Leicester đập tan khái niệm Big Six Ngoại hạng Anh?

02/11/2019 11:38

Đã nhiều năm nay, giải Ngoại hạng Anh quen thuộc với sự hiện diện của nhóm Big Six. Tuy nhiên, rất có thể sau 10 năm khái niệm này sẽ chính thức khai tử bởi cái tên Leicester.

Big Six đang rơi vào thoái trào

Từ khi ra đời, Premier League gần như được chia thành 3 giai đoạn theo chu kỳ khoảng 10 năm. Từ năm 1992 tới năm 2000, Man United thống trị tuyệt đối với 6 lần đăng quang. Chỉ có 2 năm chức vô địch đổi chủ là Blackburn Rovers mùa 1994/95 và Arsenal mùa 1997/98.

Trong giai đoạn này, các đội dẫn đầu trên bảng xếp hạng vẫn chưa cố định khi có những đội bóng nhỏ có thể lọt vào Top 3 như Aston Villa, Norwich, Newcastle hay Leeds United...

Tuy nhiên kể từ mùa giải 2000/01, một trật tự mới đã được thiết lập tại giải Ngoại hạng Anh với 4 ông lớn hầu như mùa nào cũng yên vị trong top 4 đội dẫn đầu. Đó là M.U, Arsenal, Chelsea và Liverpool. 

Big Six Ngoại hạng Anh là khái niệm đã hình thành được gần 10 năm
Khái niệm "Big Four" chính thức ra đời và tồn tại suốt 10 mùa giải trước khi bị thay thế bởi 1 khái niệm khác là "Big Six" vào năm 2010. 

Mùa giải 2009/10, Tottenham về đích ở vị trí thứ 4 và trở thành đội đầu tiên lọt vào Top 4 kể từ Everton trước đó 5 mùa giải. Tới mùa 2011/12, Man City lên ngôi vô địch trong khi Chelsea và Liverpool đứng ngoài Top 4. 

Kể từ đó, Tottenham cùng với Man City chính thức gia nhập nhóm 6 CLB đủ sức cạnh tranh ngôi vô địch giải đấu hàng đầu nước Anh.

Trong 9 mùa giải vừa qua, Liverpool có 3 lần rơi khỏi Top 6, M.U và Chelsea mỗi đội có 1 lần. Còn lại các vị trí trong Top 6 đều không thoát khỏi tay của 6 ông lớn này.

Không chỉ lấn át về thành tích sân cỏ, Big Six còn nắm giữ sức mạnh và ảnh hưởng tài chính đáng kể. Những câu lạc bộ này cho rằng họ nên được hưởng một phần doanh thu lớn hơn do tầm vóc của mình trên toàn cầu. Trong báo cáo năm 2019 của Deloitte, tất cả Big Six đều nằm trong top 10 câu lạc bộ giàu nhất thế giới.



Tuy nhiên, sự thống trị của Big Six dường như sắp đi tới hồi kết. Những mầm mống đã bắt đầu xuất hiện ở những mùa giải trước khi M.U và Arsenal thi đấu phập phù và phải rất vất vả mới có thể giữ chỗ trong Top 6. Ngay mùa trước, cuộc đua vô địch đã chỉ còn là chuyện của Liverpool và Man City từ rất sớm trong khi các đội còn lại chỉ là giành nhau suất dự Champions League.

Mùa giải này, sự phân hóa lại càng thêm rõ nét. Liverpool  bứt tốc mạnh mẽ và bỏ xa phần còn lại với 9 trận thắng và 1 trận hòa. Man City bỗng dưng khởi đầu chậm chạp với 2 trận thua chỉ sau 10 vòng đầu. Chelsea và Arsenal thì thi đấu phập phù và việc giữ được suất trong top 6 là mục tiêu thiết thực nhất với họ.

Nhưng đáng kể nhất phải là sự sa sút đến thê thảm của Tottenham và M.U. Quỷ đỏ chỉ mới tìm lại mạch thắng sau 4 trận chỉ biết hòa và thua. Họ thậm chí từng tụt xuống vị trí thứ 14 ở vòng đấu trước. Tottenham cũng chẳng khá hơn khi đang nằm ở vị trí thứ 11 sau 3 trận hòa, 4 trận thua và chỉ có được 3 trận thắng.

