"Đại bàng dũng cảm" của Đài Loan cất cánh, Trung Quốc đưa máy bay tiếp cận

22/06/2020 21:49

Brave Eagle, máy bay phản lực huấn luyện nội địa đầu tiên do Đài Loan chế tạo, đã cất cánh ngày 22.6.

Đại bàng dũng cảm của Đài Loan cất cánh, Trung Quốc đưa máy bay tiếp cận - Ảnh 1.

Máy bay phản lực T-5 mang tên “Đại bàng dũng cảm” của Đài Loan cất cánh trong lễ ra mắt sáng 22.6 - Ảnh: REUTERS

Đích thân nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã tới dự lễ ra mắt T-5 Brave Eagle - Đại bàng dũng cảm - tại căn cứ không quân Ching Chuan Kang ở TP Đài Trung sáng 22.6.

Theo trang Focus Taiwan, T-5 Brave Eagle sẽ thay thế các máy bay huấn luyện AT-3 và F-5 có tuổi đời hàng chục năm trong không quân Đài Loan. Chi phí cho việc phát triển máy bay huấn luyện mới lên tới 2,23 tỷ USD và diễn ra trong vòng 3 năm, với 80% thiết kế hoàn toàn mới.

Su Tzu-yun, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh Đài Loan khẳng định T-5 Brave Eagle là một trong những máy bay huấn luyện thế hệ thứ 5 tiên tiến nhất thế giới.

Các phi công được huấn luyện trên T-5 Brave Eagle có thể chuyển thẳng sang lái các tiêm kích F-16V mua từ Mỹ mà không cần phải học chuyển loại. Đài Loan sẽ nhận các tiêm kích hiện đại từ Mỹ trong vòng 3 năm tới.

Chỉ vài tiếng sau lễ ra mắt, Cơ quan quốc phòng Đài Loan cho biết máy bay ném bom H-6 và tiêm kích J-10 của Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) phía tây nam đảo Đài Loan.

Thông báo nhấn mạnh đây là lần thứ 8 máy bay quân sự Trung Quốc bay vào ADIZ của Đài Loan nhưng không nói rõ số lượng. Các máy bay Trung Quốc đã rời đi sau khi bị không quân Đài Loan cảnh báo.

Đại bàng dũng cảm của Đài Loan cất cánh, Trung Quốc đưa máy bay tiếp cận - Ảnh 2.

Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn (giữa) cùng hai phi công lái chiếc T-5 biểu diễn sáng 22.6 - Ảnh chụp màn hình CNA

Mặc dù được gọi là máy bay huấn luyện nhưng theo các chuyên gia quân sự, T-5 Brave Eagle có thể đảm nhiệm vai trò như một cường kích hạng nhẹ.

Máy bay có thể hỗ trợ các lực lượng trên biển và mặt đất nhờ vào các giá gắn bom và tên lửa dưới cánh. Tính năng này tương tự một số loại máy bay huấn luyện khác như T-50 Golden Eagle của Hàn Quốc hay Yak-130 do Nga chế tạo đã được nhiều nước tin dùng.

Dự kiến việc sản xuất hàng loạt T-5 Brave Eagle sẽ bắt đầu vào năm 2022 để cung cấp khoảng 66 chiếc cho lực lượng không quân Đài Loan.

Phát biểu trong lễ ra mắt, bà Thái Anh Văn nhấn mạnh việc chế tạo thành công máy bay huấn luyện T-5 là một minh chứng điển hình cho chính sách tăng cường năng lực phòng thủ bằng các loại vũ khí nội địa của Đài Loan.

Theo Focus Taiwan, bà Thái đưa ra chính sách trên khi mới nhậm chức năm 2016. Mặc dù vấp phải sự nghi ngờ trong giai đoạn đầu, chương trình T-5 Brave Eagle cuối cùng đã đem về "quả ngọt" cho Đài Loan và giúp tạo ra khoảng 2.000 việc làm trong 3 năm.

Máy bay chiến đấu đầu tiên do Đài Loan tự chế tạo là chiếc F-CK-1 Ching-kuo (Kinh Quốc). Không quân Đài Loan hiện có 131 tiêm kích loại này trong biên chế tính đến đầu năm 2020.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Đại bàng dũng cảm" của Đài Loan cất cánh, Trung Quốc đưa máy bay tiếp cận