nhiều người cài đặt, mua bán hàng hóa ảo càng tốt và được hưởng hoa hồng từ việc giới thiệu. Người tham gia phải dùng tiền Việt Nam mua đồng Gem để giao dịch. Ứng dụng lấy tiền của người đến sau trả cho người đến trước. 

Tương tự, dự án Owifi cũng đang tạo ra sự hấp dẫn với không ít khách hàng trong tỉnh. Owifi kêu gọi người tham gia đầu tư mỗi gói 10.000 USD (tương đương 240 triệu đồng) sẽ được tặng một cục Owifi 5G. Số tiền đầu tư được quy ra tiền ảo có tên là CSE với trị giá quy đổi ở thời điểm hiện tại là 1 CSE bằng 3 USD. Theo quảng cáo, chỉ cần sở hữu 1 bộ Owifi 5G của công ty này thì không cần làm gì cũng có tiền. Ngoài lãi suất 72%/năm, khách hàng còn được hưởng 1.000 đồng/lượt người dùng truy cập vào bộ wifi của mình. Dự án này cũng không được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động. 

Ngoài hai dự án trên, hiện nay còn có một số ứng dụng, mô hình khác đang hoạt động và ra sức lôi kéo khách hàng như Golden Time Coffee, tiền ảo iFan, kênh mua sắm, tích lũy, đầu tư Chilimall... Những mô hình, dự án này được lan truyền rất nhanh trên các trang thông tin điện tử, YouTube, Facebook, Zalo... để "kết nối, giao dịch và chia sẻ cơ hội đầu tư".

Các sàn TMĐT trái phép luôn đánh vào lòng tham của người dân để dụ dỗ. Theo tổng hợp từ cơ quan công an, nạn nhân tham gia đầu tư những loại hình này thuộc nhiều thành phần như công chức, viên chức, sinh viên, doanh nhân, công nhân, nông dân... Chúng thu hút người đầu tư với chiêu bài trả lợi nhuận lớn khi tham gia. Thực chất, hình thức hoạt động của các sàn TMĐT là lấy tiền người sau để trả cho người trước. Khi không có người tham gia, không còn tiền trả lãi hoặc những đối tượng cốt cán ôm tiền bỏ chạy thì hệ thống sụp đổ và người tham gia sẽ không thể lấy lại số tiền đã đầu tư. Nhiều người đầu tư đã ôm nợ, tán gia bại sản, đột tử vì mất tiền.

Đẩy mạnh đấu tranh

Các đối tượng lừa đảo thông qua sàn TMĐT rất tinh ranh và có nhiều mánh khóe, thủ đoạn. Chúng lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp, sự thiếu hiểu biết về TMĐT và hám lời của người dân, lôi kéo nhiều người tham gia để chiếm đoạt tiền. Hầu hết tội phạm gian dối khi sử dụng hình ảnh của những người, thương hiệu nổi tiếng để đánh bóng, tạo uy tín đối với các nhà đầu tư. 

Hiện nay, công tác đấu tranh, xử lý loại tội phạm hoạt động qua sàn TMĐT còn nhiều khó khăn. Các đối tượng sử dụng công nghệ mạng máy tính, thao tác ký hợp đồng, trả thưởng lãi suất trên internet, không ký kết bằng văn bản giấy... Sau khi huy động được lượng tiền lớn thì các đối tượng đánh sập sàn giao dịch TMĐT và bỏ trốn cùng số tiền đã huy động được. Do đó, để chứng minh thủ đoạn sử dụng hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản, xác định vai trò các đối tượng liên quan rất khó khăn. Nhiều trang web còn do đối tượng ở nước ngoài thành lập.

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh), để loại hình tội phạm thông qua hình thức sàn TMĐT không còn gây hại cho người dân, trước mắt lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an các huyện, thị xã, thành phố tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền giúp người dân hiểu về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, không để chúng lợi dụng mô hình kinh doanh TMĐT trá hình thu lợi bất chính. Cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát ngay các hoạt động thương mại khả nghi và xử lý vi phạm theo thẩm quyền...

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiểm họa từ sàn thương mại điện tử trá hình