"Kẻ phá đám" Leicester

Trong khi Big Six bắt đầu rơi vào thoái trào thì các CLB tầm trung bắt đầu vươn lên. Có thể kể ra những cái tên tiềm năng như Wolves, Everton, West Ham hay Crystal Palace. Nhưng nổi bật nhất phải là Leicester City.

Mùa giải 2015/16, Bầy cáo đã tạo nên cơn địa chấn ở giải Ngoại hạng Anh khi vượt qua hàng loạt ông lớn để chiếm lấy ngai vàng Ngoại hạng Anh. Chức vô địch của họ vẫn được coi như một câu chuyện cổ tích của bóng đá hiện đại.

Leicester City cũng là câu lạc bộ gần nhất với Big Six về doanh thu trong mùa giải 2016/17, mùa mà họ được tham dự Champions League. 

Leicester chính là đội gần nhất phá vỡ thế thống trị của Big Six

Mùa giải này với sự xuất hiện của HLV Brendan Rodgers, Bầy cáo đang cho thấy sự trưởng thành mạnh mẽ của mình. Hiện họ đã vươn lên thứ 3 trên BXH, chỉ kém đội nhì bảng Man City đúng 2 điểm. Theo thống kê sau 10 vòng mùa này, Leicester còn kiếm được nhiều hơn 1 điểm so với 10 vòng đầu mùa 2015/16, mùa giải mà họ đăng quang chức vô địch.

Leicester đang là đội bóng ghi bàn tốt thứ 2 giải đấu (25 bàn), chỉ kém các nhà ĐKVĐ Man City (32 bàn). Họ cũng là 1 trong 3 đội có hàng thủ tốt nhất giải đấu (8 bàn thua) cùng với Liverpool và Sheffield United.

Thành công của Leicester dựa vào khá nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất là sự xuất hiện của HLV Brendan Rodgers. Vị chiến lược gia người Bắc Ireland đã mang tới luồng sinh khí mới cho các nhà cựu vô địch 2016.

Dưới thời Claudio Ranieri, Bầy cáo là một trong những nhà vô địch Premier League có tỷ lệ kiểm soát bóng (42,43%) và số đường chuyền trung bình mỗi trận (352 đường chuyền/trận) thấp nhất lịch sử. Tuy nhiên dưới thời Brendan Rodgers, họ đã trở thành đội có tỷ lệ kiểm soát bóng nhiều thứ 3 (58,6%) và có đường chuyền trung bình nhiều thứ 4 (543 đường chuyền/trận).



Rodgers đang sở hữu khá nhiều tài năng trẻ đáng chú ý trong đội hình. Harvey Barnes là chân kiến tạo tốt thứ 2 giải đấu (4 lần). Ricardo Pereira là "vua tắc bóng" (47 lần). Wilfred Ndidi là chuyên gia cắt bóng (32 lần). Caglar Soyuncu vững vàng với 75% tỷ lệ tắc bóng thành công. 
Nhưng nhân vật nổi bật nhất chắc chắn phải là James Maddison. Cầu thủ tạo ra nhiều cơ hội nhất ở Premier League mùa trước (100 lần) vẫn đang có màn trình diễn thăng hoa ở mùa giải này.

Ngoài các tài năng trẻ, Rodgers cũng biết cách kết hợp khéo léo với những cựu binh dày dặn kinh nghiệm từng đưa Bầy cáo đăng quang năm 2016. Đó là tiền đạo Jamie Vardy và thủ thành Kasper Schmeichel.

Sự thăng hoa của Leicester đang là mối nguy cực lớn với sự tồn tại của Big Six bên cạnh việc nhóm này tự sa sút. Và rất có thể ngay trong mùa giải 2019/20 này, khái niệm Big Six sẽ chính thức bị khai tử.

Theo Bongdaplus

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Leicester đập tan khái niệm Big Six Ngoại hạng Anh?