Chính trị viên đầu tiên của đảo Sơn Ca

01/05/2020 08:31

Tại nhà riêng ở thôn Nại Trì, xã Ngũ Hùng (Thanh Miện), ông Nguyễn Văn Luân mở chuyện với chúng tôi: "Mình không ngờ lại được vượt biển làm nhiệm vụ giải phóng đảo xa của Tổ quốc với cương vị Chính trị viên đầu tiên của đảo Sơn Ca".


Ông Luân (thứ tư từ trái sang) cùng đồng đội năm xưa 

Tôi hỏi ông: "Năm 1971, bác mới xung trận. Lính đặc công. Vậy sao bác lại được cấp trên chỉ định làm Chính trị viên đảo?". Ông Luân cười khà khà. "Phải có cơ duyên! Nó là thế này...", ông nhẩn nha kể...

 Giải phóng đảo không mất một hòn đạn

Ông Luân nhập ngũ tháng 4.1970 khi vừa tròn 18 tuổi. Trong thời gian huấn luyện tân binh, do có thành tích xuất sắc nên ông được cấp ủy bồi dưỡng cảm tình Đảng. Tháng 12.1970, ông đi B, thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5. Vào tới đất Quảng là chiến đấu với quân Mỹ. Từ một "tân binh dũng cảm" (danh hiệu đơn vị tặng cho), ông được thủ trưởng giao nhiệm vụ Tiểu đội trưởng, rồi Trung đội trưởng, liên tục phụ trách mũi nhọn thọc sâu nhiều trận đánh ác liệt, được nhận 3 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba. Trong trận tiến công cao điểm đồn Đen thuộc huyện Đại Lộc ngày 10.7.1972, do sự cố bất khả kháng, mũi tiến công của ông bị quân địch bao vây đánh úp, phải mở "đường máu" thoát ra. Ông ra cuối cùng... 

Sau trận đánh bi hùng ấy, ông Mai, Chính trị viên Đại đội tuyên bố: "Từ hôm nay, đồng chí Nguyễn Văn Luân là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam", cấp trên phong quân hàm thiếu úy và bổ nhiệm ông làm Chính trị viên phó Đại đội... trước sự chứng kiến của các cán bộ, chiến sĩ Đại đội 4. Sau khi trở thành đảng viên chính thức, cuối năm 1973, ông được cử đi học tại Trường Quân chính Quân khu 5. Đầu năm 1974, theo yêu cầu nhiệm vụ, lớp học kết thúc sớm, Ban Cán bộ sư đoàn bố trí ông tham gia các chiến dịch Tổng tiến công giải phóng miền Nam.

Sáng 23.4.1975, giữa lúc tin chiến thắng dồn dập từ các hướng, thiếu úy Nguyễn Văn Luân  được chỉ huy sư đoàn giao nhiệm vụ cùng với ông Văn Hải (người Hà Bắc) chỉ huy bộ đội giải phóng đảo Sơn Ca thuộc quần đảo Trường Sa. Theo quyết định của cấp trên, ông làm Chính trị viên và ông Văn Hải làm Đảo trưởng. 

Tối hôm đó, tại sân bay Nước Mặn ở Đà Nẵng, ông Luân trực tiếp nhận hơn 30 người, đủ thành phần bộ binh, pháo binh, thông tin, y tế... Hai mươi giờ, đồng chí cán bộ sư đoàn gặp riêng ông, dặn dò: "Nhiệm vụ lần này rất quan trọng. Các anh trực tiếp giải phóng đảo Sơn Ca, cùng với các bộ phận khác kịp giải phóng toàn bộ quần đảo Trường Sa vào thời điểm ta giải phóng Sài Gòn. Nếu chậm, sẽ gặp khó khăn. Số quân anh vừa nhận chưa trải qua chiến đấu. Anh phải kèm cặp, giúp đỡ anh em để hoàn thành nhiệm vụ". Ông Luân khẳng khái: "Cấp trên cứ yên tâm!". Ngay sau đó, ông và ông Hải đưa các chiến sĩ mang theo vũ khí lên một chiếc tàu thủy bề ngoài giống tàu đánh cá. Nửa đêm, tàu rời bến, tiến ra quần đảo Trường Sa... 

2 giờ sáng 25.4.1975, tàu dừng lại bên một thềm san hô cách mép đảo Sơn Ca chừng non cây số, không thể đi tiếp được nữa vì mắc cạn. Nhìn bộ đội không quen đi biển, say sóng mệt lử, ông Luân bàn với ông Hải động viên anh em bằng mọi cách lên được đảo trước khi trời sáng, càng sớm càng tốt. Tiếp đó, hai ông và những chiến sĩ còn khỏe đỡ toàn bộ anh em say sóng mang theo vũ khí rời tàu, gắng sức tận dụng lực đẩy của sóng, vừa bơi vừa đi vượt qua thềm san hô... Chừng gần 4 giờ, tất cả đặt chân lên mép đảo Sơn Ca. Xa xa, le lói ánh đèn pin của quân đội Sài Gòn ở đảo, chắc là đi tuần, nhưng thỉnh thoảng lại soi khắp ngọn cây, có vẻ như đang tìm chim chóc... 

