Về cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Triều đầu tiên sau 8 năm

19/04/2019 17:19

Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm Nga vào cuối tháng này tiếp tục khẳng định sự phát triển của mối quan hệ hữu nghị, láng giềng tốt đẹp giữa hai nước.


Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin

Điện Kremlin vừa ra thông báo cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ tới thăm Nga vào cuối tháng 4.2019 và có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin, theo lời mời của nhà lãnh đạo Nga. Đây sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Triều trong vòng 8 năm qua, sau khi cố lãnh đạo Triều Triên Kim Jong-il gặp cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev năm 2011.

Thông báo kế hoạch chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên


Điện Kremlin không công bố chi tiết thời gian hay địa điểm chính xác của chuyến thăm. Tuy nhiên, hãng tin Kyodo của Nhật Bản đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ thăm Nga trong 3 ngày, từ ngày 24 - 26.4. Kyodo dẫn các nguồn chính thức cũng cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ tới Nga bằng tàu hỏa và cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa ông với Tổng thống Putin sẽ diễn ra trên đảo Russky, ngoài khơi TP Vladivostok, nơi từng diễn ra cuộc họp của các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) do Nga tổ chức hồi năm 2012.

Trước đó, một quan chức Chính phủ Nga cho biết một nhóm nhân viên an ninh Triều Tiên dự kiến sẽ đến Vladivostok ở vùng Viễn Đông Nga trong ngày 23.4 tới, trên một chuyến bay đặc biệt của hãng hàng không quốc gia Triều Tiên Air Koryo. Nhân viên sân bay Vladivostok cũng cho biết chuyến bay đặc biệt của Air Koryo sẽ đến từ Bình Nhưỡng vào sáng 23.4 và trở về thủ đô Triều Tiên ngay trong ngày.

Trong khi đó, một quan chức Chính phủ Nga đã xác nhận một quan chức cấp cao Triều Tiên hiện đang ở Vladivostok. Nhân vật này được cho là ông Kim Chang Son, một phụ tá thân cận của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và là người phụ trách công tác hậu cần cho các chuyến ra nước ngoài của nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Nga khẳng định vai trò trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên

Nga và Triều Tiên đã duy trì quan hệ ngoại giao từ lâu năm, với các dự án hợp tác và đầu tư khá mật thiết trong thời Chiến tranh Lạnh và đã ký hiệp định hữu nghị năm 2000. Quan hệ hai nước, như đánh giá của Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho, là "quan hệ hữu nghị truyền thống". Quan hệ này có phần xấu đi liên quan vấn đề vũ khí hạt nhân, nhưng các diễn biến mới trên bán đảo Triều Tiên kể từ đầu năm 2018 đã khiến Moskva muốn hàn gắn và mở rộng các quan hệ song phương truyền thống lâu đời với Bình Nhưỡng.

Hồi tháng 5.2018, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thực hiện chuyến thăm tới Triều Tiên. Với tuyên bố Nga sẵn sàng ủng hộ các thỏa thuận Mỹ - Triều đáp ứng được lợi ích của các bên liên quan, bao gồm cả Triều Tiên, Ngoại trưởng Nga đã thể hiện rõ rệt rằng Moskva đứng bên cạnh Triều Tiên trong các cuộc đàm phán trong tương lai.

Giới phân tích cho rằng những tuyên bố của Ngoại trưởng Nga dường như nhằm tới nhiều mục tiêu. Một mặt, thể hiện rằng Nga luôn là người bạn, là đồng minh, là "nước láng giềng thân thiện" của Triều Tiên và sẵn sàng hỗ trợ, ủng hộ Bình Nhưỡng cả về chính trị lẫn kinh tế. Mặt khác, Nga muốn tái khẳng định quan điểm của mình về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, như những gì nước này đã từng thể hiện nhiều năm qua khi tham gia các vòng đàm phán về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Điều quan trọng hơn, đây giống như một thông điệp rằng Nga không muốn và cũng không thể "đứng ngoài" tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Nói cách khác, Nga đang thể hiện vai trò của một cường quốc trong những vấn đề nóng của thế giới.

