Cái bắt tay nhiều ý nghĩa

01/07/2019 14:27

Ngày 30.6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc gặp lịch sử tại Khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên.

Đây là cuộc gặp lần thứ 3 giữa hai nhà lãnh đạo trong vòng hơn 1 năm qua. Nhìn chung các nhà phân tích đánh giá cuộc gặp có ý nghĩa đặc biệt, mang đậm tính biểu tượng.


Cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hôm 30/6, đánh dấu việc lần đầu tiên trong lịch sử một tổng thống Mỹ đặt chân lên Triều Tiên

Dấu mốc lịch sử với cuộc gặp Trump-Kim lần thứ 3

Các phương tiện truyền thông gọi cuộc gặp lần này giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều là “cuộc gặp thượng đỉnh phát sinh” bởi ý tưởng cho cuộc gặp này mới chỉ được Tổng thống Trump bất ngờ nêu ra trong bài đăng trên mạng Twitter sáng ngày 29.6, khi ông vừa dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản và chuẩn bị lên đường tới thăm Hàn Quốc để gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Trong dòng thông báo đăng trên mạng Twitter ngày 29.6, Tổng thống Trump đã viết: “Sau một vài cuộc gặp quan trọng, bao gồm cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc, tôi sẽ rời Nhật Bản để tới Hàn Quốc (cùng với Tổng thống Moon Jae-in). Trong thời gian ở đó, nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đọc được thông báo này, tôi hy vọng có thể gặp ông ấy ở khu phi quân sự nằm ở biên giới giữa hai nước để bắt tay và và gửi lời chào”.

Đề nghị bất ngờ trên được đưa ra trong thời điểm quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên bị đình trệ. Và thật bất ngờ khi Triều Tiên đã đồng ý  và gọi đây là “đề nghị thú vị”.

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo vào lúc 13 giờ 55 ngày 30.6 (theo giờ Việt Nam). Sau những cái bắt tay lịch sử và bước qua đường ranh giới phân chia hai miền Triều Tiên tại DMZ, sang phần lãnh thổ của Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều đã cùng nhau dự một cuộc họp kín tại Nhà tự do bên phần lãnh thổ Hàn Quốc ở DMZ.

Cuộc họp kín kéo dài gần 1 giờ, hơn 10 lần so với dự kiến ban đầu là chỉ khoảng 4 phút, và thậm chí còn nhiều hơn so với tuyên bố trên Twitter của ông Trump vào sáng ngày 29.6 là “một cuộc gặp khoảng 2 phút”.

Phát biểu tại cuộc gặp, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định việc Tổng thống Donald Trump bước qua đường ranh giới phân chia hai miền Triều Tiên tại Khu phi quân sự, sang lãnh thổ Triều Tiên, thể hiện quyết tâm của ông chủ Nhà Trắng trong việc đảo ngược những gì diễn ra trong quá khứ, mở ra tương lai mới. Nhà lãnh đạo Triều Tiên bày tỏ "rất ngạc nhiên" trước lời đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc gặp ông tại DMZ, coi cuộc gặp với Tổng thống Trump sẽ tác động "tích cực" đối với các hành động trong tương lai. 

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định hôm nay là "ngày tuyệt vời đối với thế giới", và bày tỏ niềm vinh dự khi bước qua đường ranh giới giữa hai miền Triều Tiên tại Khu phi quân sự (DMZ). Ông Trump cũng nhấn mạnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên về tình cảm quý mến lẫn nhau giữa hai bên và mời nhà lãnh đạo Triều Tiên tới thăm Washington. Đáp lại, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng đã bày tỏ niềm “vinh dự lớn" nếu Tổng thống Mỹ thăm Bình Nhưỡng trong thời gian tới.

Sau cuộc gặp lịch sử tại khu phi quân sự (DMZ), hai nhà lãnh đạo đã nhất trí sẽ tái khởi động cuộc đàm phán hạt nhân vốn rơi vào bế tắc hồi đầu năm nay kể từ sau khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 không đạt được thỏa thuận cụ thể nào. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết,  Mỹ và Triều Tiên sẽ nối lại các cuộc họp cấp chuyên viên về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong vòng 2-3 tuần tới.

Tuy nhiên, dù đánh giá cao kết quả cuộc gặp lần này với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, song nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho biết còn quá sớm để đề cập tới vấn đề dỡ bỏ trừng phạt và các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên vẫn còn nguyên hiệu lực.

Kết thúc cuộc gặp, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đi bộ và bước qua đường ranh giới phân chia hai miền, quay trở lại lãnh thổ Triều Tiên. Tổng thống Mỹ và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tiễn nhà lãnh đạo Triều Tiên tới sát đường ranh giới.

Những đánh giá tích cực

Sự kiện Tổng thống Trump bước chân qua đường ranh giới phân chia hai miền Triều Tiên tại DMZ, sang phần lãnh thổ của Triều Tiên, cùng đi bộ với nhà lãnh đạo Triều Tiên ở phần biên giới bên phía Triều Tiên trong chiều ngày 30.6.2019 đã trở thành một sự kiện lịch sử, đưa ông Trump đã trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên. 

