Vì sao Nhật Bản cấm dùng axit benzoic trong thực phẩm?

08/04/2019 11:17

Vừa qua, lô tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật Bản vì có chứa chất bảo quản axit benzoic. Câu hỏi đặt ra là tại sao Chính phủ Nhật lại cấm dùng chất này trong một số loại thực phẩm, trong đó có tương ớt?


Lô tương ớt Chin-su bị Nhật Bản thu hồi

Axit benzoic (C7H6O2) là chất thuộc nhóm các chất bảo quản (preservatives) được dùng với mục đích làm chậm đi tiến trình phân hủy thực phẩm, thức uống do vi khuẩn, men và nấm mốc, nhờ đó giúp sản phẩm không bị hư hỏng trong quá trình chờ tiêu thụ.

Nguy cơ gây ung thư khi kết hợp với ớt, cà chua...

Axit benzoic có dạng chất rắn tinh thể, được tìm ra vào thế kỷ 16. Vào đầu thế kỷ 20, axit này được sử dụng làm thuốc trừ sâu, giảm đau và sát trùng, điều trị các bệnh như nấm da, giun đũa và bệnh nấm nông ở chân (athletic’s foot).

Các sản phẩm điều chế từ nó như muối benzoate sodium, benzoate kali và benzoate calci gọi chung là nhóm các chất benzoic-benzoate, được dùng rất phổ biến trong ngành chế biến thực phẩm và thức uống.

Từ đầu những năm 1900, người ta đã biết rằng axit benzoic và các benzoate khi gặp vitamin C có trong thực phẩm và thức uống sẽ tạo phản ứng sinh ra benzene. Nhưng phải đến năm 1980, sau các nghiên cứu công phu, giới khoa học đi đến kết luận rằng benzene là chất gây ung thư (carcinogen).

Mức độ độc hại của benzene được xếp loại là chất gây ung thư nhóm A1 (đã được xác nhận là gây ung thư cho người), theo phân loại của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) và Cơ quan quốc tế nghiên cứu về ung thư (IARC). Do đó, y giới khuyến cáo con người tránh hấp thu benzene qua đường thở (không khí ô nhiễm), hoặc đường ăn uống (thực phẩm, nước uống).

Trước đây, benzene được dùng rộng rãi trong ngành sản xuất cao su ở Mỹ. Nhưng sau đó, nó đã bị cấm vì gây bệnh bạch cầu leukemia (ung thư máu và tủy xương) cho các công nhân thường xuyên tiếp xúc với chất này.

Trong trường hợp tương ớt, lý do là ớt có hàm lượng vitamin C rất cao (hàm lượng C của ớt gấp 3 lần của cam tính trên cùng trọng lượng tương ứng). Do đó, sẽ có nguy cơ axit benzoic trong tương ớt phản ứng với vitamin C tạo ra benzene gây ung thư, một điều đã được khoa học chứng minh từ lâu.

Không chỉ ớt mà đa số các loại rau củ quả, trái cây đều chứa vitamin C, nên việc sử dụng benzoic, benzoate trong quá trình bảo quản các sản phẩm từ rau củ quả, trái cây, nước chấm có ớt hay cà chua đều làm tăng khả năng sinh ra benzene.

Hơn nữa, theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bản thân nhóm benzoic - benzoate cũng gây độc ở người nếu tiêu thụ nhiều hơn 5 mg/kg thể trọng mỗi ngày.

Vì axit benzoic và các benzoate là độc hại, do đó, hàm lượng có thể được thêm vào thực phẩm được kiểm soát rất chặt chẽ. Theo hướng dẫn của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), giới hạn lượng axit benzoic hoặc benzoate chỉ cho phép ở mức 0,05 đến 0,1% theo thể tích. Tức là, một người nặng 50kg không nên dùng quá 0,25g các chất này mỗi ngày.

Theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam, liều lượng benzoate cho phép trong thực phẩm là 1.000 miligram, tức là 1 gram trên 1 kg thực phẩm. Có thể quy ra cụ thể như sau: một trẻ em 5 tuổi, nặng 20kg chỉ có thể ăn tối đa 100g bánh kẹo có sử dụng benzoate theo đúng liều lượng quy định nói trên.

Phạt tù, thu hồi sản phẩm có axit benzoic

Malaysia đã cấm dùng axit benzoic và các benzoate trong chế biến thực phẩm có chứa vitamin C theo một đạo luật ban hành từ năm 1985. Theo luật này, mức phạt tối đa là 5 năm tù giam hoặc chịu phạt đến 20.000 ringgit cho kẻ vi phạm.

Tháng 1.2018, công ty chế biến thực phẩm EHH Food Industry Sdn Bhd ở nước này đã bị phạt 10.000 ringgit vì đưa ra thị trường loại mì Laksa Pendek có chứa chất cấm này.

