Sự kiện nổi bật ngày 26.2

26/02/2020 18:31

Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố hoàn thành kế hoạch triển khai thành lập Chi cục Thuế khu vực thuộc 63 Cục Thuế tỉnh, thành phố là sự kiện nổi bật ngày 26.2.

TRONG NƯỚC


Ngày 26.2, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố hoàn thành kế hoạch triển khai thành lập Chi cục Thuế khu vực thuộc 63 Cục Thuế tỉnh, thành phố. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ Tài chính, Tổng cục thuế đã quyết liệt, chặt chẽ, bài bản trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy, về đích trước gần 1 năm so với kế hoạch. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực vẫn còn xảy ra mà dư luận đã phản ánh trong thời gian qua cũng như các khiếu nại của doanh nghiệp. Kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, vẫn còn hiện tượng cán bộ vi phạm phải xử lý. Vẫn còn tình trạng trên nóng dưới lạnh, tình trạng nợ đọng thuế, chây ì nộp thuế, trốn thuế, chuyển giá vẫn diễn ra. Việc nắm bắt nguồn thu, số thu còn chưa kịp thời. Việc dự báo đánh giá tình hình thu còn chưa sát thực tế phát sinh, còn bị động cho việc điều hành ngân sách nhà nước. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức hoà mạng các Chi cục thuế khu vực vào hệ thống quản lý thuế chung cả nước. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN


Ngày 26.2, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19), chủ trì cuộc họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thống nhất các giải pháp như: Tăng cường các lực lượng giám sát y tế, thực hiện khai báo bắt buộc đối với người Hàn Quốc sang Việt Nam và thực hiện cách ly để đề phòng dịch, đẩy mạnh việc khai báo điện tử đối với khách quốc tế… Trong ảnh: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN


Người mắc Covid-19 cuối cùng của tỉnh Vĩnh Phúc xuất viện ngày 26.2, tại Phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà, huyện Bình Xuyên. Ông Nguyễn Văn V., 50 tuổi, lây nhiễm virus từ con gái của mình là Nguyễn Thị D. và có xét nghiệm dương tính từ ngày 13.2. Sau gần 2 tuần điều trị, ông V. đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2 (ngày 24.2) và được tuyên bố khỏi bệnh. Như vậy, tính đến thời điểm này, tất cả 16 bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở nước ta đều đã được chữa khỏi, Việt Nam không còn người mắc Covid-19. Trong ảnh: Vợ con bệnh nhân V. tặng hoa cảm ơn các bác sĩ đã trực tiếp chữa bệnh cho gia đình mình. Ảnh: Hoàng Hùng – TTXVN


Ngày 26.2, Ban An toàn giao thông quốc gia và chính quyền tỉnh Quảng Nam đã đến thăm hỏi, chia buồn và trao kinh phí hỗ trợ gia đình các nạn nhân vụ chìm đò. Cụ thể, khoảng 15 giờ 30, ngày 25.2, 10 người dân thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc trong 3 gia đình (gồm 4 nam, 6 nữ) đi sản xuất từ bãi đất màu Mỹ Thuận (giáp giữa Đại Cường và Đại Nghĩa) về thôn Khương Mỹ thì xảy ra tai nạn làm chìm đò, khiến 10 người rơi xuống sông. Trong đó 4 người được cứu vớt kịp thời (gồm 2 nam, 2 nữ), 6 người mất tích (gồm 2 nam, 4 nữ). Nạn nhân cuối cùng đã được tìm thấy vào khoảng 22 giờ 45 cùng ngày. Trong ảnh: Đại diện Ban An toàn giao thông quốc gia và chính quyền tỉnh Quảng Nam thăm hỏi, chia buồn và trao kinh phí hỗ trợ gia đình các nạn nhân vụ chìm đò. Ảnh: Trần Tĩnh - TTXVN


