Cuộc đua giành thị phần bảo hiểm thân thể học sinh

13/10/2019 13:09

Những năm gần đây, thị trường bảo hiểm thân thể học sinh ngày càng cạnh tranh mạnh mẽ.

Một số doanh nghiệp bảo hiểm tạo lợi thế riêng bằng việc chia sẻ khó khăn với các trường như trao học bổng, quà cho học sinh. Trong ảnh: Bảo hiểm Dầu khí Hải Dương thường xuyên hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Những đơn vị truyền thống phải căng mình duy trì thị phần đã có, còn những đơn vị mới lại ra sức giành giật "phần đất" về mình.

Khó "chen chân"

Theo số liệu chưa đầy đủ, tỉnh ta hiện có ít nhất 8 doanh nghiệp đang khai thác, phát triển dịch vụ bảo hiểm thân thể (BHTT) học sinh.

Ngoài một số doanh nghiệp truyền thống như Bảo Việt, Bảo Minh, Bảo hiểm Dầu khí, Bảo hiểm Petrolimex thì các đơn vị còn lại là Bảo hiểm Bưu điện, Bảo Long, Bảo hiểm Quân đội, Bảo hiểm Hàng không đều mới xuất hiện.

Trong đó, Bảo Việt vẫn là đơn vị chiếm thị phần lớn với hơn 60%, tiếp đến là Bảo hiểm Dầu khí, Bảo hiểm Petrolimex, Bảo Minh.

Đối với doanh nghiệp "chân ướt, chân ráo" vào khai thác thị trường BHTT học sinh thì đây không phải "miếng bánh" dễ xơi.

Chị Phạm Thị Thanh Vân, Trưởng Phòng Kế hoạch kinh doanh (Bưu điện tỉnh) cho biết: "Nhiều năm trước, ngành bưu điện đã khai thác dịch vụ BHTT trong trường học nhưng không được. Năm học 2018 - 2019, ngành quyết tâm quay trở lại lĩnh vực này. Tuy rất nỗ lực khai thác nhưng đến nay, ngành mới phát triển được ở hơn 20 trường học với gần 5.500 học sinh, giáo viên tham gia, chủ yếu ở TP Hải Dương".

Doanh nghiệp bảo hiểm đã hoạt động nhiều năm muốn mở rộng thị trường cũng không đơn giản. Hiện nay, Bảo hiểm Dầu khí là đơn vị có thị phần lớn thứ 2.

Sau 7 năm đi vào khai thác, Bảo hiểm Dầu khí hiện mới có khoảng 14% thị phần Hải Dương.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Bảo hiểm Dầu khí Hải Dương chia sẻ: "Để khai thác được thị trường mới chúng tôi rất vất vả. Khó khăn nhất là làm sao tiếp cận và lấy được thị phần của những đơn vị làm trước và đã gắn bó với họ nhiều năm".

Tạo lợi thế riêng

Hiện nay, phí BHTT được hầu hết các doanh nghiệp đưa ra cùng một mức. Trong đó, đối với các trường mầm non, tiểu học, THCS có mức 150.000 đồng/người/năm, trường THPT 200.000 đồng/người/ năm.

Để từng bước chiếm lĩnh, duy trì thị phần, các đơn vị chủ yếu hướng vào quyền lợi mà khách hàng được hưởng. Những đơn vị đi sau thường cố gắng nâng mức chi trả để tạo lợi thế cạnh tranh với những đơn vị đi trước. Có doanh nghiệp chi trả cao hơn từ 5 - 10% so với doanh nghiệp khác.

Cùng với đó, các doanh nghiệp đều quan tâm tạo thuận lợi, nhanh chóng giải quyết quyền lợi cho đối tượng.

Với lợi thế có đội ngũ cán bộ, nhân viên bưu điện ở các xã, phường, thị trấn, nên khi tiếp nhận hồ sơ của đối tượng, tùy vào mức độ thương tật, Bảo hiểm Bưu điện có thể chi trả ngay.