Cuộc gặp lần này giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều mang rất nhiều ý nghĩa bởi nó diễn ra trong bối cảnh thế bế tắc liên quan tới vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên dường như vẫn chưa được khai thông, thậm chí còn xuất hiện những diễn biến căng thẳng mới. Bất chấp việc hai nhà lãnh đạo Trump và Kim đã có hai cuộc gặp thượng đỉnh trong vòng 1 năm qua (lần thứ nhất tại Singapore vào tháng 6.2018 và lần thứ hai tại Hà Nội vào tháng 2-2019), đến nay tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn rơi vào bế tắc và các biện pháp trừng phạt của Mỹ thì vẫn còn hiệu lực.

Kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 tại Hà Nội kết thúc, tình hình trên bán đảo Triều Tiên còn có dấu hiệu gia căng thẳng trở lại với việc Triều Tiên hai lần phóng thử tên lửa chỉ trong vòng một tuần hồi đầu tháng 5-2019. Động thái này được coi là phản ứng cứng rắn của Bình Nhưỡng nhằm gây sức ép buộc Mỹ phải mềm dẻo hơn trong tiến trình đàm phán hạt nhân.

Hiện giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn bất đồng quan điểm về các bước đi nhằm phi hạt nhân hóa. Trong khi Mỹ yêu cầu Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn ngay lập tức, có kiểm chứng và không thể đảo ngược, thì Bình Nhưỡng kiên quyết thực hiện việc phi hạt nhân hóa theo từng bước và đổi lại Washington phải dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt nhằm giảm bớt tình hình khó khăn trong đời sống của người dân nước này. 

Tuy nhiên, không thể phủ nhận là dù vẫn còn bất đồng song hai bên vẫn để ngỏ lối thoát bằng con đường ngoại giao. Triều Tiên luôn khẳng định sẵn sàng tuân thủ tuyên bố đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore hồi tháng 6.2018 cho đến khi Mỹ tìm ra một cách tiếp cận có tính xây dựng, và đặt thời hạn chót là vào cuối năm nay. Trong khi đó, Tổng thống Trump cũng nhiều lần bày tỏ tin tưởng rằng Bình Nhưỡng muốn đạt được thỏa thuận với Mỹ, đồng thời ông Trump cũng bày tỏ sẵn sàng tiến hành hội nghị thượng đỉnh lần 3 với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Bất chấp các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên, Tổng thống Trump đã không lựa chọn cách lên án mà muốn để ngỏ cơ hội để hai bên nối lại đàm phán.

Và vì vậy, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều tại Khu phi quân sự (DMZ) lần này đã tiếp tục cho thấy những bước tiếp cận ngoại giao đúng đắn của hai nước. 

Nhiều chuyên gia nhận định cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên ngày 30-6 sẽ mang lại sức bật cần thiết không chỉ cho các cuộc đàm phán hạt nhân vốn đang bị đình trệ, mà còn cả với các mối quan hệ liên Triều.

Giáo sư Kim Yong-hyun của Đại học Dongguk, Hàn Quốc đánh giá mặc dù các nội dung chi tiết của cuộc gặp nhiều khả năng sẽ được thảo luận trong các cuộc đàm phán cấp chuyên viên trong tương lai, song nó mang ý nghĩa rất lớn do tái khẳng định được cam kết của lãnh đạo Mỹ-Triều đối với vấn đề phi hạt nhân hóa và tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Theo ông Kim Yong-hyun, một khi phi hạt nhân hóa và tiến trình hòa bình được khởi động, nó sẽ tạo ra luồng gió ấm trong các mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.

Trong khi đó, Giáo sư Lim Eul-chul của Viện nghiên cứu Viễn Đông của Đại học Kyungnam thì đánh giá dù cuộc gặp tại DMZ có thể ngắn, song nó chắc chắn đã tạo ra một thời điểm bước ngoặt quan trọng trong việc làm dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Ông Lim Eul-chul nhấn mạnh trong bối cảnh các lệnh trừng phạt vấn được duy trì, cuộc gặp trên đã tạo ra một điểm nhấn quan trọng, khởi đầu cho sự thay đổi trong quan hệ liên Triều. Mặc dù vậy, cơ hội để dẫn đến sự cải thiện quan hệ lớn trong thời gian ngắn là không cao.

Nhà phân tích James Griffiths của kênh truyền hình CNN thì cho rằng đây là một thời khắc lịch sử và là một bước tiến lớn trong mối quan hệ dường như bị lung lay kể từ sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội hồi tháng 2 vừa qua. Theo ông Griffiths, mối quan hệ này dường như đã được đưa trở lại đúng hướng một cách vững chắc, khi hai nhà lãnh đạo chào đón nhau một cách nồng ấm. Tổng thống Trump thậm chí gợi ý rằng họ có thể tiếp nối cuộc gặp tại DMZ này với một chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Nhà Trắng. Nếu diễn ra, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên trong lịch sử của một nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Mỹ.

Rõ ràng, không thể phủ nhận việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn là một vấn đề nan giải song chừng nào hai bên vẫn duy trì thiện chí đối thoại và hai nhà lãnh đạo tiếp tục "giữ cái đầu lạnh" để giải quyết bất đồng, thì tiến trình phi hạt nhân hóa vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Và vì vậy, cuộc gặp lịch sử ngày 30.6 giữa Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Khu DMZ đã tiếp tục mở ra hy vọng hai bên sẽ có những bước đi mới mang tính đột phá hơn trong thời gian tới.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cái bắt tay nhiều ý nghĩa