Chu kỳ vàng của Liverpool

21/09/2020 14:33

Cuộc đối đầu giữa Chelsea và Liverpool không mang lại sự kịch tính như nhiều người chờ đợi. Tuy nhiên, nó cũng phản ánh sức mạnh của nhà đương kim vô địch Premier League.

Trận cầu tâm điểm của vòng 2 Premier League đã không hấp dẫn như mong đợi vì tính một chiều của nó. Tất nhiên, giải đấu còn 36 vòng nữa và sẽ nhiều chuyện bất ngờ còn xảy ra, nên chúng ta chưa thể nói trước điều gì. Nếu cần rút ra điều gì từ trận Chelsea - Liverpool, chúng ta hoàn toàn có thể nhận xét kỷ nguyên của Liverpool đã thực sự bắt đầu.

Băn khoăn thẻ đỏ

Không ai có thể phủ nhận chiếc thẻ đỏ cho Christensen ở phút cuối hiệp một đã thay đổi toàn bộ cục diện trận đấu. Nó làm chiến thắng của Liverpool bớt hoàn hảo.

Nó cũng làm màn ra mắt của Thiago chưa thực sự là kiểm chứng nặng đô. Hơn hết, nó làm người xem bóng đá cảm thấy một thứ gì đáng được trông đợi bỗng dưng bị đánh cướp.

Không dính thẻ đỏ, Chelsea thực tế khó chiến thắng Liverpool. Cơ bản, Liverpool sở hữu những cầu thủ chất lượng, kinh nghiệm hơn, và đội hình của họ chơi cạnh nhau quá lâu để có sự nhịp nhàng ăn ý vượt trội.

Chelsea không dính thẻ đỏ, huấn luyện viên (HLV) Lampard đã có thể có kế hoạch khác, và chúng ta khó dám phủ nhận hoàn toàn cơ hội kế hoạch ấy phát huy tác dụng kể cả khi xác suất xảy ra là rất nhỏ.

Nhìn thấy rõ cách Lampard "đọc" Liverpool như thế nào. Chơi bóng kiểu gegenpressing, Liverpool sẽ luôn có hàng thủ dâng cao để giữ cự ly và khối đội hình. Trong hàng thủ dâng cao đó, Klopp luôn yêu cầu Van Dijk là người phải "bật chế độ tháp canh" để cảnh giác các đường chuyền bổng vượt tuyến. Và Lampard đã vạch ra kế hoạch để đối phó lối chơi ấy một cách khá rõ ràng. Chỉ có điều, học trò của ông chưa bắt nhịp một cách sớm nhất mà thôi.

Chủ động lui về tạo khối ở sân nhà, nhử tuyến tiền đạo và tiền vệ của Liverpool dâng cao, tổ chức phòng ngự chắc chắn, với mật độ cầu thủ cao và cự ly đội hình gần nhau, Chelsea trông chờ vào bài phản công là các đường chuyền xuyên tuyến bóng thấp cự ly trung bình lên cho Werner phá bẫy phòng ngự bóng bổng của đối thủ. Chính vì thế, Werner luôn xuất hiện ở khu vực "đệm tuyến" (between the line - không gian giữa hàng thủ và hàng tiền vệ Liverpool) để mai phục.

Và ở đầu hiệp một, đã có 1-2 tình huống Chelsea thực hiện được bài phản công này, với cách Werner ở vùng "đệm tuyến" này di chuyển vào khe giữa hậu vệ biên và trung vệ Chelsea. Đây là đòn đánh duy trì mà Lampard kỳ vọng nếu nó cho thấy hiệu quả, ông có thể tung Tammy Abraham vào sân ở nửa sau hiệp 2 để dùng thêm tốc độ của cầu thủ này uy hiếp Liverpool lúc đối thủ đã thấm mệt.

Tuy nhiên, chiếc thẻ đỏ đã đập nát kế hoạch của Lampard. Và chiếc thẻ đỏ này sẽ còn gây tranh cãi rất nhiều, bởi nó đúng luật nhưng thực chất lại xuất phát từ đánh giá thiếu định lượng cụ thể để trở thành phán quyết lý tính tâm phục khẩu phục.

chu ky vang cua liverpool anh 2

Tình huống Christensen phạm lỗi với Mane là bước ngoặt của trận đấu. Ảnh: Getty

Christensen phạm lỗi với Mane rất rõ và cực thô. Xem tình huống ấy, ai cũng nghĩ là trung vệ Chelsea đang thi đấu WWE chứ không phải bóng đá. Trọng tài Paul Tierney thổi phạt nhưng sau đó lập tức sử dụng VAR để đi tới phán quyết khác. Ông đánh giá đó là tình huống Mane có thể ghi bàn và do đó rút ngay thẻ đỏ.