Nga vốn là một thành viên trên bàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên (từ năm 2003-2008), cơ chế đã giúp đạt nhiều kết quả khả quan. Cụ thể là tuyên bố chung 6 điểm tại vòng đàm phán thứ tư năm 2005, theo đó Triều Tiên cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân trong khi Mỹ khẳng định tôn trọng chủ quyền của Triều Tiên và không triển khai vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tiếp đó là thỏa thuận chung tại vòng đàm phán thứ 5 diễn ra đầu năm 2007, Triều Tiên nhất trí bắt đầu các động thái ngừng hoạt động các cơ sở hạt nhân hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trong khi Mỹ thực hiện cam kết hỗ trợ kinh tế. Khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bùng phát hồi năm 2017 với những màn đối đầu gay gắt giữa Mỹ và Triều Tiên, Nga đã cùng với Trung Quốc đưa ra đề xuất “đóng băng kép” nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Rõ ràng Nga vẫn có một vai trò nhất định trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Ngày 15.4 vừa qua, Điện Kremlin cho biết cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Tổng thống Nga Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang được tích cực chuẩn bị.

Triều Tiên tái khẳng định quan hệ về tìm kiếm sự ủng hộ từ Nga

Nhìn từ góc độ Triều Tiên, có thể thấy Bình Nhưỡng muốn tái khẳng định quan hệ vững chắc từ lịch sử với Nga và cũng tìm kiếm sự ủng hộ của Moskva trong đàm phán về phi hạt nhân hóa. Xét trên quan điểm này, việc Nga ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên theo từng giai đoạn và kêu gọi giảm bớt theo từng giai đoạn các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng song song với tiến bộ đạt được trong tiến trình phi hạt nhân hóa, cho thấy Triều Tiên phần nào đạt được mục tiêu. Với sự ủng hộ của Nga, vị thế của Triều Tiên trên bàn đàm phán về phi hạt nhân hóa rõ ràng có sức nặng hơn.

Một số chuyên gia nhận định, cùng với Trung Quốc, Nga dường như là “vị khách không mong muốn” đối với Mỹ trong các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Các lợi ích đan xen giữa một bên là Mỹ với các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản, với bên kia là Triều Tiên với các đồng minh là Nga, Trung Quốc, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến những mục tiêu của Tổng thống Mỹ Trump trên bàn đàm phán. Tổng thống Mỹ muốn đạt kết quả ngay lập tức, một thỏa thuận phi hạt nhân hóa hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng, đổi lại viện trợ lương thực, đầu tư và các hỗ trợ khác. Nhưng phía Triều Tiên cũng muốn đạt các thành quả chiến lược và thương mại khi yêu cầu Mỹ dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp trừng phạt.

Sau khi hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc ngày 28.2 vừa qua ở Hà Nội mà không tìm được tiếng nói chung liên quan các bước đi phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng với việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Washington, Triều Tiên đã thúc đẩy hoạt động ngoại giao với Nga.

Trong cuộc gặp tại Moskva ngày 14.3 giữa Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Im Chon-il và người đồng cấp Nga Igor Morgulov, Triều Tiên và Nga đã nhất trí đẩy mạnh "liên lạc cấp cao", đồng thời tăng cường hợp tác về kinh tế cũng như trong lĩnh vực nhân đạo và nhiều lĩnh vực khác. Cùng với đó, một kế hoạch trao đổi năm 2019-2020 giữa Bộ Ngoại giao hai nước đã được ký kết sau các cuộc đàm phán.

Ngày 20.3, Rodong Sinmun, tờ báo lớn nhất của Triều Tiên đã đánh giá cao mối quan hệ ngày càng vững mạnh giữa nước này với Nga. Trong bài xã luận nhân kỷ niệm 70 năm Triều Tiên và Nga ký thỏa thuận về hợp tác kinh tế và văn hóa, Rodong Sinmun cho rằng quan hệ giữa hai nước "hoàn toàn phù hợp với mong muốn và lợi ích của hai bên". Bài viết nhấn mạnh "hai nước có chung mục tiêu phản đối sự can thiệp cũng như sức ép của nước ngoài và bảo vệ chủ quyền của mình". Theo tờ Rodong Sinmun, đảng Lao động và người dân Triều Tiên có "ý chí mạnh mẽ" phát triển các mối quan hệ với Nga phù hợp với mong muốn và lợi ích của hai dân tộc.

Sau khi cuộc đàm phán thượng đỉnh lần thứ hai về vấn đề hạt nhân giữa Mỹ với Triều Tiên không đạt đột phá đã xuất hiện những đồn đoán rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể sẽ sớm thăm Nga.

Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiến hành chuyến thăm Nga vào cuối tháng này đã tiếp tục khẳng định sự phát triển của mối quan hệ hữu nghị, láng giềng tốt đẹp giữa hai nước, nhân dân hai nước, cũng như thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Về cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Triều đầu tiên sau 8 năm