Năm 2007, Cơ quan thanh tra thực phẩm Cộng hòa Czech đã ra lệnh cho chuỗi siêu thị Billa phải thu hồi toàn bộ lô dưa chuột ngâm dấm có dùng axit benzoic. Qua kiểm tra, hàm lượng chất bảo quản này lên đến 356 mg trong 1 kg sản phẩm.

Lô hàng này do một doanh nghiệp ở Ba Lan sản xuất và xuất khẩu sang Czech dưới dạng đóng gói 500g/bao. Cơ quan chức năng Czech đã báo cáo sự việc lên Ủy ban châu Âu và gửi thông báo khẩn đến các nước thuộc khối EU.

Hiện nay, các nước EU đang gây áp lực với các hãng sản xuất thực phẩm lớn để họ tự nguyện thôi dùng benzoate sodium làm chất bảo quản. Nhiều hãng truyền thông châu Âu đã mở chiến dịch vận động chính phủ ban hành lệnh cấm dùng chất này trong chế biến thực phẩm.

Ngược lại, ở Mỹ, chính phủ và giới truyền thông lại không lên tiếng về vấn đề này. Người ta cho rằng lý do là ngành công nghiệp hóa chất ở Mỹ có thế lực cực kỳ hùng hậu và được che chắn rất kỹ trước mọi sự săm soi từ bên ngoài.

Tại nước này, có rất ít nghiên cứu về tác động tiêu cực của benzoate sodium lên sức khỏe trẻ em. Nhà khoa học nào tiến hành nghiên cứu và bạo gan công bố các kết quả tiêu cực về benzoate sodium là coi như tự hủy hoại sự nghiệp của mình.

Dù benzoate sodium có trong tự nhiên ở các loại quả như táo, việt quất (blueberry), nam việt quất (cranberry), mận, quế, nhưng lại không độc hại như chất tổng hợp nhân tạo. Lý do là chất tự nhiên không có khả năng sát trùng để bảo quản thực phẩm như loại nhân tạo.

Một số nghiên cứu cho thấy benzoate sodium nhân tạo còn có khả năng gây tổn thương cho DNA của con người.

Làm sao kiểm tra axit benzoic trong thực phẩm?

Toàn cầu hóa thương mại góp phần không nhỏ vào việc đa dạng và phong phú của các sản phẩm thực phẩm trên thế giới. Nhưng vấn đề đặt ra là có thể một loại thực phẩm nào đó được sản xuất ở một khu vực địa lý này thì phù hợp, nhưng lại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và chế độ ăn của con người ở một khu vực khác.

Do đó an toàn thực phẩm toàn cầu, bao gồm các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết. Các tiêu chuẩn này thiết lập bởi Ban kỹ thuật Codex quốc tế về Vệ sinh thực phẩm (CCFH - Codex Committee on Food Hygiene).

Hiện nay, hệ thống tiêu chuẩn Codex quốc tế đã có hơn 1.200 các loại tiêu chuẩn, văn bản hướng dẫn, quy phạm thực hành vệ sinh đối với thực phẩm và nhóm thực phẩm.

Tất cả phụ gia thực phẩm đều được phân nhóm và đánh số chi tiết theo mã codex. Đó chính là con số thường ghi trong ngoặc sau tên hóa học của các thành phần ghi trên bao bì thực phẩm và đồ uống. Riêng đối với các nước EU, Úc, New Zealand, Israel và gần đây là Canada, thì mã có thêm tiền tố đầu là chữ E.

Có thể kể ra một số nhóm chính:

- Các chất phẩm màu thực phẩm mang mã số từ 100 - 199.

- Các chất bảo quản mang mã số từ 200 - 299. Trong đó axit benzoic mang mã số 210, benzoate sodium có mã số 211, benzoate kali là mã 212 và benzoate calci có mã 213.

- Chất chống oxy hóa và chất điều chỉnh độ axit mang mã số từ 300 - 399.

- Chất tạo đặc, chất ổn định và chất nhũ hóa mang mã số từ 400 - 499.

- Chất điều chỉnh độ chua và chất chống vón mang mã số từ 500 - 599.

- Các chất điều vị (thực chất là các loại bột ngọt, siêu bột ngọt): mang mã số 600 - 699. Cụ thể như monosodium glutamate có mã số 621 chính là bột ngọt (mì chính) mà chúng ta vẫn dùng trong nấu ăn hàng ngày.

- Các chất kháng sinh mang mã số từ 700 - 799.

- Các chất phụ gia hỗn hợp (gồm chất bao bề mặt, khí, chất tạo vị ngọt) mang mã số từ 900 - 999.

- Các chất không thuộc sơ đồ phân loại tiêu chuẩn mang mã số 1100 - 1500: Trong đó, nhóm tinh bột mang mã số 1422 và 1442, có tác dụng làm đặc, ổn định và tăng độ dẻo của sản phẩm.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao Nhật Bản cấm dùng axit benzoic trong thực phẩm?