Tuổi đời trong văn hóa dân tộc

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:47, 04/12/2019

Một nét đẹp văn hóa đã thành truyền thống lâu đời của người Việt Nam ta là trọng tuổi già.

Con người từ lúc sinh cho đến lúc mất gọi là một đời. Muốn so sánh được sự ngắn dài của đời người, dân ta dùng đơn vị thời gian theo năm. Mỗi năm đủ 12 tháng, được gọi là một tuổi. Vậy là người sống bao nhiêu năm là bấy nhiêu tuổi.

Tuy vậy, trong một đời bình thường của con người lại chia làm nhiều giai đoạn. Mỗi giai đoạn ấy cũng được gọi bằng tuổi như tuổi thơ, tuổi trưởng thành, tuổi cao, tuổi già. Ngôn ngữ dân tộc ta có rất nhiều từ nói về tuổi. Ngoài các từ trên, còn có tuổi trẻ, tuổi xuân, tuổi vị thành niên, tuổi dậy thì, tuổi xế chiều…

Từ tuổi đời, con người vận dụng để tính thời gian tồn tại cho vật. Đó là tuổi của động vật, cây cối. Ta từng nghe nói cây chò nghìn tuổi ở rừng Cúc Phương, cụ rùa ở Hồ Gươm có đến vài trăm năm tuổi…

Trong đời sống xã hội, tuổi rất quan trọng vì nó được vận dụng vào nhiều lĩnh vực. Pháp luật thì căn cứ vào tuổi mà định ra: tuổi công dân, tuổi hôn nhân, tuổi nghĩa vụ quân sự, tuổi hưu trí... Nhiều người làm nhà, lấy vợ, lấy chồng đều không thể bỏ qua xem tuổi.

Trong kho tàng ngôn ngữ và văn học dân gian, có rất nhiều câu nói đến tuổi. Chẳng hạn khi vào tuổi dậy thì, dân ta đúc kết "Gái thập tam, nam thập lục" (gái 13, nam 16 tuổi). Vào tuổi hôn nhân, dân ta cho rằng "gái hơn hai, giai hơn một" là đẹp. Nghĩa là gái hơn trai 2 tuổi hoặc trai hơn gái một tuổi là được. Nếu bằng tuổi nhau thì "cùng tuổi nằm duỗi mà ăn".

Một nét đẹp văn hóa đã thành truyền thống lâu đời của người Việt Nam ta là trọng tuổi già. Theo quan niệm xưa (thời phong kiến) thì tuổi 50 đã là "sơ thọ", 55 là "trung thọ", 60 là "thượng thọ", 70 là "cổ lai hi". Dân ta thường dạy con cháu khi gặp người già phải chào. Các làng xã thì tuổi 60 được coi ngang đỗ tú tài, tuổi 70 ngang với cử nhân, 80 tuổi ngang với tiến sĩ. Quy định ấy được dùng để xếp vị trí ngồi ở đình vào những ngày làng có việc lớn.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2, vua Trần Nhân Tông đã mở hội nghị Diên Hồng vào cuối năm 1284 để hỏi các bô lão về việc đánh giặc. Có thể nói đây là hội nghị độc nhất vô nhị kể từ ngày lập nước cho đến nay. Chính các ý kiến của bô lão đã mang đến cho vua những mưu kế hay và ý chí "quyết đánh" của họ đã truyền cho nhà vua và tướng sĩ một sức mạnh để làm nên chiến thắng.

Ngày nay, đời sống vật chất và tinh thần đã được nâng lên đáng kể, vì vậy tuổi thọ trung bình của người Việt đã là 73,5 tuổi vào năm 2018. Mặc dù hiện nay nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi là nghỉ hưu song thực tế nhiều người còn làm việc khá tốt. Nhiều người mở doanh nghiệp, trang trại làm ăn ở tuổi ngoài 60. Nhiều nhà khoa học, nhà văn hóa ở cái tuổi 70-80… vẫn nghiên cứu khoa học, viết sách, viết báo, tham gia giảng dạy… góp thêm cho đất nước những thành tựu mới.

Ngay cả quan niệm về tuổi già ngày nay cũng khác trước. Nguyễn Khuyến (1835-1909) khi ngoài 60 tuổi, cụ đã viết: "Bây giờ đến bậc ăn dưng nhỉ/ Có rượu thời ông chống gậy ra". Khác với cụ Tam nguyên Yên Đổ, Hồ Chủ tịch nghĩ về tuổi già theo một cách riêng. Ở tuổi 59, Bác viết "Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già". Đến 63 tuổi vẫn không có gì khác: "Chưa năm mươi đã kêu già/ Sáu ba mình vẫn nghĩ là đương trai"… Đúng là tâm thế của một người tích cực, chủ động để làm việc lớn cho dân, cho nước thì tuổi có thể cao nhưng ý chí không thể già.

Truyền thống trọng già đã có từ lâu, bây giờ vẫn được phát huy. Hằng năm Nhà nước, các địa phương, cơ quan, dòng họ... thường tổ chức mừng thọ những người cao tuổi. Những cụ bước vào đại thọ còn được Chủ tịch nước gửi quà hằng năm để động viên.

Dân tộc ta biết ứng xử với từng lứa tuổi một cách có tình, có nghĩa. Tuổi nào cũng được quý, được nâng niu. Đó chính là nét đẹp văn hóa đầy nhân ái của người Việt Nam ta.

VĂN DUY (Kinh Môn)