Sự kiện nổi bật ngày 14.6

14/06/2021 22:33

Phiên họp thứ 57 Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội nghị lần thứ 25 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy... là những sự kiện nổi bật ngày 14.6.

TRONG NƯỚC


Ngày 14.6, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 57. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Phiên họp xem xét, cho ý kiến về các nội dung gồm: Hội đồng Bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết bước đầu cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; cviệc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (dự kiến khai mạc vào ngày 20.7). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung đề hoàn thiện các báo cáo tờ trình Quốc hội gồm: Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tài chính, ngân sách 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN


Ngày 14.6, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2021. Tại Hội nghị, Bộ Tài chính cho biết, việc giải ngân nguồn vốn này của các địa phương vẫn rất khó khăn. Vốn đã giải ngân chỉ bằng 1,73% dự toán; trong đó, vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương giải ngân bằng 1,77% kế hoạch vốn được giao đầu năm và vốn cho các địa phương vay lại giải ngân bằng 1,68% kế hoạch vốn được giao đầu năm. Hiện, mới có 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 3%, 37/63 địa phương tỷ lệ giải ngân là 0%. Trong ảnh: Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở Bộ Tài chính. Ảnh: Phạm Hậu – TTXVN


Ngày 14.6, trước tình hình tất cả các quận huyện đều có ca mắc COVID-19, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã quyết định thành phố sẽ tiếp tục giãn cách thêm từ nay đến hết tháng 6. Sau hai tuần thực hiện giãn cách xã hội, tình hình dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp, đặc biệt xuất hiện hàng loạt chuỗi lây nhiễm, điều này cho thấy dịch có thể xâm nhập vào thành phố từ đầu tháng 5 và đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm. Đây là nhận định của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố với 21 quận, huyện và TP Thủ Đức. Như vậy, thay vì kết thúc giãn cách xã hội vào 0 giờ ngày 15.6.2021 như chỉ đạo trước đó, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục giãn cách thêm 2 tuần cho đến 0 giờ ngày 30.6.  Trong ảnh: Các quán bar, karaoke trên đường Huỳnh Thúc Kháng (quận 1, TP Hồ Chí Minh) tạm dừng hoạt động theo quyết định của UBND TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thu Hương - TTXVN


Theo thông tin ngày 14.6 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Ninh, trong ngày 13.6, tỉnh có thêm 73 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh và xuất viện. Như vậy, từ ngày 5.5 đến nay, Bắc Ninh có 616 bệnh nhân mắc COVID-19 đã khỏi bệnh, còn 714  bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện dã chiến.Đến trưa 14.6, Bắc Ninh ghi nhận thêm 32 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; trong đó, TP Bắc Ninh có 27 ca, huyện Thuận Thành - 5 ca. Các huyện Quế Võ, Gia Bình, Yên Phong, Tiên Du, Lương Tài và thị xã Từ Sơn trong ngày không ghi nhận ca mắc mới. Riêng huyện Lương Tài đã qua 28 ngày không ghi nhận ca mắc mới. Trong ảnh: Tỉnh Bắc Ninh tiếp nhận Trung tâm Hồi sức tích cực ICU thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh với quy mô 100 giường bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, bệnh nhân cần phải thở máy, lọc máu…Ảnh: Văn Nhiều-TTXVN

Ngày 14.6, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” xảy ra vào tháng 6.2021 tại huyện Hương Sơn theo Điều 240 -Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Quyết định trên đã được gửi đến Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn. Cụ thể, cơ quan chức năng của huyện Hương Sơn đã phát hiện hai trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 12.6 do liên quan đến điểm tắm nước ngọt công cộng ở bãi biển Xuân Hải (huyện Lộc Hà). Tính đến sáng 14.6, huyện Hương Sơn ghi nhận 12 ca dương tính với SARS-CoV-2. Địa phương đã rà soát, truy vết được 337 trường hợp F1 và 564 trường hợp F2 để cách ly. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo chống dịch Covid-19 tại huyện Hương Sơn. Ảnh-TTXVN


Khoảng một tấn vải thiều Thanh Hà, lô hàng đặc sản Việt Nam đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247, đã chính thức được bày bán từ ngày 13.6 tại siêu thị Thanh Bình Jeune, thủ đô Paris. Lô hàng nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không này tận dụng được lợi thế về ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA). Trong ảnh: Dự kiến, trong mùa vải này, Thanh Bình Jeune sẽ nhập khẩu từ 5-7 tấn vải để thăm dò thị trường Pháp, hướng tới kế hoạch nhập khẩu hơn 10 tấn qua đường hàng không và đường biển cho năm 2022. Ảnh: Linh Hương - TTXVN