Khoảng 0 giờ 50 ngày 26.2, ngọn lửa bất ngờ bùng phát tại xưởng gỗ của gia đình ông Võ Thanh Bình (37 tuổi, ở ấp 23 Nhỏ, xã Phước An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước). Nhận được tin báo, Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn Chơn Thành đã điều động 2 xe chữa cháy 14 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường khống chế đám cháy không để lan rộng ra xung quanh. Do xưởng gỗ chứa nhiều vật liệu dễ cháy, nguồn nước khó tiếp cận nên đến 3 giờ sáng cùng ngày, đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn. Toàn bộ xưởng gỗ rộng 240m2 bị thiêu rụi hoàn toàn, ông Đinh Công Hùng (61 tuổi) bị kẹt trong đám cháy đã tử vong. Trong ảnh: Hiện trường vụ cháy. Ảnh: Tất Thành - TTXVN

TRONG TỈNH


Sáng 26.2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức hội nghị góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương lưu ý tỉnh cần tiếp tục bám sát Chỉ thị 35, các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng để hoàn thiện dự thảo báo cáo chính trị của tỉnh. Đồng chí gợi ý trong định hướng phát triển kinh tế, Hải Dương phải hướng tới phát triển kinh tế vùng để có sự bổ trợ lẫn nhau giữa các tỉnh. Hải Dương là tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, có nguồn quỹ đất, nguồn nhân lực dồi dào. Vì vậy, cần xác định phát triển công nghiệp là hướng đi chủ đạo và Hải Dương là tỉnh công nghiệp. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cảm ơn những ý kiến góp ý của đồng chí Nguyễn Văn Bình và của Ban Kinh tế Trung ương. Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Trong ảnh: Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Chung


Chiều 26.2, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cùng đoàn công tác của tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ xã Thái Tân (Nam Sách), đơn vị làm điểm Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở của tỉnh.  Để đại hội diễn ra trang trọng, an toàn, bảo đảm đúng quy định của Đảng và tinh thần Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Đảng ủy xã Thái Tân tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên trong tổ công tác, rà soát lại tổng thể công tác chuẩn bị, kịp thời điều chỉnh một số nội dung trong chương trình đại hội. Trước và trong những ngày diễn ra đại hội, cần đẩy mạnh tuyên truyền trực quan, đề nghị nhân dân treo cờ Tổ quốc; các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn căng băng rôn chào mừng đại hội. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị công tác chuẩn bị từ nay cho đến khi diễn ra đại hội phải tiếp tục được thực hiện một cách chu đáo, không để xảy ra sai sót. Đại hội Đảng bộ xã Thái Tân sẽ diễn ra trong 2 ngày 4 và 5.3 tới. Trong ảnh: Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng nghe báo cáo về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ xã Thái Tân. Ảnh: CTV


Chiều 26.2, phát biểu kết luận cuộc giám sát của Thường trực HĐND tỉnh tại UBND thị xã Kinh Môn, Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương (BOT), đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ngọc Bích lưu ý, tuy Việt Nam bước đầu ứng phó rất hiệu quả với dịch, nhưng tình hình dịch bệnh cũng đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới, do đó các địa phương, doanh nghiệp không được chủ quan, lơi lỏng. Thị xã rộng, giáp ranh với nhiều tỉnh, thành phố khác, có số lao động là người nước ngoài đông nên cần đặc biệt quan tâm sát sao công tác phòng dịch. Kinh Môn cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch; đa dạng các hình thức tuyên truyền trực quan, tận dụng hiệu quả mạng xã hội trong chống dịch. Công tác giám sát sức khỏe của nhân dân, người lao động cần đẩy cao hơn một bước, hạn chế tối đa người lao động nước ngoài trong các doanh nghiệp tiếp xúc với cộng đồng. Trong ảnh: Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ngọc Bích giám sát phòng chống dịch Covid-19 tại Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương. Ảnh: Trung Thu