Sau khi nghiên cứu địa hình, quân ta chia thành 2 mũi. Mũi ông Hải chỉ huy gồm 20 người. Số còn lại, ông Luân chỉ huy. Theo kế hoạch, mũi ông Hải tấn công trước, mũi ông Luân hỗ trợ... Giữa tối đen, một tổ thuộc mũi ông Hải được lệnh tiến gần chỗ quân đội Sài Gòn ở. Sau tiếng hô dõng dạc, dứt khoát của đồng chí tổ trưởng: "Mặt trận Dân tộc giải phóng đã giải phóng hoàn toàn miền Nam. Các anh hàng thì sống, chống thì chết", chừng 20 người lính Sài Gòn không mang vũ khí, giơ hai tay lên trời, run rẩy ra khỏi nhà, đi theo chỉ dẫn của bộ đội ta, đến tập trung giữa một bãi trống... Ông Hải hạ lệnh cho các chiến sĩ đưa tất cả tù binh vào một căn nhà, canh gác cẩn thận, đồng thời khẩn trương thu gom toàn bộ vũ khí, trang bị của quân đội Sài Gòn trên đảo. Xong xuôi, ông Luân giao chiến sĩ thông tin dùng máy 15W chuyển nội dung ông báo tin về Sư đoàn: "Đã chiếm được đảo Sơn Ca. Không nổ súng. Không có ai chết".

Những ngày sau đó, Chính trị viên Luân cùng Đảo trưởng Hải chỉ huy bộ đội trên đảo Sơn Ca vừa củng cố điều kiện sinh hoạt, vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo. Ngày ngày, chỉ huy đảo báo cáo tình hình về đất liền. 

Việc bảo đảm hậu cần ngày càng khó khăn. Bởi lúc rời tàu để lên chiếm đảo, anh em chỉ có bộ quần áo đang mặc và vũ khí chiến đấu. Tất cả trang bị khác đều để ở tàu. Và tàu thì tiếp tục hành trình theo chiến dịch... Tuy vậy, cán bộ, chiến sĩ ta vẫn đối xử tử tế với tù binh. Không lâu sau, chuyến tàu đầu tiên sau hòa bình ra đảo, mang theo lương thực, thực phẩm tiếp tế cho bộ đội và đưa toàn bộ tù binh về đất liền... Tháng 6.1976, cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca lần lượt được về thăm quê hương. 

Bất ngờ là thương binh

Ông Luân vừa vào tới đất liền, cấp trên bố trí ông tạm nghỉ ngơi tại Ban Cán bộ Lữ đoàn 126 ở Cam Ranh. "Lúc làm việc thì không sao, lúc... giải lao mới bực mình!" - ông Luân kể tiếp - "Cái vết thương trong phổi từ trận tiến công địch ở Quế Sơn (huyện Đại Lộc) năm 1971, mấy năm chiến trận không thấy nó hành hạ gì. Hòa bình, thỉnh thoảng nó lại giở chứng. Thế là tôi xin phục viên...".

Về quê, tháng 4.1977 ông Luân được nhận vào làm giảng viên quân sự Trường Trung học Ngân hàng I Trung ương ở Bắc Ninh. Từ đó, văn bản quyết định thiếu úy Nguyễn Văn Luân, Chính trị viên đảo Sơn Ca phục viên, được đơn vị đổi thành quyết định chuyển ngành. Tại nơi công tác mới, không ai biết ông bị thương ở chiến trường. Năm1985, vết thương tái phát, bác sĩ điều trị phát hiện trong phổi ông có một miếng kim loại, lúc này ông mới trình giấy chứng thương do Sư đoàn 2, Quân khu 5 cấp năm xưa... Hội đồng Giám định y khoa Trung ương kết luận ông mất61% sức khỏe, là thương binh hạng 2/4.

Năm 1988, ông Luân về nghỉ theo chế độ mất sức. "Mất sức nhưng còn lực" - ông bảo thế. Thế nên về tháng trước, tháng sau ông tham gia ngay công tác địa phương, bắt đầu đảm nhiệm Thư ký Đội sản xuất. Sau đó ông làm Trưởng thôn rồi chuyển sang Bí thư chi bộ. 

Sau năm 2000, tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh", sức khỏe yếu hơn, ông Luân nghỉ công tác. Vợ chồng ông có hai con, một trai, một gái đã phương trưởng.

Năm 1995, những người ở huyện Gia Lộc tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa ngày ấy lập Hội đảo Trường Sa huyện Gia Lộc. Mỗi khi hội này họp mặt đều mời ông Luân đến dự với tư cách "Chính trị viên đảo Sơn Ca đầu tiên".

PHẠM XƯỞNG

(0) Bình luận
Chính trị viên đầu tiên của đảo Sơn Ca