TRONG TỈNH


Ngày 14.6, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Hội nghị lần thứ 25 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe Ban Cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo phương án hướng tuyến đầu tư xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối TP Chí Linh với huyện Yên Dũng (Bắc Giang); phương án đầu tư xây dựng tuyến đường tỉnh 394B. Phát biểu kết luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh với mức vốn đầu tư hợp lý, việc xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt sẽ góp phần quan trọng kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của TP Chí Linh, huyện Yên Dũng nói riêng và 2 tỉnh Hải Dương, Bắc Giang nói chung; phục vụ phát triển du lịch tại khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. Nhất trí với phương án đầu tư xây dựng tuyến đường tỉnh 394B, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng khẳng định tuyến đường có vai trò rất quan trọng trong liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Ban Cán sự đảng UBND cần chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực để sớm triển khai đầu tư, hoàn thành... Trong ảnh: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng chủ trì hội nghị lần thứ 25 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: Hoàng Biên

QUỐC TẾ


Ngày 13.6.2021, Chính phủ Israel đã tuyên thệ nhậm chức sau khi được Quốc hội nước này (Knesset) bỏ phiếu thông qua cùng ngày với 60 phiếu thuận, 59 phiếu chống và 1 phiếu trắng. Chính phủ mới được thành lập dựa trên thỏa thuận giữa liên minh 8 đảng đối lập với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, người đã nắm quyền liên tục 12 năm qua. Theo thỏa thuận, ông Naftali Bennett (49 tuổi) sẽ làm Thủ tướng luân phiên trong Chính phủ liên kết cho đến tháng 8.2023, sau đó chuyển giao cho Chủ tịch đảng Yesh Atid, ông Yair Lapid trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Trong ảnh: Tân Thủ tướng Israel Naftali Bennett (thứ 2, phải) và ông Yair Lapid (thứ 2, trái), Thủ tướng luân phiên trong cuộc họp nội các đầu tiên của Chính phủ mới tại Jerusalem, ngày 13.6.2021. Ảnh: THX/TTXVN


Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 14.6 đã kêu gọi Triều Tiên tôn trọng tinh thần hòa giải và đáp lại lời kêu gọi đối thoại trước lễ kỷ niệm hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa hai miền Triều Tiên diễn ra hơn 2 thập kỷ trước. Tại Seoul, tại Hội nghị thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng ngày 15.6.2000 giữa Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Kim Dae-jung và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, hai bên đã ra tuyên bố chung. Phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc, bà Lee Jong-joo nhấn mạnh: "Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các thỏa thuận của mình với Triều Tiên, trong đó có Tuyên bố ngày 15.6 và nỗ lực hết sức để thúc đẩy tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên quay trở lại với tinh thần của Tuyên bố ngày 15.6 và đáp lại những lời kêu gọi đối thoại và hợp tác liên Triều". Trong ảnh (tư liệu): Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-Jung trước khi ký thỏa thuận trong cuộc gặp lịch sử ở Bình Nhưỡng hồi tháng 6.2000. Ảnh: AFP/TTXVN


Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 13.6 cho biết ông đã thảo luận với Tổng thống Mỹ Joe Biden về cách dỡ bỏ các biện pháp hạn chế ở biên giới chung của hai nước, nhưng chưa có bước đột phá nào. Giới doanh nghiệp của Canada và Mỹ ngày càng lo ngại về lệnh cấm đối với hoạt động đi lại không thiết yếu qua biên giới hai nước nhằm kiểm soát đại dịch COVID-19. Lệnh cấm này được áp dụng lần đầu tiên vào tháng 3.2020 và được gia hạn hàng tháng kể từ đó. Các biện pháp hạn chế ở khu vực biên giới mặc dù không ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại giữa hai nước, nhưng đã bóp nghẹt hoạt động du lịch. Các doanh nghiệp Canada, đặc biệt là các hãng hàng không và những doanh nghiệp phụ thuộc vào du lịch, đã vận động chính phủ đảng Tự do nới lỏng các hạn chế này. Trong ảnh (tư liệu): Ông Joe Biden khi đảm đương chức Phó Tổng thống Mỹ trong cuộc gặp với Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại Ottawa năm 2016. Ảnh: Reuters/TTXVN


Việc hãng sản xuất xe điện Tesla để ngỏ khả năng lại chấp nhận giao dịch bằng đồng Bitcoin (BTC) đã đẩy giá đồng tiền kỹ thuật số này tăng lên mức gần 40.000 USD/1 BTC trong ngày 14.6. Theo hãng tin Reuters, tại sàn giao dịch ở châu Á, giá đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới Bitcoin được giao dịch ở mức 39.838,92 USD/BTC, tăng hơn 9% và là mức cao nhất trong 2 tuần qua. Trước đó một ngày, trên trang mạng xã hội Twitter, Giám đốc điều hành (CEO) Tesla Inc, tỷ phú Elon Musk cho biết hãng sản xuất xe điện này sẽ chấp nhận các giao dịch Bitcoin nếu những người khai thác sử dụng nhiều năng lượng tái tạo hơn trong hoạt động "đào" đồng tiền kỹ thuật số này. Ông Musk nêu rõ: "Khi có xác nhận về sự tăng lên của xu hướng các thợ đào sử dụng năng lượng sạch ở mức hợp lý (khoảng 50%) trong tương lai, Tesla sẽ tiếp tục cho phép các giao dịch bằng đồng Bitcoin". Trong ảnh: Đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin. Ảnh: AFP/TTXVN

(0) Bình luận
Sự kiện nổi bật ngày 14.6