Đúng luật. Không có gì để cãi. Ngăn cản một tình huống có thể dẫn tới bàn thắng là điều luật đã tồn tại từ lâu, và không ít người dính thẻ đỏ vì nó rồi. Tuy nhiên, tình huống của Mane có phải là một tình huống có thể dẫn tới bàn thắng hay không?

Đây sẽ là vấn đề còn phải tranh cãi dài. Thế nào là có thể dẫn đến bàn thắng? Nó rất chung chung và bản thân câu chữ cũng đã mập mờ khi dùng hai tiếng "có thể". Và có thể dẫn tới bàn thắng đồng nghĩa với câu “có thể không dẫn tới bàn thắng”.

Tierney tin vào khả năng dứt điểm của Mane, vào trình độ của Mane nên ông quyết định "có thể dẫn tới bàn thắng". Nếu là trọng tài khác thì sao? Ông trọng tài khác ấy hoàn toàn có thể tin vào khả năng, trình độ của Kepa để quyết định ngược lại chứ? Bản chất của quyết định nằm ở đây: niềm tin của trọng tài.

Thường thì các trọng tài phân tích tình huống này sẽ thiên về kết luận nếu chỉ còn một mình cầu thủ đối diện thủ môn, khả năng có bàn thắng là cao hơn. Như vậy, rất rõ ràng, không một ai tin vào các thủ thành, kể cả người ấy là Van der Sar, Buffon, Cech đi chăng nữa.

Bởi vậy mới có thể tạo nên tranh cãi mà phần đúng về luật nằm ở phía thừa nhận thẻ đỏ. Tuy nhiên, không mấy ai nghĩ đến sự mập mờ của luật khi dùng một từ liên quan đến xác suất là “có thể”. Đã là có thể, nó là năm ăn, năm thua.

Chỉ có điều đáng tiếc lớn nhất là khi Chelsea chống Liverpool ở thế 10 với 11, trận đấu coi như đã hoàn thành ngay ở điểm xuất phát của hiệp 2. Và mọi thước đo cho năng lực của Lampard, Timo Werner, Harvezt, Thiago đều bị uốn cong đi một chút chỉ vì chiếc thẻ đỏ ấy.

Thế lực Liverpool đã hiện hình

Nhắc đến Premier League, quá nhiều năm chúng ta quen với cuộc đua tay đôi Man United - Arsenal, rồi sau đó là cuộc đua tay 3 với thêm Chelsea góp mặt. Rồi sau đó là hình thành top 4 và một thời gian thêm nữa với đầu tư của giới chủ mới, Man City nhập cuộc, Tottenham nổi lên để khái niệm "Big 6" định hình.

Cho dù số lượng đại gia có thế nào đi nữa, không một ai có thể phủ nhận đã có thời kỳ dài Premier League là kỷ nguyên vàng của Man United. Đó là đội bóng "định nghĩa" Premier League trên trường quốc tế bằng sức mạnh và sự hấp dẫn của mình. Có thể nói, trong vòng 20 năm qua, Man United dù thăng trầm thế nào, vẫn được coi là lực lượng biểu tượng của bóng đá Anh khi thiết lập một kỷ nguyên vàng của mình.

Trước Man United, Liverpool từng có một kỷ nguyên vàng như thế, kéo dài từ khoảng đầu thập niên 1960 cho tới thảm hoạ Heysel. Rồi sau đó, họ chìm trong khoảng thời gian gần 30 năm trong vai trò kép phụ của bóng đá Anh với không ít lời giễu nhại cay đắng mà họ phải nhận về từ miệng lưỡi của những cổ động viên kình địch.

Tất nhiên, trong 30 năm ấy không phải Liverpool không có cúp nhưng thực chất, các danh hiệu họ đạt được không có sự tiếp nối, mà xen giữa chúng là khoảng thời gian vài năm. Các gián đoạn chờ đợi kiểu ấy không đủ để Liverpool được nhìn nhận đúng nghĩa là thế lực thống trị như cái cách Man United, Chelsea hay Man City từng làm.

Và hơn hết là tính ổn định về phong độ chơi bóng trên sân. Trước đây, có thể có một mùa Liverpool đá hừng hực như thể họ sẽ về đích ở ngôi đầu bảng nhưng lập tức ở mùa sau đó, họ lại trở thành "bình vôi" trong cuộc chiến của những ông lớn nhăm nhe chức vô địch Premier League. Việc thiếu sự ổn định về bản lĩnh này khiến Liverpool không được đánh giá đúng bản chất là thế lực vĩ đại của bóng đá Anh. Và cứ thế, họ độc hành.

