Người chăn nuôi trong "bão" dịch tả lợn châu Phi. Bài 1: Tiêu thụ thịt lợn khó khăn

02/04/2019 08:23

Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) bùng phát tại nhiều địa phương trong tỉnh làm giá thịt lợn liên tục giảm và giảm sâu, việc tiêu thụ thịt lợn gặp khó khăn.

Do dịch tả lợn châu Phi nên mức tiêu thụ thịt lợn ở các chợ giảm một nửa so với trước

Nghỉ bán

Gần đây, chị Phùng Thị Lý ở thôn Đồng Lại, xã Liên Hồng (Gia Lộc) không nhập thịt lợn về bán mà chuyển sang bán các loại thực phẩm khác như bò, trâu, gà, vịt... Chị Lý cho biết: "Đồng Lại là thôn đầu tiên của xã có lợn bị nhiễm bệnh DTLCP. Ngay sau khi xã công bố dịch, cán bộ thú y xã đã yêu cầu chúng tôi tạm thời dừng bán thịt lợn một thời gian để tránh lây lan mầm bệnh".

Ngày 17.3, bệnh DTLCP đã xuất hiện ở xã Liên Hồng. Khi phát hiện hộ chăn nuôi đầu tiên có lợn bị nhiễm bệnh, xã đã lập chốt kiểm dịch ngay ở đầu làng. Riêng thôn Đồng Lại, nơi có ổ DTLCP thì “nội bất xuất, ngoại bất nhập". Khâu kiểm dịch nghiêm ngặt nên bất cứ tiểu thương nào muốn nhập thịt lợn về bán đều phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ và có đầy đủ dấu kiểm dịch. "Nếu như trước đây, trong buổi sáng, tôi có thể bán được từ 20-30 kg thì những ngày gần đây tôi không dám nhập thịt lợn về nữa vì có bán cũng không ai mua", chị Lý nói thêm.

Không chỉ trong vùng có dịch mà ngay cả những khu vực lân cận thịt lợn cũng chung tình trạng ế ẩm. Mặc dù thôn Thanh Xá (cùng xã Liên Hồng) không có bệnh DTLCP nhưng các sạp bán thịt lợn vẫn vắng khách. 

Bệnh DTLCP khiến giá lợn hơi trên thị trường “lao dốc”. Giá lợn hơi hiện còn trên 30.000 đồng/kg, giảm gần một nửa so với trước khi có dịch. Với giá bán này, sau khi trừ chi phí thức ăn, thuốc men, nhân công, nhiều hộ chăn nuôi dễ thua lỗ.

Thị trường gần như “đóng băng”

Phun thuốc khử trùng trước khi đưa lợn bị bệnh đi tiêu hủy

Tại những khu vực có lợn nhiễm bệnh DTLCP, loa truyền thanh liên tục tuyên truyền các thông tin về bệnh dịch, đặc biệt nhấn mạnh bệnh này không lây sang người. Mặc dù vậy, các sạp hàng vẫn ế ẩm, nhiều người  quay lưng lại với thịt lợn và thay thế bằng các loại thực phẩm khác. Việc kinh doanh, buôn bán thịt lợn ngày càng khó khăn. Theo nhiều tiểu thương,  tiêu thụ lợn trước đây diễn ra hết sức thuận lợi, nhưng nay tình thế đã đảo chiều. Tại những địa phương có dịch, khâu kiểm soát tiêu thụ thịt lợn hết sức chặt chẽ. Việc vận chuyển thịt lợn đi tiêu thụ ở nhiều nơi trong tỉnh gần như bị kẹt cứng. Các trại lợn rơi vào tình trạng “giữ không được, bán cũng không xong”.

Ông Nguyễn Văn Lượng, một thương lái ở Bắc Ninh chuyên thu mua lợn ở khu vực Hải Dương cho biết: “Hiện tại, ở nhiều tỉnh phía Bắc, thị trường lợn gần như "đóng băng". Nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn giảm nhiều so với trước bởi tin đồn thất thiệt liên quan đến DTLCP và bệnh sán”. Ngoài ra, việc kiểm soát vận chuyển lợn và thịt lợn từ tỉnh này sang tỉnh khác chặt chẽ nên số lượng xe vận chuyển lợn giảm mạnh, chỉ bằng một nửa so với trước.

Theo khuyến cáo của Chi cục Thú y tỉnh, thời điểm này người chăn nuôi cần bình tĩnh, không nên hoang mang bán tháo đàn gây nhiễu loạn thị trường. Các trang trại cần giữ ổn định chăn nuôi, nhất là đối với đàn lợn nái. Bởi khi dịch đi qua, dự báo thị trường sẽ thiếu hụt một lượng thịt lợn nhất định. Nếu số lợn nái bị hao hụt, người nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn khi tái đàn. Đối với những cơ sở sản xuất lợn giống, cần bình tĩnh thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh DTLCP. Đồng thời nên dừng cho lợn phối giống, bởi lúc này các cơ sở chăn nuôi đều được khuyến cáo không nên tái đàn, thị trường lợn giống sẽ bị gián đoạn một thời gian.

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người chăn nuôi trong "bão" dịch tả lợn châu Phi. Bài 1: Tiêu thụ thịt lợn khó khăn