QUỐC TẾ


Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ấn Độ, ngày 25.2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hội đàm song phương với Thủ tướng chủ nhà Narendra Modi tại Thủ đô New Delhi. Hai bên đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh xây dựng quan hệ song phương trong các lĩnh vực quốc phòng an ninh, thương mại và năng lượng, khẳng định cam kết tăng cường quan hệ đối tác dựa trên lòng tin và các lợi ích chung. Tổng thống Trump nhấn mạnh Mỹ muốn được đối xử một cách công bằng và có đi có lại trong vấn đề thương mại. Đây là chuyến công du đầu tiên tới Ấn Độ của Tổng thống Trump, trong bối cảnh hai nước đặt mục tiêu thiết lập lại mối quan hệ nồng ấm hơn sau những bất đồng vì thâm hụt trong thương mại song phương. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái, phía trước) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải, phía trước) tại cuộc gặp ở New Delhi ngày 25.2.2020. Ảnh: AFP/TTXVN


Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) công bố số liệu cập nhật cho biết với 284 ca nhiễm mới trong ngày 26.2, số người nhiễm Covid-19 tại nước này đã lên tới 1.261 người. Theo KCDC, cho đến nay Hàn Quốc đã xác nhận 12 ca tử vong do Covid-19. Trong ảnh: Phun thuốc khử trùng xung quanh một nhà thờ ở Seoul, Hàn Quốc, nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, ngày 26.2. Ảnh: Yonhap/TTXVN


Ngày 26.2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết Chính phủ nước này sẽ đề nghị các đơn vị tổ chức các sự kiện thể thao và văn hóa lớn xem xét việc hủy hoặc hoãn những sự kiện này trong vòng 2 tuần tới. Phát biểu tại cuộc họp của nhóm đặc trách chống dịch Covid-19 của Chính phủ, Thủ tướng Abe nói các sự kiện lớn có thể làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh này. Trong ảnh: Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại cuộc họp của nhóm đặc trách chống dịch Covid-19 của Chính phủ ở Tokyo ngày 25.2. Ảnh: AFP/ TTXVN


Ngày 26.2, Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal đã kêu gọi Chính phủ Ấn Độ áp đặt lệnh giới nghiêm và triển khai quân đội tại các khu vực trong địa phận Thủ đô, nơi xảy ra các cuộc bạo động gây chiết người trong vài ngày qua. Thủ hiến Kejriwal cho biết ông đã liên hệ với nhiều quan chức chính phủ trong đêm 25.2, thông báo về tình hình đáng báo động khi cảnh sát không thể kiểm soát được an ninh. Ông cho rằng Chính phủ Ấn Độ cần ngay lập tức triển khai quân đội và áp đặt lệnh giới nghiêm tại các khu vực xảy ra bạo động. Cùng ngày, người đứng đầu bệnh viện ở Thủ đô New Delhi cho biết đã có 20 người thiệt mạng và 189 người bị thương trong các vụ đụng độ giữa những người ủng hộ và phản đối Luật Quốc tịch sửa đổi (CAA) ở một số khu vực phía đông bắc Thủ đô New Delhi trong 2 ngày qua. Trong ảnh: Người biểu tình phản đối Luật Quốc tịch sửa đổi (CAA) đốt phá các phương tiện giao thông tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 24.2. Ảnh: THX/TTXVN


Cơ quan giảm nhẹ thiên tai (NDMA) Indonesia ngày 26.2 cho biết ít nhất 5 người đã thiệt mạng và 3 người bị mất tích do lũ lụt ở khu vực Thủ đô Jakarta của nước này. Theo người phát ngôn NDMA Agus Wibowo, các trận mưa lớn xảy ra ngày 25.2 đã gây ngập lụt khiến gần 20.000 người phải rời khỏi nhà đến nơi an toàn. Một số khu vực trong TP Jakarta và các tỉnh lân cận như Tây Java và Banten vẫn ngập lụt trong ngày 26.2. Nhiều khu vực nước ngập cao đến 1m. Lũ lụt kèm theo lở đất đã làm hư hại 3 tòa nhà của trường học, một thánh đường Hồi giáo và hơn 800 ha lúa bị ngập trong nước, gây thiệt hại cho nông dân. Trong ảnh: Cảnh ngập lụt do mưa lớn tại Jakarta, Indonesia ngày 25.2. Ảnh: AFP/TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự kiện nổi bật ngày 26.2