Hôm nay, chúng ta nhìn thấy Liverpool rất khác. Sau chức vô địch Champions League 2019 là chức vô địch Premier League 2019/20. Và ngay sau chức vô địch chờ đợi 30 năm, họ xuất quân ở Premier League với sức mạnh không những được bảo tồn, mà thậm chí được phát huy thêm một cách đáng gờm.

Nếu so sánh hàng công của Premier League, không một ai dám thắc mắc về vị trí số một dành cho Liverpool. Ngay cả HLV lão làng Pep Guardiola cũng ngại hàng công ấy. Nó không chỉ là hàng công để "đe dọa" Premier League đơn thuần, mà còn là hàng công đủ khiến châu Âu phải rón rén đón tiếp.

Khi đội bóng giới thiệu được một hàng công gây kinh ngạc, sẽ luôn có 2 đáp án xảy ra sau đó. Đáp án thứ nhất, họ duy trì hàng công ấy nhiều năm để đi lên đỉnh cao danh hiệu. Đáp án thứ hai, họ buộc phải bán ngôi sao hàng công cho các đội bóng vĩ đại và cặm cụi làm lại từ đầu.

chu ky vang cua liverpool anh 3

HLV Juergen Klopp giúp Liverpool trở lại kỷ nguyên thống trị. Ảnh: Getty

Sự tồn tại của bộ ba Mane - Firmino - Salah kéo dài trong kỷ nguyên Klopp cho thấy Liverpool đang đứng ở đội ngũ hiếm hoi được quyền chọn đáp án thứ nhất. Không còn cái thời phải bán Torres, Suarez. Thời kỳ ấy, không phải Liverpool không có tiền để giữ chân cầu thủ. Cái họ thiếu là niềm tin. Cầu thủ không tin Liverpool có thể trở thành thế lực thống trị.

Cái Liverpool có được hôm nay, và tất nhiên khác biệt xa với chính họ nhiều năm trước, nằm ở niềm tin ấy. Và khi đội hình tốt được bảo tồn sau một mùa giải thành công, nó lại tạo thêm sức hút niềm tin cho các cầu thủ ngôi sao từ các đội bóng khác. Sự xuất hiện của Thiago và Jota ở kỳ chuyển nhượng mùa hè này minh chứng cho sức hút ấy của Liverpool.

Man United từng mạnh càng mạnh thêm nhờ sức hút này. Chelsea cũng vậy. Dường như điểm đến ưa thích của các ngôi sao số má bây giờ là Liverpool, Man City chứ không phải 2 thế lực hùng hậu đã cũ. Nhiều người khen ngợi chính sách mua sắm hè này của Liverpool là khôn ngoan. Đúng, nhưng khôn ngoan ấy không chỉ đến từ những bộ óc chiến lược, mà nó đến từ chính sức mạnh tự thân.

Thiago hôm chủ nhật rồi đã có màn ra mắt không thể chê vào đâu được. Nó khiến tất cả tiền vệ khác được mua về Premier League mùa hè 2020 trở nên mờ nhạt. Tất nhiên, một phần lợi thế cũng đến từ việc Chelsea còn 10 người và chơi co cụm, lộ nhiều khoảng trống cho Thiago rảnh chân. Tuy nhiên, chất lượng "world class" là không thể phủ nhận. Cầu thủ ở "mâm" nào, tất nhiên họ sẽ tìm về "mâm" đó.

Bóng đá cũng như mọi thứ khác trên đời, đều có chu kỳ của nó. Qua chu kỳ vàng có thể sẽ là chu kỳ vất vả chống chọi để xây dựng lại mất vài năm, mười năm, thậm chí vài mươi năm. Sau chu kỳ chống chọi ấy, nếu xây dựng đúng hướng, gặp đúng người, gặp duyên, sẽ tái tạo được chu kỳ vàng.

Và không phải quá dễ dãi để nhận xét chu kỳ vàng của Liverpool đã trở lại. Đơn giản, nó thể hiện rành rành ra đó, ngay trên sân cỏ. Đó là kết quả của quá trình của niềm tin khi lựa chọn đúng mà bắt nguồn từ niềm tin dành cho một HLV, thứ mà các thế lực cũ không có nên dẫn đến tự đánh mất chính mình.

Theo Zing

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chu kỳ vàng của Liverpool