"Để tiện cho việc chi trả, chúng tôi đề nghị nhà trường hoặc phụ huynh dùng điện thoại thông minh chụp hồ sơ bệnh án, giấy tờ liên quan rồi gửi qua mạng xã hội như Facebook, Zalo. Trên cơ sở này, cán bộ, nhân viên phụ trách xem xét để tính quyền lợi được hưởng cho khách hàng. Việc làm này giúp khách hàng đỡ tốn thời gian đi lại và giải quyết chế độ nhanh chóng", chị Phạm Thị Thanh Vân cho biết thêm.

Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh bảo hiểm cũng chú trọng việc chăm sóc khách hàng, đồng hành, chia sẻ khó khăn với các nhà trường, tích cực tham gia công tác xã hội như tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ giáo viên, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gặp tai nạn, rủi ro, tài trợ cho một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao...

Nhiều doanh nghiệp cùng khai thác dịch vụ BHTT, người mua sẽ được hưởng lợi nhất. Tuy nhiên, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp không phải lúc nào cũng lành mạnh và đúng luật.

Thời gian qua, để duy trì và phát triển thị phần, một số doanh nghiệp đã sử dụng quan hệ cá nhân hoặc nhờ sự tác động của cơ quan quản lý cấp trên can thiệp. Một số doanh nghiệp đã đánh vào tâm lý người mua khi tăng mức hưởng nhưng lại ở trường hợp thương tật, tai nạn rất hiếm xảy ra. Nếu không tìm hiểu kỹ, người mua sẽ dễ nhầm lẫn.

Một vài doanh nghiệp chỉ có trụ sở ở cấp tỉnh, không có hoặc có rất ít văn phòng đại diện, đại lý cấp huyện nên giải quyết quyền lợi cho người mua chưa kịp thời.

Để bảo đảm quyền lợi cho giáo viên, học sinh, các nhà trường cần tìm hiểu kỹ về năng lực, uy tín, trách nhiệm, tinh thần phục vụ của từng doanh nghiệp, từ đó có sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp.

Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường quản lý để tránh xảy ra tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh.

DANH TRUNG

Thủ tục thanh toán bảo hiểm thân thể học sinh

1. Đối tượng hưởng BHTT là học sinh, sinh viên các hệ đào tạo chính quy học tập tại trường có tham gia BHTT theo khóa học và đã nộp phí BHTT cho toàn bộ khóa học vào đầu năm học (BHTT học sinh không bắt buộc toàn bộ học sinh, sinh viên phải tham gia). 

2. Quyền lợi của học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm: Học sinh, sinh viên được thanh toán chế độ bảo hiểm trong các trường hợp: tử vong, thương tật thân thể do tai nạn; phẫu thuật, nằm viện do ốm đau, tai nạn; ốm đau, bệnh tật nằm viện điều trị, phẫu thuật nhưng không qua khỏi dẫn đến tử vong được trả trợ cấp mai táng phí. 

3. Thủ tục thanh toán BHTT học sinh: Đối với trường hợp điều trị nội trú (nằm viện) cần có: giấy ra viện, giấy chứng nhận phẫu thuật (nếu người tham gia bảo hiểm phẫu thuật), kết quả chụp X-quang (nếu người tham gia bảo hiểm bị gãy xương). Trường hợp điều trị ngoại trú (không nằm viện) cần: sổ khám bệnh (ghi rõ thương tật), kết quả chụp X-quang (nếu người tham gia bảo hiểm bị gãy xương). Các chứng từ phải có dấu đỏ pháp lý của cơ sở khám chữa bệnh. 

4. Nơi giải quyết chế độ BHTT là tổ chức hành chính tại các cơ sở giáo dục công lập, dân lập. Mức chi trả bảo hiểm cho người thụ hưởng căn cứ vào thương tật thực tế và thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc đua giành thị phần bảo hiểm thân thể học sinh