Lối ra cho nước thải y tế

Xã hội - Ngày đăng : 14:30, 19/04/2020

Thời gian qua, nhiều bệnh viện, trung tâm y tế đã áp dụng công nghệ sinh học trong xử lý nước thải y tế, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

Nhờ có hệ thống xử lý Johkasou công nghệ hợp khối của Nhật Bản nên nước thải y tế tại Trung tâm Y tế huyện Kim Thành đạt quy chuẩn 

Giải bài toán khó

Hải Dương hiện có 17 cơ sở y tế tuyến tỉnh, 12 cơ sở y tế tuyến huyện quản lý 235 trạm y tế xã, phường, thị trấn và 678 cơ sở y tế tư nhân. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, đa số các cơ sở y tế đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học, trong đó có 12 trung tâm y tế tuyến huyện và 4 bệnh viện tuyến tỉnh và quân đội gồm Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Y học cổ truyền và Bệnh viện Quân y 7. Các bệnh viện, trung tâm y tế này đều đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ Kobuta Johkasou (Nhật Bản).

Ông Nguyễn Văn Triển, Phó Phòng Tổ chức hành chính Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện cho biết lượng nước thải phát sinh từ hoạt động khám chữa bệnh của đơn vị khoảng 2 m3/ngày đêm. Lượng nước thải này chứa nhiều vi sinh vật mang mầm bệnh, dễ lan truyền. Nước thải từ các phòng xét nghiệm có hàm lượng cặn lơ lửng, chất hữu cơ cao, đặc biệt trong nước có chứa các chất kháng sinh, hóa chất độc hại khác sử dụng trong phân tích, xét nghiệm... tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, toàn bộ nước thải của Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện đã được xử lý theo công nghệ hợp khối Johkasou. Nước thải được thu gom đưa vào bể thu tách rác, bể điều hòa... Sau đó, nước thải được dẫn vào ngăn chứa vật liệu sinh học rồi chuyển sang ngăn đã qua xử lý, cuối cùng được đưa đến ngăn khử trùng và thải ra môi trường. Nước thải sau xử lý đạt mức B theo QCVN40:2011/BTNMT và QCVN28:2010/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Tại Trung tâm Y tế huyện Kim Thành, nước thải phát sinh từ hoạt động khám chữa bệnh khoảng 1,5m3/ngày đêm. Nước thải được gom bằng hệ thống ống nhựa dẫn về hố ga chắn rác, sau đó được bơm chứa vào bể tập trung, lưu giữ 1 ngày đêm để các vi khuẩn yếm khí phân hủy chất hữu cơ trước khi chuyển sang hệ thống xử lý Johkasou. Theo kết quả quan trắc, chất lượng nước đầu ra đạt cột B theo QCVN28:2010/BTNMT.

Ngoài các cơ sở y tế sử dụng công nghệ Johkasou của Nhật Bản, 2 bệnh viện tuyến tỉnh là Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Mắt và Da liễu đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý hợp khối. Bệnh viện Phổi Hải Dương đầu tư hệ thống xử lý sinh học nhỏ giọt (vi sinh yếm khí) theo công nghệ Pháp. Bệnh viện Phong Chí Linh được đầu tư hệ thống xử lý nước thải công nghệ Nhật Bản, xử lý bằng vi sinh kết hợp hệ giá thể di động hiệu quả cao.

Còn nhiều việc phải làm

Mặc dù kết quả xử lý nước thải của các cơ sở y tế đã đạt được nhữg kết quả tích cực nhưng còn rất nhiều việc cần hoàn thiện để việc xử lý nước thải y tế đạt mục tiêu đề ra. Hiện nay, hệ thống xử lý nước thải của một số trung tâm y tế tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực vận hành chưa thực sự ổn định. Có thời điểm, một số thông số vượt quy chuẩn. Đặc biệt, nước thải của Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn chưa đạt chuẩn cho phép mặc dù hệ thống thu gom, xử lý nước thải đã được cải tạo, sửa chữa nhiều lần. Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương và Bệnh viện Phụ sản Hải Dương đang vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải nên chưa thể đánh giá chất lượng nước thải sau xử lý. Một số cơ sở y tế vẫn chưa chú trọng đầu tư  xử lý nước thải, nhất là các cơ sở y tế có phát sinh nước thải lưu lượng thấp. Hệ thống xử lý chất thải từ dự án xử lý chất thải bệnh viện do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ cho Trung tâm Y tế huyện Tứ Kỳ và Trung tâm Y tế thị xã Kinh Môn đã được đưa vào vận hành từ năm 2018 nhưng chưa được cấp vốn nên không thể quyết toán công trình, không đủ thủ tục để xin cấp phép xả thải ra môi trường. 

Hệ thống xử lý nước thải một số cơ sở y tế đã xuống cấp, vận hành không bảo đảm theo quy trình, không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên chất lượng nước thải sau xử lý vẫn có chỉ tiêu vượt quy chuẩn môi trường cho phép. Đặc biệt, trạm y tế xã, phường, thị trấn và phòng khám tư nhân không có hệ thống xử lý nước thải, lượng nước thải y tế phát sinh ít, hầu hết được trộn lẫn với nước thải thông thường và chỉ xử lý đơn giản bằng cloramin B trước khi xả vào môi trường, dẫn tới nguy cơ lây nhiễm cao.

Hiệu quả khi áp dụng công nghệ sinh học trong xử lý nước thải y tế cần được nhân rộng. Tuy nhiên, những hạn chế, bất cập cũng cần được khắc phục trong thời gian sớm nhất. Nước thải y tế phải được quản lý, xử lý theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết hoặc đề án bảo vệ môi trường đơn giản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận. Các cơ quan chức năng của tỉnh cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực môi trường của các cơ sở y tế, bảo đảm hoạt động xử lý nước thải theo đúng quy định của pháp luật.  

BẢO LONG